'Bật cảnh báo' với cán bộ không dám làm
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục nóng 'từ trên' Trung ương và đang lan tỏa dần đến các cấp ở địa phương. Theo ông Lê Như Tiến – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, phải có 'cảnh báo' đối với những người không dám làm gì để không phải chịu trách nhiệm, cứ thế mà tiến thân.
PV: Tuần qua, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã họp với nhiều nội dung quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng và Nhà nước ta trong công tác PCTN, tiêu cực. Trong đó tiếp tục khẳng định dấu ấn rõ nét của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực rất quyết liệt, đi vào các vụ việc cụ thể, thậm chí còn chỉ ra những vụ việc cần quan tâm đặc biệt, đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực cũng từng bước đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến rõ rệt, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Tuy nhiên khách quan mà nói, thì cấp Trung ương đã “nóng”, còn cấp tỉnh mới chỉ “ấm dần lên” và cần mạnh mẽ hơn nữa để thực sự “nóng” như cấp Trung ương.
Vai trò của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực đã được đề cập đến trong thời gian qua. Và chúng ta cần nhìn nhận đánh giá chi tiết về tính hiệu quả của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thưa ông?
- Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây với cử tri TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến, trong PCTN, tiêu cực thì tất cả các cấp phải cùng làm. Trung ương không làm thay địa phương. Ai ở địa phương không làm được thì sẽ xử lý, thay thế. Theo tôi địa phương phải thấy trách nhiệm của mình. Đã có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì địa phương phải làm, nếu không hoàn thành chức năng nhiệm vụ mà Trung ương giao, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Trung ương. Đẩy việc lên Trung ương cũng làm cho vai trò trách nhiệm của địa phương bị giảm đi.
Thưa ông, có lẽ cần tổng kết để đánh giá lại hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN tiêu cực sau gần 1 năm đi vào hoạt động?
- Chúng ta phải có đánh giá rút kinh nghiệm, đưa ra những bài học, cách làm hay, bên cạnh đó chỉ ra nguyên nhân còn hạn chế để trả lời câu hỏi tại sao chưa phát huy được? Cái nào đạt được kết quả tốt thì cần phát huy, nhân rộng, có biểu dương khen thưởng, đồng thời có nhắc nhở những địa phương chưa làm tốt.
Ông có nghĩ nếu cán bộ không dám làm, né tránh, đùn đẩy thì đó cũng là biểu hiện của tiêu cực?
- Có một vấn đề nóng đang được đặt ra hiện nay đó là tại sao một bộ phận cán bộ không dám làm gì, sợ trách nhiệm. Như thế nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Có câu “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” cho thấy một số cán bộ không dám làm gì. Vì sợ làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít. Và cuối cùng họ chọn phương án không làm gì cả để không sai. Đó chính là yếu tố thủ tiêu tinh thần quyết liệt trong hoạt động của cán bộ công chức.
Đây là vấn đề chúng ta cần xem lại các cơ chế chính sách của ta đã hoàn thiện đầy đủ chưa? có cơ chế đủ mạnh để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung hay chưa? Lãnh đạo mà không muốn làm thì làm sao đất nước phát triển được. Đặc biệt trong PCTN, tiêu cực nếu không làm gì còn nguy hại hơn. Như thế tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng phát triển. Không dám đấu tranh, phanh phui ra tham nhũng thì tham nhũng, tiêu cực sẽ nảy sinh.
Cán bộ không dám làm và không làm gì, đó cũng là biểu hiện tiêu cực. Trước sự việc thuộc thẩm quyền và chức năng của mình mà cán bộ không làm có nghĩa là đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm. Tôi cho rằng, không chỉ việc cán bộ làm sai mà kể cả cán bộ không làm, không đấu tranh trước những biểu hiện sai trái thì cũng là khuyết điểm, thiếu trách nhiệm.
Một người lãnh đạo biết việc đó sai mà không làm gì cả, thậm chí đùn đẩy cho cấp dưới trong khi đó là trách nhiệm của người đứng đầu thì người đó phải chịu trách nhiệm. Cần phải “bật cảnh báo” đối với những người không làm gì để yên thân, tiến thân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bat-canh-bao-voi-can-bo-khong-dam-lam-5717840.html