Bão số 3 Wipha: Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình thành lập 2 tổ cấp cứu lưu động, 3 kíp trực tăng cường 24/24

Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình đã thành lập 2 tổ cấp cứu lưu động, 3 tổ thanh niên xung kích, 3 kíp trực tăng cường 24/24 nhằm đảm bảo duy trì hoạt động khám chữa bệnh, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe người dân trong và sau bão.

Duy trì liên tục các hoạt động khám chữa bệnh, cấp cứu, phòng chống dịch

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 – Wipha có sức gió cấp 12, giật cấp 15, di chuyển nhanh và phức tạp, dự kiến ảnh hưởng từ ngày 21–22/7/2025. Ninh Bình nằm trong khu vực có nguy cơ mưa lớn, gió mạnh, lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất, ảnh hưởng đến an toàn hạ tầng và hoạt động khám chữa bệnh.

Trước diễn biến phức tạp và cường độ mạnh của bão số 3 – Wipha, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó có Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng kích hoạt Kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp & Môi trường và Sở Y tế.

Dự trữ đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám, điều trị cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Dự trữ đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám, điều trị cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Với quy mô 1.450 giường bệnh, gần 6.000 lượt người ra vào mỗi ngày, Bệnh viện là nơi tập trung đông bệnh nhân, nhân viên y tế và người nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không có phương án ứng phó kịp thời. Vì vậy, công tác phòng chống bão không chỉ nhằm đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, thiết bị, tính mạng người bệnh và cán bộ y tế, mà còn để duy trì liên tục các hoạt động khám chữa bệnh, cấp cứu, phòng chống dịch trong bối cảnh thiên tai.

Chủ động triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp

Thực hiện nghiêm chỉ đạo từ cấp trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt và triển khai kế hoạch ứng phó theo 3 giai đoạn: trước – trong – sau bão, với các nhiệm vụ trọng tâm như:

Trước bão: Họp triển khai phương án cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng đến từng khoa, phòng; Thành lập 2 tổ cấp cứu lưu động, 3 tổ thanh niên xung kích, 3 kíp trực tăng cường 24/24; Kiểm tra, gia cố toàn bộ hệ thống điện, nước, mái tôn, cửa kính, cây xanh, thiết bị y tế.

Dự trữ đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, thực phẩm, nhiên liệu, nước sạch cho tối thiểu 7–10 ngày; Chuẩn bị xe cấp cứu, hệ thống máy phát điện, đường truyền mạng, phương án sơ tán người bệnh nặng, bảo vệ bệnh nhân nội trú;Tuyên truyền và khuyến cáo người bệnh, người nhà chủ động chuẩn bị nhu yếu phẩm, phối hợp tuân thủ hướng dẫn ứng phó bão.

Trong bão: Thường trực cấp cứu 24/24, cập nhật liên tục diễn biến thời tiết và chỉ đạo của cấp trên; sẵn sàng tiếp nhận, xử trí cấp cứu các ca tai nạn, thương tích do mưa bão; theo dõi sát tình hình người bệnh nội trú, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn thực phẩm; khắc phục kịp thời mọi sự cố phát sinh, đặc biệt về điện, nước, cơ sở vật chất.

Sau bão: Tổng kiểm tra thiệt hại, khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng; tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão, đặc biệt tại các khu vực nguy cơ cao; ổn định hoạt động khám chữa bệnh nhanh chóng, kịp thời, không để ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người dân; rút kinh nghiệm, đánh giá lại toàn bộ quy trình ứng phó, sẵn sàng đối phó các tình huống tiếp theo.

“Bệnh viện luôn chủ động, sẵn sàng ứng cứu, không để người dân thiếu chăm sóc y tế trong mọi tình huống”, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình thông tin.

Xuân Quý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-so-3-wipha-benh-vien-da-khoa-ninh-binh-thanh-lap-2-to-cap-cuu-luu-dong-3-kip-truc-tang-cuong-24-24-10380463.html