Bảo tồn và phát huy giá trị của Cổng Morocco ở Việt Nam

Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Morocco và UBND huyện Ba Vì cùng phối hợp để đề xuất Cổng Morocco - biểu tượng quan hệ hai nước trở thành một điểm di tích.

Chiều 24/5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Morocco cùng các thành viên Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Morocco đã đến thăm, làm việc với UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) để bàn về phương án bảo tồn, tu sửa Cổng Morocco trên địa bàn huyện.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), hàng nghìn binh lính - những người chiến đấu bên cạnh Quân đội Pháp bao gồm Morocco, Tunisia, Hà Lan, Romania... đã chạy sang phía Việt Nam. Những hàng binh này được đối xử một cách nhân đạo bởi Đảng và Quân đội Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cùng đoàn công tác đến thăm Cổng Morocco.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cùng đoàn công tác đến thăm Cổng Morocco.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập Nông trường Việt-Phi để tiếp nhận hơn 300 hàng binh người châu Âu, châu Phi đồng thời cũng tuyển được hơn 100 công nhân, cán bộ người Việt Nam. Những người này đã khai hoang chăn nuôi hàng nghìn bò sữa, trồng lúa, sắn, mía cung cấp cho các nhà máy đường Vạn Điểm, Tam Hiệp....

Nhiều người trong số họ đã kết hôn với phụ nữ Việt Nam. Những người Morocco với sự giúp đỡ của nhiều người mang quốc tịch Âu-Phi khác đã xây dựng nên cánh cổng này với dấu ấn Morocco. Hơn nửa thế kỷ qua, chiếc cổng vẫn được giữ nguyên kiến trúc, những chủ nhân của nó cùng vợ con đã quay lại quê hương. Họ để lại tình cảm sâu sắc với Nông trường Việt-Phi, với đất nước, con người Việt Nam.

Cổng này hiện nằm trên đất của gia đình ông Nguyễn Văn Thành - từng là nhân viên nông trường Việt - Phi. Cuối năm 1992, gia đình ông Thành được chia đất, công trình Cổng Morocco nằm trên phần đất được chia này.

Cổng Morocco hiện đang nằm trong vườn của một hộ dân.

Cổng Morocco hiện đang nằm trong vườn của một hộ dân.

Tấm bia ghi câu chuyện về tình người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Tấm bia ghi câu chuyện về tình người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Phan Tâm đã thông tin sơ bộ về quan hệ Việt Nam và Morocco, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Cổng Morocco là biểu tượng trong quan hệ hai nước, không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn thể hiện tính đoàn kết quốc tế giữa Việt Nam với Morocco nói riêng và với các nước châu Phi nói chung.

Cách đây 6 năm Cổng đã được TP Hà Nội cùng Đại sứ quán tổ chức trùng tu nhưng qua thời gian công trình dần xuống cấp, hoang hóa. Thứ trưởng gợi mở ngoài việc tu bổ thì còn cần hướng đến khai thác, phát huy giá trị lịch sử để Cổng Morocco trở thành địa chỉ văn hóa để tham quan, tìm hiểu.

Về trùng tu Cổng Morocco, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng đề xuất xã hội hóa để có nguồn kinh phí. Cổng hiện đang ở vị trí đất thuộc nông trường đã được tư nhân hóa, không do huyện quản lý. Vì thế huyện muốn đưa khu vực này về cho huyện, xã quản lý về mặt nhà nước, từ đây sẽ thuận lợi hơn trong tu sửa, bảo vệ, để Cổng Morocco trở thành một điểm di tích.

Thứ trưởng Phan Tâm thăm ông Nghiêm Hữu Phúc - cán bộ phụ trách chăn nuôi của Nông trường Việt - Phi năm xưa (ảnh trái) và thăm gia đình đang trông coi Cổng Morocco.

Thứ trưởng Phan Tâm thăm ông Nghiêm Hữu Phúc - cán bộ phụ trách chăn nuôi của Nông trường Việt - Phi năm xưa (ảnh trái) và thăm gia đình đang trông coi Cổng Morocco.

Thứ trưởng Phan Tâm và Chủ tịch UBND huyện Ba Vì bàn về phương án tu sửa Cổng Morocco.

Thứ trưởng Phan Tâm và Chủ tịch UBND huyện Ba Vì bàn về phương án tu sửa Cổng Morocco.

Địa phương mong muốn được các chuyên gia, các nhà chuyên môn vào cuộc, thu thập thông tin, ghi nhận và hình thành hồ sơ để trình lên cấp có thẩm quyền quyết định công nhận Cổng Morocco là một di tích

Nhất trí các ý kiến đề xuất, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng, cần huy động các nguồn xã hội hóa hiện có để tu sửa Cổng. Thứ trưởng đề nghị huyện Ba Vì sớm lập hồ sơ để trình TP Hà Nội và các cơ quan liên quan công nhận đây là di tích. Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Morocco sẽ hỗ trợ huyện trong quá trình lập hồ sơ, khi đã được công nhận di tích thì việc bố trí nguồn lực tu sửa sẽ thuận lợi hơn.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cua-cong-morocco-o-viet-nam-2284218.html