Báo động các vụ việc xâm hại di sản, đào trộm mộ vua chúa, hoàng thân
Đã có nhiều vụ di sản, hiện vật liên quan đến vua triều Nguyễn bị kẻ gian xâm hại, trong đó có đào trộm mộ.
Ngày 26-5, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đang tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983; quê TP Huế, hiện trú tại quận Bình Tân, TP HCM) để điều tra, làm rõ hành vi Cố ý làm hư hỏng tài sản là ngai vua triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa - Đại nội Huế.

Ngai vàng triều Nguyễn đặt ở điện Thái Hòa. Ảnh chụp trước khi bị phá hoại.
Vào lúc 11 giờ 55 phút ngày 24-5, Tâm mua vé vào Đại nội Huế rồi vào khu vực điện Thái Hòa - nơi đặt ngai vua triều Nguyễn, bảo vật quốc gia được công nhận vào năm 2015.
Tại đây, Tâm leo qua hàng rào bảo vệ trong điện rồi ngồi lên ngai vua triều Nguyễn. Đối tượng dùng tay bẻ gãy phần tựa tay bên trái của ngai vua và đập phá làm phần tựa tay gãy ra thành nhiều mảnh.

Hồ Văn Phương Tâm xâm hại ngai vàng triều Nguyễn vào trưa 24-5.
Trong quá khứ, tại TP Huế xảy ra nhiều vụ án đào mộ vua, chúa nhà Nguyễn để tìm vàng bạc, châu báu. Cụ thể, ngày 22-1-1990, lăng Vĩnh Mậu của bà Tống Thị Lãnh, mẹ chúa Nguyễn Phúc Chu, bị kẻ trộm đột nhập. Ngày 25-1-1990, lăng bà Tống Thị Đôi, mẹ chúa Nguyễn Phúc Thái, gần đó cũng bị đào trộm.
Ngày 4-3-1990, lăng Vĩnh Thái của bà Trương Thị Dung (vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát) bị kẻ gian "viếng thăm". Tối 5-3-1990, lăng của Định Viễn quận vương, em trai Thánh tổ Minh Mạng, cũng bị kẻ trộm xới tung.

Đập gãy chỗ tì tay của ngai vàng.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, hàng loạt lăng của các vua, thành viên hoàng thân quốc thích nhà Nguyễn cũng bị đào bới như lăng vua Kiến Phúc, An lăng, lăng Kiên Thái vương trong khu vực Tư lăng - Đồng Khánh, lăng Trường Phong của chúa Nguyễn Phúc Chu, lăng công chúa Long Thành, lăng Từ Sơn công, lăng Hàm Thuận quận công...
Vào khoảng 4 giờ ngày 1-12-2010, công an địa phương nhận được tin báo lăng Khải Định ở phường Thủy Bằng (quận Thuận Hóa) có dấu vết bị cạy cửa, chánh điện không còn thùng phước sương.

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ trộm đào xới.
Mới đây, rạng sáng 8-1-2025, lăng Trường Thái - nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714–1765) ở phường Long Hồ, quận Phú Xuân - có dấu hiệu mộ bị đào bới xuống sâu bên dưới. Kẻ gian đã dùng lá khô che lại khu vực đào xới và nhân viên bảo vệ di tích trong lúc quét dọn mới phát hiện. Tại hiện trường còn vương vãi lớp đất đá do việc đào mộ để lại. Lỗ đào mộ dù đã lấp lại nhưng vẫn còn rất mới.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, chỉ tính riêng các bảo tàng công lập và ngoài công lập của Huế hiện đang trưng bày, bảo quản hơn 67.000 tư liệu, hiện vật, tác phẩm nghệ thuật, trong số đó có 14 hiện vật/nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Kẻ trộm đã đào một lỗ to ở lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát, sau đó lấp lại, dùng lá ngụy trang nhằm che mắt bảo vệ.
Trong đó có 2 nhóm hiện vật do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý, bảo vệ. Cụ thể, thời chúa Nguyễn hiện có 3 hiện vật/nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia, đó là: bộ vạc đồng thời chúa Nguyễn; đại hồng chung chùa Thiên Mụ và bia Ngự kiến Thiên Mụ tự.
Bảo vật quốc gia thời Nguyễn gồm có 9 hiện vật/nhóm hiện vật sau: ngai hoàng đế thời Nguyễn, áo tế giao của hoàng đế triều Nguyễn, cửu đỉnh, cửu vị thần công; bia Khiêm Cung ký, chuông đồng Ngọ môn đúc thời Minh Mạng, trấn phong (phù điêu bằng đá) thời Minh Mạng, đôi tượng rồng thời Thiệu Trị, ngai vàng của hoàng đế Duy Tân.

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, bảo vật quốc gia một thời từng bị viết vẽ bậy, nay tình trạng này đã kết thúc.
Sau vụ ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại, để phòng tránh sự việc tương tự, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trong thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng phương án đảm bảo chặt chẽ an ninh an toàn trong khu di sản nói chung và đối với hiện vật, cổ vật, đặc biệt là bảo vật quốc gia.
Cụ thể, tập trung vào các giải pháp tăng cường các trang thiết bị an ninh, công cụ hỗ trợ; tăng cường công tác bảo vệ, tập huấn xử lý các tình huống an ninh, phát hiện ngăn chặn từ sớm các hiện tượng nghi vấn…