'Bão sale' cuối năm: Tiêu tiền thế nào để không 'thủng ví'?

Khoảng thời gian cuối năm, Black Friday, lễ giáng sinh, tết dương lịch, tết nguyên đán thường được xem là khung thời gian vàng cho mùa mua sắm giá rẻ và khuyến mãi lớn. Đó là thời điểm các cửa hàng, trang web mua sắm trực tuyến tổ chức nhiều chương trình chính sách khuyến mãi thu hút người dùng.

 'Bão sale' cuối năm: Tiêu tiền thế nào để không 'thủng ví'?

'Bão sale' cuối năm: Tiêu tiền thế nào để không 'thủng ví'?

Cũng vì sức hút khó cưỡng của các chương trình giảm giá, nhiều người rơi vào tình trạng chi tiêu mất kiểm soát và cạn kiệt tài chính sau mỗi mùa “bão sale”. Vậy làm thế nào để quản lý tài chính, tiêu tiền thông minh vào dịp này? Dưới đây là một số cách để quản lý chi tiêu vừa tận dụng được lợi thế giá giảm, vừa đảm bảo tình hình tài chính ổn định.

Lập kế hoạch mua sắm từ trước

Lập kế hoạch trước khi mua sắm vào những dịp sale lớn là bước quan trọng để kiểm soát chi tiêu hiệu quả. Khi bạn có một kế hoạch cụ thể, bạn sẽ tập trung vào các mục tiêu mua sắm và tránh lạm dụng chi tiêu một cách vô tội vạ.

Một nguyên tắc chi tiêu mà những người quản lý tài chính cá nhân tốt đều luôn nắm lòng là “không mua những thứ mà bạn không cần dùng đến”. Phần lớn những khoản chi tiêu hoang phí trong các dịp sales là dành cho những thứ mà chúng ta muốn mua nhưng lại không thực sự cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể tự hỏi “đâu là những vật dụng cần mua”, “mỹ phẩm và quần áo đã đủ dùng hay chưa?” “có thiết bị điện tử nào cần được thay thế hay không”. Dựa trên những câu trả lời của mình, hãy lập danh sách những món hàng mà bạn thực sự cần, đánh giá mức độ ảnh hưởng của mỗi khoản chi phí đối với giá trị sống cũng như mục tiêu tài chính dài hạn của bạn. Điều này sẽ giúp bạn mua sắm thực tế, tránh lãng phí tiền bạc cho những thứ không cần thiết.

Nghiên cứu giá và các chương trình khuyến mại

Các dịp sale lớn, nhiều cửa hàng và trang web đều đưa ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng được giảm giá với số lượng lớn. Vì vậy bạn nên nghiên cứu giá trước, biết rõ giá gốc của sản phẩm để so sánh với giá khi đã giảm. Điều này giúp bạn nhận ra liệu sản phẩm khuyến mại có đáng để mua hay không.

Hơn nữa, nếu bạn chỉ tập trung mua sắm mà không nghiên cứu giá từ trước, bạn có thể rơi vào tình huống mua hàng với giá thường mà không hưởng lợi từ các ưu đãi đặc biệt trong đợt khuyến mại. Không ít trường hợp một số cửa hàng tăng giá trước khi áp dụng giảm giá, dẫn đến việc giá khuyến mại vẫn cao hơn giá gốc. Nghiên cứu giá trước khi mua hàng giúp bạn đánh giá liệu những chính sách giảm giá có thực sự mang đến những ưu đãi lớn hay chỉ là chiêu trò kinh doanh để lôi kéo người mua.

Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ cần kiểm tra thêm các thông số kỹ thuật của sản phẩm sale, vì đôi lúc các sản phẩm được sale mạnh là những mặt hàng quần áo đã lỗi mốt, các sản phẩm gần hết hạn, hoặc các thiết bị điện tử đã tồn kho lâu.

Bà Vũ Thị Hương, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT

Bà Vũ Thị Hương, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT

Quản lý ngân sách và chi tiêu

Hiện tại có nhiều phương pháp sẽ giúp bạn quản lý ngân sách và chi tiêu. Một trong những phương pháp đang được nhiều nhà hoạch định tài chính trên thế giới giới thiệu là phương pháp quản lý ba chiếc lọ, đây là phương pháp quản lý chi tiêu không ghi chép, không dùng app. Hàng tháng, ngay sau khi nhận được lương bạn sẽ trích tỷ lệ phù hợp chuyển vào tài khoản tiết kiệm (tỷ lệ trích sẽ phụ thuộc vào tổng số thu nhập cũng như người phụ thuộc). Số tiền còn lại, bạn sẽ phân bổ 10-15% vào tài khoản thụ hưởng và phần còn lại phân bổ vào tài khoản chi tiêu thiết yếu. Các khoản chi sẽ được nằm trong hai tài khoản thụ hưởng và thiết yếu để không ảnh hưởng vào phần tiết kiệm cũng như đầu tư của bạn.

Dựa trên danh sách những món hàng bạn cần, mức giá kiểm tra sau khuyến mại, bạn sẽ có được tổng số tiền bạn đang dự định cho kế hoạch mua sắm. Lúc này, bạn sẽ cần đối chiếu với số tiền bạn đang có trên tài khoản chi tiêu thiết yếu và hưởng thụ. Nếu như tất cả đều là các khoản cần mua cần thiết, bạn sẽ cần cân đối điều chỉnh giảm khoản chi tiêu thiết yếu và hưởng thụ của những tháng tiếp theo để không ảnh hưởng đến khoản tiền tiết kiệm mục tiêu của bạn. Bên cạnh đó, với những mặt hàng có giá trị lớn như thiết bị điện tử, bạn nên có kế hoạch từ sớm và trích trước hàng tháng với số tiền nhất định để đảm bảo bạn có đủ ngân sách cho bão sales.

Áp dụng phương thức thanh toán phù hợp

Sử dụng phương thức thanh toán như thẻ tín dụng, ví điện tử hoặc trực tiếp từ tài khoản thiết yếu và thụ hưởng sẽ giúp bạn kiểm soát số tiền đã tiêu một cách hiệu quả. Thông qua ứng dụng hoặc trang web của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, bạn có thể đăng nhập và xem lịch sử giao dịch chi tiết. Qua đó, bạn có thể kiểm soát số tiền đã chi tiêu để tránh không vượt ngân sách bạn đã đề ra.

Những khoản chi tiêu mua sắm được thanh toán bằng thẻ tín dụng, bạn sẽ cần chuyển khoản trả lại thẻ tín dụng từ tài khoản chi tiêu thiết yếu và thụ hưởng hoặc từ khoản ngân sách bạn đã dự trù cho đợt mua sắm giảm giá cuối năm để đảm bảo tất cả khoản chi tiêu của bạn đều nằm trong kế hoạch và ngân sách cho phép.

Vũ Thị Hương

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/bao-sale-cuoi-nam-tieu-tien-the-nao-de-khong-thung-vi-20180504224292412.htm