Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm 'Phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030'

8 giờ sáng nay, 23-5, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm 'Phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030' tại trụ sở của báo ở TP HCM theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

Văn hóa từ lâu đã trở thành sức mạnh mềm của Việt Nam, làm rạng danh tên tuổi và vị thế con người Việt Nam anh hùng, hòa hiếu; tô đẹp thêm cho danh xưng Việt Nam, hồn hậu mà hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.

Để biến sức mạnh mềm vô biên đó thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.

Đạo diễn Nhật Bản Kore-eda Hirokazu giao lưu tại buổi chiếu phim "Broker" (Người môi giới) tại Nhà hát TP HCM. Sự kiện thuộc khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP HCM 2024.

Đạo diễn Nhật Bản Kore-eda Hirokazu giao lưu tại buổi chiếu phim "Broker" (Người môi giới) tại Nhà hát TP HCM. Sự kiện thuộc khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP HCM 2024.

Đầu năm 2021, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã nêu nhiệm vụ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam".

Đáng chú ý, "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Chính phủ ban hành đã xác định: "Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa". Chiến lược này xác định 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa; đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030.

Nhờ quyết tâm cao hiện thực hóa những chủ trương, chính sách, chiến lược đó, công nghiệp văn hóa Việt Nam gần đây đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nếu như năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp chỉ 2,68% GDP thì năm năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Giai đoạn 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng, tương ứng 44 tỉ USD. Số lượng các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam.

Ba thành phố Hà Nội, Đà Lạt, Hội An đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Ngoài ra, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023. Và mới đây, tuần lễ Liên hoan Phim quốc tế TP. Hồ Chí Minh (HIFF) cũng đã được tổ chức thành công tại thành phố mang tên Bác…

Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới vốn đã chú trọng phát triển từ lâu và thành công vang dội với công nghiệp văn hóa, thì công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay mới phát triển ở tầm trung. Lực cản còn lớn, phải tập trung tháo gỡ.

Giữa năm 2023, ban nhạc danh tiếng BlackPink đã sang Hà Nội biểu diễn, tạo hiệu ứng quốc tế lớn.

Giữa năm 2023, ban nhạc danh tiếng BlackPink đã sang Hà Nội biểu diễn, tạo hiệu ứng quốc tế lớn.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và phải hình thành được một số trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm. Quan trọng nữa là phải xây dựng cho được đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thương hiệu quốc gia, đẳng cấp quốc tế, đủ sức cạnh tranh và tự tin tham gia thị trường công nghiệp văn hóa trong nước và thế giới.

Trần Đoàn - Ảnh: Thanh Hiệp - Minh Khuê

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bao-nguoi-lao-dong-to-chuc-toa-dam-phat-trien-nen-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-den-nam-2030-196240522160652455.htm