Bảo vệ trẻ em trong kỷ nguyên số

TS. James Kang - giảng viên cấp cao về Khoa học máy tính tại Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ: với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội tại Việt Nam, các mối nguy trực tuyến với trẻ em đang càng trở nên đáng lo ngại. Để xây dựng môi trường số an toàn hơn, cần có luật pháp chặt chẽ, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy hợp tác nhằm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

TS. James Kang cho rằng, để bảo vệ trẻ em trực tuyến cần có giáo dục, các sáng kiến về sức khỏe tinh thần và giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với rủi ro. Ảnh: RMIT

TS. James Kang cho rằng, để bảo vệ trẻ em trực tuyến cần có giáo dục, các sáng kiến về sức khỏe tinh thần và giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với rủi ro. Ảnh: RMIT

Những thách thức gì sẽ gặp phải

Với 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội vào đầu năm 2024, trẻ em Việt Nam đối mặt với rủi ro đáng kể trên mạng, bao gồm bắt nạt trực tuyến và các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Thanh thiếu niên đặc biệt dễ bị tổn thương, do đó việc áp dụng các biện pháp an toàn toàn diện là vô cùng cần thiết. Nghiên cứu cho thấy 14% thanh thiếu niên Việt Nam từng trải qua bắt nạt trực tuyến nên việc triển khai các chương trình giáo dục và hệ thống hỗ trợ tâm lý càng trở nên cấp thiết. Tại Hoa Kỳ các nghiên cứu chỉ ra rằng thanh thiếu niên dành hơn 3 giờ trên mạng xã hội mỗi ngày có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ở Việt Nam, tình trạng căng thẳng, lo âu và trầm cảm do tương tác trực tuyến ngày càng gia tăng, nhấn mạnh hơn nữa tính cấp thiết của các sáng kiến chăm sóc sức khỏe tinh thần và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Theo TS. James Kang cho hay, vào tháng 11/2024, Australia đã ban hành luật yêu cầu phụ huynh giám sát trẻ dưới 16 tuổi khi sử dụng mạng xã hội, trong khi đó Pháp áp dụng quy định tương tự đối với trẻ dưới 15 tuổi. Những nỗ lực này nhấn mạnh sự cấp bách của việc Việt Nam cần cải thiện khung pháp lý bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các thách thức như việc trẻ vị thành niên lách luật và sai sót trong hệ thống xác minh độ tuổi. Việc tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết lập các quy định rõ ràng có thể giúp giải quyết những vấn đề này và tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn hơn.

Việt Nam đã có một số động thái cho vấn đề này với việc ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP, yêu cầu phụ huynh phải đăng ký tài khoản và giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ dưới 16 tuổi. Nghị định thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bảo vệ và đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Nỗ lực liên tục hiệu chỉnh và thực thi các quy định này, đồng thời học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới, sẽ tăng cường hơn nữa việc bảo vệ trẻ em Việt Nam trên các không gian trực tuyến.

Việc thực thi lệnh cấm mạng xã hội đối với thanh thiếu niên là một nhiệm vụ đầy thách thức. Trẻ vị thành niên có thể lách luật bằng cách sử dụng thông tin sai, VPN, hoặc tạo tài khoản giả, các hoạt động thể hiện sự phản kháng và nổi loạn, khiến quan hệ gia đình căng thẳng. Các biện pháp này còn dấy lên lo ngại về quyền riêng tư, có nguy cơ xung đột với các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các công ty công nghệ có thể lập luận rằng hệ thống xác minh độ tuổi hiện tại, chủ yếu phụ thuộc vào những giấy tờ như hộ chiếu hoặc giấy khai sinh, không chỉ tốn kém mà còn kém hiệu quả và dễ bị gian lận. Thanh thiếu niên am hiểu công nghệ có thể dễ dàng lách luật khiến việc thực thi trở nên phức tạp hơn. Tại Hoa Kỳ, một số vụ kiện còn cáo buộc rằng các biện pháp này vi phạm quyền hiến pháp, khiến quá trình triển khai trở nên phức tạp hơn. Gánh nặng tài chính của việc duy trì các hệ thống này cũng là một vấn đề gây tranh cãi khác. Các công ty cảnh báo về tổn thất doanh thu do người dùng tìm cách lách luật, đồng thời cho rằng trách nhiệm thực thi không nên chỉ thuộc về họ. Những thách thức này nhấn mạnh sự cần thiết của cách tiếp cận hợp tác và cân bằng, giải quyết vấn đề quyền riêng tư, hạn chế công nghệ và tính khả thi của việc thực thi.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong xác minh tuổi và bảo vệ quyền riêng tư có thể giúp Việt Nam tạo dựng không gian số an toàn hơn, đồng thời tăng cường niềm tin từ cộng đồng. Ảnh: Pexels

Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong xác minh tuổi và bảo vệ quyền riêng tư có thể giúp Việt Nam tạo dựng không gian số an toàn hơn, đồng thời tăng cường niềm tin từ cộng đồng. Ảnh: Pexels

Triển khai hệ thống xác minh độ tuổi cân bằng với việc bảo vệ trẻ em

Những tiến bộ trong công nghệ xác minh độ tuổi, chẳng hạn như nhận diện khuôn mặt dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), mang đến một giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng mà vẫn tôn trọng các mối lo về quyền riêng tư và an ninh. TS. James Kang nêu ví dụ, một dự án thí điển tại Anh vào năm 2024 đã chứng minh rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể giảm đáng kể quyền truy cập của trẻ vị thành niên vào các nội dung độc hại. Việt Nam có thể áp dụng các phương pháp tương tự trong khi vẫn đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn về quyền riêng tư.

Để củng cố các hệ thống, các công ty công nghệ có thể tích hợp AI với sinh trắc học, xác minh ngoại tuyến và kiểm tra tài liệu. Hợp tác với các bên thứ ba chuyên nghiệp có thể tăng cường hơn nữa việc bảo vệ quyền riêng tư và nâng cao tính minh bạch, giảm bớt những lo ngại từ cả Chính phủ và phụ huynh. Kiểm tra định kỳ và triển khai các chương trình giáo dục cho phụ huynh có thể giúp giải quyết rủi ro, xây dựng lòng tin và khuyến khích cộng đồng tuân thủ các quy định. Áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn thực thi tốt nhất sẽ đảm bảo tính độ tin cậy và tính nhất quán trên khắp khu vực. Điều này không chỉ giúp bảo vệ trẻ em mà còn xây dựng niềm tin của người dùng và tuân thủ các quy định về quyền riêng tư, khiến đây trở thành một giải pháp thiết thực cho cam kết đảm bảo an toàn trẻ em trên không gian mạng của Việt Nam.

Để thực thi hiệu quả lệnh cấm mạng xã hội, Việt Nam cần đảm bảo các quy định mới phù hợp với các luật bảo vệ quyền riêng tư hiện hành cũng như các quyền trong hiến pháp. Ví dụ, Luật Bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội của Mỹ nêu bật các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo mật dữ liệu, có thể là mô hình tham khảo hữu ích cho Việt Nam. Một khung pháp lý mạnh mẽ và toàn diện cần bao gồm các luật xác minh độ tuổi, cho phép ứng dụng công nghệ AI và sinh trắc học để tăng hiệu quả, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như GDPR sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và xây dựng lòng tin người dùng. Ngoài ra, cần thành lập các cơ quan quản lý chuyên trách để giám sát quá trình triển khai, áp dụng hình phạt và bảo vệ quyền lợi người dùng.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bao-ve-tre-em-trong-ky-nguyen-so-406979.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjayntaxmtuwmjm2mdg=&secureurl=d2