Bảo tàng di sản ghe xuồng sông nước Cửu Long: chiếc phao cứu chợ nổi 'đang chìm'?

Trước sự 'chìm' dần của chợ nổi truyền thống, Bảo tàng di sản ghe xuồng sông nước Cửu Long sẽ là nơi lưu giữ những chiếc ghe xuồng cổ, tái hiện không gian thương hồ và những phong tục buôn bán đặc trưng.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nổi bật là hai nhánh sông Tiền và sông Hậu – những nhánh chính của dòng Mekong huyền thoại. Tại các ngã sông, nơi sông Tiền và sông Hậu giao nhau, ghe xuồng thương hồ tấp nập lui tới, tạo nên những khu chợ nổi độc đáo, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của giao thông đường bộ khiến vận chuyển hàng hóa qua đường thủy dần mất lợi thế. Vai trò trung chuyển nông sản của ghe xuồng ngày càng mờ nhạt, chợ nổi cũng dần thưa vắng hình ảnh thương hồ tất bật. Trước thực trạng ấy, các địa phương trong vùng đang loay hoay tìm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị chợ nổi – một phần ký ức và bản sắc văn hóa miền sông nước.

Vậy tại sao không nghĩ đến việc xây dựng một Bảo tàng di sản ghe xuồng sông nước Cửu Long? Đây có thể là mô hình chợ nổi kiểu mới – nơi tái hiện không gian ghe xuồng, buôn bán nông sản miền Tây trong một bối cảnh sinh động, đầy màu sắc. Một bảo tàng sống động như vậy không chỉ lưu giữ ký ức mà còn tạo ra điểm đến văn hóa – du lịch hấp dẫn cho tương lai.

Một thời vàng son…

Cảnh chợ trên bến dưới thuyền ở miền Tây sông nước đã có từ lâu đời. Từ thời khẩn hoang mở cõi, người dân Ngũ Quảng đã bầu bạn cùng khăn gói lên đường theo ghe bầu vào vùng đất Cửu Long để giao thương, lập nghiệp. Bến sông cũng là bến chợ – nơi ghe xuồng thương hồ neo đậu bán buôn.

Chợ nổi Cái Răng một thời vàng son, nhộn nhịp, ảnh chụp năm 1992. Ảnh: Huỳnh Biển

Chợ nổi Cái Răng một thời vàng son, nhộn nhịp, ảnh chụp năm 1992. Ảnh: Huỳnh Biển

Ngày ấy, hầu hết các chợ nổi đều có từ 500 đến 1.000 ghe xuồng neo đậu, kín cả đoạn sông. Từ 4:00 đến 5:00 giờ sáng, không khí chợ nổi đã nhộn nhịp, náo nhiệt khi người vác, kẻ cân, khách chọn hàng, trả giá; tiếng mái chèo khua nước, tiếng máy nổ vang vọng khắp nơi. Chợ nổi lúc ấy sôi động và nhộn nhịp hơn cả các chợ trên bờ.

Thời điểm đó, các hãng lữ hành đều chọn các chợ nổi là điểm đến số 1 để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Đó là các chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang)… từng là điểm đến hấp dẫn của du khách đến miền Tây sông nước.

Độc đáo nhất là những chủ nhân của các ghe xuồng buôn bán nơi chợ nổi – nông dân, thương hồ – tuy chưa từng qua trường lớp marketing nhưng đã sáng tạo ra một cách tiếp thị sản phẩm “độc nhất vô nhị”, khi dùng cây tre làm cây bẹo. Cây bẹo được treo các loại hàng hóa bán trên ghe như khóm, dưa hấu, bí, cam, xoài, củ sắn, khoai lang, chuối… Cây trái treo đầy ắp hai bên sông, trông lạ mắt khiến du khách thích thú.

Doanh nhân người Đức Uwe Hoelzer đã không giấu được sự thích thú sau khi tham quan chợ nổi Cái Răng. Ông chia sẻ “Còn nơi nào tốt hơn khu chợ nổi trên sông, để tôi có thể chỉ cho hai đứa con nhỏ của mình những hình thức bán buôn cổ điển nhất?”. Theo ông, chợ nổi là nơi các nhà buôn sỉ chuyên các mặt hàng đặc thù vận chuyển hàng hóa trên những ghe lớn, được kéo bởi các thuyền nhỏ như những cửa hàng bán lẻ di động. Hàng hóa được trưng bày, yết giá rõ ràng và có thể giao ngay tại chỗ – tất cả tạo nên một không gian giao thương sống động và đặc sắc giữa sông nước.

Với góc nhìn của một người kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, ông Hoelzer còn cảm nhận rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính là một “chợ sỉ” nông sản quy mô lớn. Những chiếc ghe chở đầy trái cây và sản vật địa phương, cảnh bình minh hay hoàng hôn trải dài trên mặt sông – tất cả tạo nên một vẻ đẹp cuốn hút khó quên.

"Tôi rất yêu thích nơi này và mỗi lần trở lại, tôi thật sự say mê", ông bày tỏ.

