Bảo hộ công dân tại Ukraine: Việt Nam chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu
Quán triệt tinh thần này của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác sơ tán công dân Việt Nam ở Ukraine về nước được triển khai thuận lợi, nhanh chóng với gần 600 công dân đã được đón về nước an toàn.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 7.000 người đang sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine. Số người này đã sơ tán khỏi vùng chiến sự, rời Ukraine bằng nhiều con đường khác nhau. Đến thời điểm này, về cơ bản bà con người Việt ở Ukraine đã được sơ tán khỏi vùng chiến sự ác liệt nhất. Những chuyến bay đầu tiên sơ tán người Việt Nam ra khỏi Ukraine về nước đã được triển khai nhanh chóng, thành công. Kết quả này một lần nữa minh chứng cho quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, đó là người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời khỏi cộng đồng người Việt ở trong nước.
Có được kết quả này, ngay trong ngày chiến sự nổ ra ở Ukraine (24/2), Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản chỉ đạo, trong đó có yêu cầu về bảo hộ công dân Việt Nam. Một trong những chủ trương ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ là đảm bảo an toàn tính mạng, bảo hộ hợp pháp công dân và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Trong các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn nhấn mạnh mục tiêu cao nhất: không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hai ngày sau khi chiến sự xảy ra ở Ukraine, ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 201/CĐ-TTg về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine. Thủ tướng chỉ đạo bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan, đồng thời xây dựng phương án sơ tán công dân và thành viên cơ quan đại diện ở Ukraine khi cần thiết và triển khai hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, ngày 3/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm tổ trưởng.
Cùng ngày, trước những diễn biến phức tạp do xung đột vũ trang ở Ukraine, ảnh hưởng tới người dân Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại đây, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương tổ chức chuyến bay đưa người Việt có nhu cầu về nước.
Ngày 6/3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Công an về công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, cũng như việc sơ tán và đưa những người có mong muốn về nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh “Ưu tiên cao nhất lúc này là phải bảo vệ an toàn tính mạng của người Việt Nam tại Ukraine”.
Ngày 7/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine đã chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ với các bộ, ngành liên quan. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh do tình hình cấp bách, công tác bảo hộ công dân cần được đặc biệt quan tâm với tinh thần hết sức khẩn trương, kịp thời, trước mắt là hỗ trợ sơ tán sang các nước có chung đường biên giới và tổ chức chu đáo 2 chuyến bay đầu tiên đưa những công dân có nguyện vọng về nước (vào ngày 8/3 từ Romania và ngày 10/3 từ Ba Lan).
Vào lúc 11h30 ngày 8/3, chuyến bay mang số hiệu VN88 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa 287 công dân Việt Nam ở Ukraine, trong đó có 14 trẻ em dưới 2 tuổi và một số công dân có bệnh nền, từ Bucharest (Romania) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài.
Tiếp đó, vào lúc 6h15 ngày 10/3, chuyến bay QH 9066 của Bamboo Airways chở 300 công dân, trong đó có 48 người cao tuổi, 18 trẻ em dưới 2 tuổi, 2 phụ nữ mang thai và nhiều người có vấn đề về sức khỏe khởi hành từ Warsaw (Ba Lan) đã về đến sân bay Nội Bài. Đây là chuyến bay thứ hai do các Bộ, ngành và các cơ quan đại diện Việt Nam liên quan tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ đưa người Việt Nam và gia đình sơ tán từ Ukraine về nước.
Theo thông tin từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước, đến sáng 10/3 còn gần 600 công dân tại Rumani và khoảng 400 công dân tại Ba Lan có đăng ký nguyện vọng về nước. Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các Hãng Hàng không tích cực chuẩn bị tổ chức chuyến bay.
Dự kiến, các chuyến bay sẽ được thực hiện cho tới khi hết nhu cầu công dân Việt Nam và thành viên gia đình trở về nước. Chuyến bay ngày 12/3 sẽ cất cánh từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến Warsaw (Ba Lan) đón người Việt Nam từ Ukraine và sẽ trở về vào ngày 13/3.
Những số liệu và các thông tin trên thể hiện rất rõ vai trò Đại sứ quán của Việt Nam tại Ukraine, thường xuyên theo dõi báo cáo kịp thời với Đảng, Nhà nước Việt Nam về tình hình công dân Việt Nam đang sống, làm việc và học tập tại Ukraine.
Trong cuộc họp lãnh đạo chủ chốt vào ngày 10/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu các cấp, ngành tập trung nguồn lực để bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân, doanh nghiệp Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan, triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân và kế hoạch đưa người Việt Nam về nước.
Có mặt tại sân bay Nội Bài để đón đoàn công dân Việt Nam đầu tiên tại Ukraine trở về nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định chiến dịch bảo hộ công dân lần này có những thuận lợi cơ bản. Đó là được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao ngay từ đầu; các cơ quan liên quan đã phát huy tinh thần chủ động tích cực; chúng ta có kinh nghiệm trong sơ tán, xử lý khủng hoảng./.