Bảo vệ trẻ em trước những nguy hại của môi trường mạng
Hằng năm có khoảng 2.000 vụ việc xâm hại trẻ em, trong đó, số lượng vụ việc xâm hại trên môi trường mạng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đáng báo động là tình trạng trẻ em bị cô lập trên mạng, gây nên những sự việc đau lòng vừa qua, đặt ra yêu cầu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần được đặc biệt quan tâm trong công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.
Nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng đối với trẻ em
Theo thống kê của Global Digital Headlines, Việt Nam hiện có khoảng 77,93 triệu người dùng in-tơ-nét, chiếm 79,1% tổng dân số; 70 triệu người dùng mạng xã hội tương đương với 71% tổng dân số, trong đó có nhiều trẻ em. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian cho việc sử dụng in-tơ-nét với nhiều mục đích khác nhau như: xem phim, video; học tập; xử dụng MXH, theo dõi các nhân vật của công chúng; tìm kiếm thông tin; trò chuyện với bạn bè, người thân…
Theo Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam của ECPACT, INTERPOL và UNICEF (2022), tỉ lệ trẻ em sử dụng in-tơ-nét ở độ tuổi 12-17 tuổi là rất cao, cụ thể: 91% trẻ xem video, 88% dùng MXH, 87% nhắn tin, 72% làm bài tập, 70% xem tin tức, 63% xem livestream… ít nhất 1 lần/tuần. Cùng với đó, trẻ em sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Nếu không có định hướng, quản lý của cha mẹ, trẻ em có thể tiếp xúc, bị "đầu độc" bởi những thông tin xấu độc với những nội dung đồi trụy, bảo lực, không phù hợp với lứa tuổi; thậm chí là những video hướng dẫn cách tự làm tổn thương bản thân như cắt da, tự tử...
Trẻ em trong giai đoạn dậy thì, đang phát triển là lứa tuổi dễ bị tác động và dễ bị tổn thương về tâm lý nhất. Các em luôn muốn chứng tỏ bản thân, chứng minh mình đã lớn với bố mẹ, thầy cô, bạn bè, vì vậy sẽ rất dễ có những suy nghĩ lệch lạc, dẫm đến hành động sai trái khi tiếp cận những thông tin xấu trên MXH, in-tơ-nét. Ví như cuối năm 2020, một bé trai ở Đồng Nai đã thiệt mạng khi học theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở” trên MXH; bé gái 9 tuổi ở Phú Thọ nuốt bấm móng tay học vì theo clip trên YouTube hay một nhóm học sinh ở Tuyên Quang học theo clip trên mạng nướng cóc ăn, phải nhập viện vì ngộ độc nặng…
Trẻ em có thể phải đối diện với nguy cơ bị bắt nạt trên không gian mạng. Bạo lực học đường đã không còn chỉ xảy ra tại trường học, ở không gian thực nữa mà đã, đang và sẽ "hoành hành" trên mạng in-tơ-nét, đặc biệt là MXH; thậm chí, ảnh hưởng, hậu quả còn nặng nề, kinh khủng và nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ở đời thực, trẻ em thường bị bạo lực về thể xác, còn bắt nạt trực tuyến sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của nạn nhân thông qua các hành vi đăng tin đồn, lời đe dọa, đánh giá, chê bai hay sỉ nhục, kêu gọi tẩy chay… khiến trẻ có nhiều phản ứng, cảm xúc tiêu cực, sợ hãi, thất vọng, tức giận, chán nản, trốn tránh, cảm thấy bị hạ thấp lòng tự trọng thậm chí tăng ý định tự tử.
Theo một khảo sát của UNICEF được công bố vào tháng 4-2019, trong số các thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát thì có 21% là nạn nhân của bắt nạt trên mạng, 75% không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.
Khi không được trang bị kỹ năng phòng bị, trẻ em có thể là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ, xâm hại tình dục… Các đối tượng thông qua in-tơ-nét, MXH tiếp cận trẻ; bằng những lời lẽ gạ gẫm, phỉnh nịnh, dụ dỗ bằng tiền, quà tặng để các em cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc cài các phần mềm độc hại từ đó thực hiện các hành vi tấn công như quay lén, ép buộc, xâm hại tình dục trẻ.
