Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa ở Bắc Kạn

Thời gian qua, các cấp và ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử - văn hóa, là cầu nối để quảng bá hình ảnh địa phương và phát triển du lịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

"Lượn cọi của người Tày huyện Pác Nặm" được đưa vào "Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" năm 2019

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ học viện” với nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh số 65/SL không chỉ là văn bản đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa dân tộc sau khi nước nhà giành được độc lập, mà còn là quan điểm về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa.

Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu trong thời kỳ mới, ngày 24/02/2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hằng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm vừa qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh và thu được nhiều kết quả quan trọng. Là tỉnh có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, với các giá trị di sản văn hóa phi vật thể phong phú ẩn chứa trong kho tàng dân ca, dân vũ, phong tục tập quán tín ngưỡng. Cùng với đó, hệ thống các di sản văn hóa vật thể cũng rất đa dạng. Đến nay, toàn tỉnh có 175 di tích, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 07 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 36 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hầu hết các di tích được xếp hạng đều là những địa điểm liên quan đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu ATK Chợ Đồn; Khu di tích lịch sử Nà Tu, hay đồn Phủ Thông – Bạch Thông…).

Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được các cấp, ngành chú trọng, đến nay Bắc Kạn đã có 16 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trong tổng số gần 300 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại, có 16 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Xét trên số lượng di sản, Bắc Kạn là một trong những địa phương có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều dự án, như: “Đám cưới người Nùng Giang, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm”; “Nghi lễ đám tang của người Nùng Phàn Sình, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn”; “Lễ Phjất Lăng của người Dao Đỏ thôn Nà Vài, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể”; “Thơ lẩu - Thơ đám cưới của dân tộc Tày xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm”; “Lễ đầy tháng của dân tộc Tày thôn Bản Chảy, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn”; “Lễ 3 ngày tuổi của người Dao Sán Chí xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm”; “Lễ Pù Hung của người Dao Quế Lâm ở Bắc Kạn"... Toàn tỉnh có hơn 100 lễ hội được duy trì hằng năm. Nhiều lễ hội được phục dựng cả về quy mô và tính chất, giữ được nét văn hóa đặc sắc, trong đó Lễ hội lồng tồng huyện Ba Bể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa từng bước được chú trọng. Các di tích được tu bổ, tôn tạo gồm: Di tích đèo Giàng, di tích Nà Tu, di tích đồn Phủ Thông (Bạch Thông); di tích Coỏng Tát (Ngân Sơn); di tích Khuổi Linh, di tích Bản Ca (Chợ Đồn); tôn tạo di tích danh thắng động Nàng Tiên (Na Rì); di tích ATK Bắc Kạn... Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn nhiều hạn chế nên các di tích đã được trùng tu, tôn tạo chủ yếu thuộc nguồn vốn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ có một số ít là nguồn vốn của tỉnh và nguồn xã hội hóa.

Năm 2020, “Hát Pá dung của người Dao” và “Lễ kỳ yên của người Tày” được đưa vào "Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia"

Thực tế cho thấy, để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử thì yếu tố quan trọng là cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tài liệu về di sản. Có biện pháp bảo tồn tĩnh đối với một số di sản thuộc loại hình phong tục tập quán xã hội để lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có. Làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa truyền thống nhằm giáo dục niềm tự hào về các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc và nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị, ý nghĩa tinh thần của di sản.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/12/2019 của Tỉnh ủy về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 – 2030. Đầu tư có trọng điểm cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi những điểm di tích vật thể, nghiên cứu, lập hồ sơ, tư liệu và phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể quan trọng để vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân vừa góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống.

Hoàng Vũ

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bao-ton-phat-huy-gia-tri-cac-di-san-van-hoa-o-bac-kan-80691