Chợ nổi miền Tây còn hấp dẫn nhiều du khách bởi nơi đây có nhiều ghe xuồng phục vụ ăn uống dành cho du khách như cơm, cháo, mì, hủ tiếu, bánh lọt, cà phê, nước ngọt… Đặc biệt là khách nước ngoài, họ rất thích trải nghiệm các món ăn dân dã, trong lành trên ghe xuồng giữa cảnh sông nước bao la.

Đó là lý do mà Gordon Ramsay, giám khảo của chương trình Vua đầu bếp Mỹ (MasterChef USA), đã tìm đến chợ nổi Cái Răng để khám phá, thưởng thức hủ tiếu, bún riêu của Dì Hai – một người bán hàng tại chợ nổi. Món ăn nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, được phục vụ ngay trên ghe bồng bềnh giữa sông nước. Gordon Ramsay cho biết ông đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa thấy nơi nào có nước dùng ngon như vậy, và ông đã tôn vinh Dì Hai là “nữ hoàng nước dùng”.

Chợ nổi Cái Răng ngày nay ghe thương hồ ít hơn ghe tham quan du lịch. Ảnh: Huỳnh Biển

Chợ nổi Cái Răng ngày nay ghe thương hồ ít hơn ghe tham quan du lịch. Ảnh: Huỳnh Biển

Đến chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), du khách không chỉ được thỏa thích bồng bềnh trên sông nước tham quan, khám phá dòng sông Ngã Bảy xuôi về bảy ngả, với ghe xuồng san sát chở đầy ắp sản vật miền sông nước Cửu Long neo đậu khắp bảy ngả sông. Còn gì tuyệt hơn khi được nghe lại câu chuyện “Tình anh bán chiếu” qua bài ca vọng cổ bất hủ của cố soạn giả Viễn Châu, với giọng ca của danh ca Út Trà Ôn.

Chợ nổi còn bao nhiêu chuyện kỳ thú khác nữa khó mà kể hết. Nhưng tiếc thay, thời gian đi qua, chợ nổi cũng dần phôi pha. Hạ tầng giao thông đường bộ đã được đầu tư, giao thông đến trung tâm xã đã được bê tông hóa, xe bốn bánh, xe tải nhỏ có thể đến tận các chợ xã để mua bán, vận chuyển hàng hóa nông sản, nên dần lấn át các phương tiện vận chuyển đường thủy. Thương hồ “giải nghệ”, ghe xuồng chợ nổi ngày càng vơi đi.

Bây giờ, chợ nổi Ngã Bảy, Trà Ôn, Phong Điền đã mất dần; chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Cái Bè… ghe xuồng thương hồ cũng đang “chìm dần”, để lại bến sông vắng lặng… Giờ đây, chợ nổi miệt sông nước Cửu Long giờ chỉ còn là một niềm thương nhớ.

Đã qua rồi thời vàng son của chợ nổi sông nước miền Tây!

Bảo tàng ghe xuồng sông nước Cửu Long: Chiếc phao cho chợ nổi

Hiện nay, chính quyền các địa phương có chợ nổi trên sông đã có nhiều nỗ lực như xây dựng các đề án bảo tồn và phát huy giá trị chợ nổi. Tuy vậy, vẫn chưa có địa phương nào đưa ra được giải pháp thật sự khả thi.

Nghĩ rằng, việc duy trì, bảo tồn và phát huy di sản chợ nổi không thể chỉ đơn giản là xây dựng lại chợ nổi hay tổ chức lại cảnh thương hồ buôn bán. Bởi lẽ, chợ nổi trên sông đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một thời vận chuyển, tiêu thụ nông sản hàng hóa của miệt vườn sông nước Cửu Long – như một phiên chợ họp rồi tan.

Để giữ chân du khách, bảo tồn và gìn giữ di sản chợ nổi sông nước cho thế hệ mai sau biết về một thời cha ông khai mở vùng đất phương Nam bằng ghe xuồng, phải chăng các tỉnh miệt vườn sông nước Cửu Long nên cùng nhau liên kết, hợp tác thành lập Bảo tàng di sản ghe xuồng sông nước Cửu Long, đặt tại chợ nổi Cái Răng – một trong những chợ nổi nổi tiếng nhất thế giới.

Mỗi tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TPHCM có thể sưu tầm hoặc đóng mới những loại ghe xuồng cổ xưa đang dần mai một, cũng như những kiểu dáng ghe xuồng đặc trưng của từng địa phương để trưng bày và neo đậu tại bến sông chợ nổi Cái Răng. Đồng thời, kết hợp “tiếp thị” sản vật địa phương qua hình thức cây bẹo – cách buôn bán truyền thống trên ghe – để du khách có thể trải nghiệm, khám phá di sản và mua sắm đặc sản miệt vườn.