Theo Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam của UNICEF (2022), tình trạng bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em Việt Nam trong lứa tuổi 12-17 qua mạng đang diễn ra khó lường, trong đó: 1% trẻ nhận được yêu cầu gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm của mình khi các em không muốn; 0,2% được đề nghị cho tiền hoặc quà để đổi lấy hình ảnh nhạy cảm; 0,3% đe dọa hoặc hăm dọa trẻ tham gia hoạt động tình dục; 1% trẻ có ảnh nhạy cảm bị chia sẻ khi chưa được phép; 2% trẻ 15-17 tuổi đã nhận tiền hoặc quà để đổi cho hình ảnh, video nhạy cảm…
Trước những nguy cơ đó, cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, nhà trường và gia đình để xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ; bảo vệ trẻ khỏi các hành vi lừa đảo, dụ dỗ, xâm hại, bắt nạt và thông tin xấu độc.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - nhiệm vụ cấp bách
Thời gian qua, công tác bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên in-tơ-nét đã được, Đảng, Nhà nước quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng; tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng; Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030…
Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021).
Một chiến dịch, hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được xây dựng, triển khai rộng khắp với nhiều hoạt động có sức ảnh hưởng mạnh mẽ: tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em trên môi trường mạng; phối hợp liên ngàng trong phát hiệu, xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em trên không gian mạng; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp….
Gần đây, với sự phối hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH); Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tán phát thông tin xấu, độc trên MXH như Facebook, Youtube… tạo môi trường lành mạnh cho trẻ; đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, nội dung trên môi trường mạng thực thi qui định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em; đồng thời, tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em.
Năm 2021, mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập với sự tham gia của 24 đơn vị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp,… nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1-6-2021, "Phê duyệt chương trình "bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Bộ LĐTB&XH đã đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp thông tin tuyên truyền kết hợp với triển khai nhiều biện pháp có hiệu quả như: xây dựng, tích hợp kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111); đa dạng hóa hình thức tiếp nhận thông tin của Tổng đài 111 (qua điện thoại, website, zalo, fanpage, email); tập huấn cho trẻ em nòng cốt một số tỉnh, thành phố về kỹ năng tự bảo vệ mình và kỹ năng tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị xâm hại trực tuyến qua Tổng đài 111; kịp thời phát hiện, kết nối với mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em, xác minh, xử lý các trường hợp xâm hại hoặc nghi ngờ xâm hại trẻ em theo qui định…
Nhờ vậy, các vấn đề về trẻ em trên môi trường mạng đã được tiếp nhận, phân tích, xử lý kịp thời, nhanh chóng. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, trong hai năm 2021 và 2022 có 877 cuộc gọi đến Tổng đài 111 với nội dung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trung bình có 1,2 cuộc gọi/ngày). Trong đó: có 820 cuộc gọi tư vấn (252 cuộc tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em; 23 cuộc gọi về bóc lột tình dục; 97 cuộc về trẻ em bị bạo lực, bắt nạt; 109 cuộc trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm; 301 cuộc hướng dẫn cách sử dụng In-tơ-nét an toàn,…) và đã can thiệp giúp 57 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bóc lột, bạo lực, đưa hình ảnh trẻ em lên mạng và xúc phạm nhân phẩm trẻ em.
Để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các qui định pháp luật về bảo vệ trẻ em, bảo vệ dữ liệu về trẻ em trên mạng, đặc biệt chú ý đến việc thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM (Child Sexual Abuse Material), một chương trình cơ sở dữ liệu về thông tin, dữ liệu đặc tả, hình ảnh/video xâm hại trẻ em và có cơ chế để các cơ quan chức năng và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan tham gia cập nhật, phân tích thông tin nhằm ngăn ngừa việc đăng tải, chia sẻ các hình ảnh/video xâm hại trẻ em trên môi trường mạng dựa trên ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu lớn.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng cơ chế làm việc giữa doanh nghiệp và nhà nước để khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc thiết kế các ứng dụng, phần mềm, nền tảng, trò chơi trực tuyến là sân chơi bổ ích cho trẻ em, kích thích trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo; những công cụ để lọc tự động, báo cáo phát hiện về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng giúp nhanh chóng phát hiện hành vi xâm hại, tăng cường khả năng phòng ngừa và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp theo Quyết định số 830/QĐ-TTg.