"Ghe tam bản, loại ghe phổ biến trên sông nước Cửu Long mà người Pháp gọi là sampan, hiện nay thường bị nhầm lẫn với xuồng ba lá. Trong ảnh: Du khách nước ngoài thích chèo ghe tam bản đi trong kênh rạch cù lao An Bình, Vĩnh Long. Ảnh: Huỳnh Biển

"Ghe tam bản, loại ghe phổ biến trên sông nước Cửu Long mà người Pháp gọi là sampan, hiện nay thường bị nhầm lẫn với xuồng ba lá. Trong ảnh: Du khách nước ngoài thích chèo ghe tam bản đi trong kênh rạch cù lao An Bình, Vĩnh Long. Ảnh: Huỳnh Biển

Bởi lẽ, mỗi địa phương có kiểu dáng ghe xuồng khác nhau màu sơn, hình dáng mũi, con mắt ghe… đều mang đặc trưng riêng. Nếu cùng hội tụ, neo đậu về một nơi như chợ nổi, chắc hẳn sẽ tạo nên sức hút lớn đối với du khách đến tham quan, khám phá nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước miền Tây.

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TPHCM có thể liên kết và hợp tác để đầu tư đóng mới ghe xuồng (mỗi địa phương 10–20 chiếc) để hình thành một "bảo tàng sống" về ghe xuồng truyền thống của địa phương mình. Mỗi ghe xuồng có hình dáng, màu sắc riêng biệt, trên ghe chở sản vật đặc sản và trưng bày các sản phẩm OCOP của từng địa phương. Mỗi chiếc ghe được trang trí bằng cây bẹo đẹp mắt và neo đậu tại chợ nổi Cái Răng.

Từ đó, du khách có thể nghe những câu chuyện về ghe xuồng qua lời hướng dẫn viên du lịch – chỉ cần nhìn hình dáng ghe, mũi ghe, đôi mắt vẽ trên ghe hay sản vật bày trên ghe cũng có thể nhận ra ghe đến từ tỉnh nào của miền Tây.

Ví dụ, ghe xuồng Hậu Giang chở khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, cá thát lát...; ghe Vĩnh Long chở bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình, sầu riêng Ri6...; ghe Đồng Tháp chở các sản phẩm từ sen, xoài cát Hòa Lộc...; ghe Cà Mau chở khô cá bổi, mật ong rừng tràm U Minh; ghe Long An chở dưa hấu; ghe Bến Tre chở dừa, bưởi da xanh…

Nơi đây sẽ giống như một chợ đầu mối nông sản trên sông, vừa phục vụ khách tham quan, vừa bán sản vật đặc trưng để du khách mua sắm. Không chỉ tạo nên điểm nhấn du lịch độc đáo, các địa phương còn có thể quảng bá, giới thiệu hàng nông sản đến du khách quốc tế, thậm chí xúc tiến xuất khẩu ngay tại chỗ khi du khách nước ngoài mua sắm.

Nếu làm được như vậy, chợ nổi không chỉ được bảo tồn mà còn được phát huy, trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Nơi đây có thể trở thành “Bảo tàng ghe xuồng” nổi tiếng thế giới – một sản phẩm du lịch khác biệt, có một không hai, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Một góc chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao, ảnh chụp năm 2023. Ảnh: Henry Dương

Một góc chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao, ảnh chụp năm 2023. Ảnh: Henry Dương

Cần sớm hình thành Bảo tàng di sản ghe xuồng sông nước Cửu Long, vì hiện nay có nhiều loại ghe xuồng chỉ còn tồn tại trong ký ức người xưa.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang), xưa kia miền sông nước Lục tỉnh Nam Kỳ có cả trăm loại ghe xuồng lớn nhỏ, nhưng hiện nay các loại này đang mai một dần. Những loại ghe chỉ còn danh nhưng không còn xuất hiện trên sông nước miền Tây, như ghe bầu, ghe bè, ghe buồm, ghe chiến, ghe cửa, ghe giàn, ghe lườn, ghe chài, ghe rổi, ghe te, ghe trễ, ghe lê...

Điều lo ngại là ghe xuồng – di sản văn hóa bản địa độc đáo của miền sông nước Cửu Long, chưa có bảo tàng để lưu giữ những di sản quý giá của ông cha, một thời là phương tiện di chuyển trên sông đi mở cõi. Ngày nay, nhiều người trẻ đã nhầm lẫn gọi ghe tam bản là xuồng ba lá - mà không biết rằng ghe tam bản (hay còn gọi là sampan theo người Pháp) là một loại ghe nhỏ thường dùng ở châu Á, không phải xuồng ba lá.

Có người còn giải thích “ghe đóng bằng cây sam”, nhưng điều này không đúng, vì sam là gỗ thông, loại gỗ không chịu được nước và ở đồng bằng miền Tây không có cây thông. Vậy, ghe tam (sam) bản là loại ghe có nhiều lá be kết lại chứ không phải theo nghĩa tam bản là ba lá be; vì ba lá be mới gọi là xuồng ba lá...

Đã đến lúc chung tay, chung sức xây dựng Bảo tàng di sản ghe xuồng sông nước Cửu Long, không chỉ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa độc đáo của vùng sông nước miền Tây, mà còn giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết nhiều hơn về các loại ghe xuồng. Đây còn là những câu chuyện hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời là chiếc phao hữu hiệu để cứu chợ nổi “đang chìm”.

Huỳnh Biển

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/bao-tang-di-san-ghe-xuong-song-nuoc-cuu-long-chiec-phao-cuu-cho-noi-dang-chim/