Bảo đảm tính khả thi trong phân bổ nguồn vốn đầu tư

Cho ý kiến tại phiên thảo luận của Tổ 9 chiều 25.5 về Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), các đại biểu Quốc hội đề nghị có giải pháp rõ ràng bảo đảm tính khả thi trong phân bổ nguồn vốn đầu tư.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) bày tỏ đồng tình rất cao sự cần thiết đầu tư Dự án này. Theo đại biểu, đây là vùng phát triển kinh tế - xã hội thấp so với cả nước, không có tuyến đường biển, đường sông, không có cảng hàng không, đường sắt hạn chế, cho nên việc phát triển cao tốc là hoàn toàn phù hơp. Trong danh mục quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, mặc dù có nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây nhưng ưu tiên cho dự án này phù hợp nhất.

Đối với phương thức đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đồng tình với phương án Chính phủ trình theo hình thức PPP nhưng cũng lo ngại tính khả thi. Bởi lẽ, trên thực tế, vị trí đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành lưu lượng xe không lớn, nhưng đã có hai đường song hành được đầu tư theo hình thức BOT, nếu đầu tư theo hình thức PPP có thể lúc đầu nhanh nhưng sau khi xong xuôi khi đưa giá ra cao quá lại không hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đồng tình cao sự cần thiết đầu tư Dự án. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đồng tình cao sự cần thiết đầu tư Dự án. Ảnh: Hạnh Nhung

Chính phủ cũng chưa có giải pháp nào ngoài thực hiện đúng theo Luật PPP là chia sẻ rủi ro, chưa bảo đảm tính chắc chắn. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Chính phủ nên có giải pháp chủ động hơn, đưa ra những tình huống nếu không có nhà đầu tư PPP hoặc thay đổi hình thức đầu tư PPP thành đầu tư công thì khả năng đầu tư công có đáp ứng được nguồn vốn cho đầu tư công hay không.

Liên quan về việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, phụ thuộc vào địa phương như Báo cáo thẩm tra đã nêu, đại biểu lưu ý, vấn đề này cũng rất khó ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là các tỉnh có đất nông nghiệp tốt như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Do đó, cũng phải làm rõ vấn đề này.

Về ngân sách địa phương, theo đại biểu, nếu không có giải pháp rõ ràng, cụ thể chỉ ra nguồn vốn địa phương có thể phân bổ được ở đâu, khả thi hay không thì khó bảo đảm được thời gian hoàn thành dự án.

Về các cơ chế đặc thù, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cơ bản đồng tình, song đề nghị đánh giá kỹ cơ chế bỏ qua đánh giá tác động môi trường bởi dự án này bao phủ 1.228 hộ dân, hơn 1.100ha đất sản xuất nông nghiệp. Bày tỏ lo lắng nếu bỏ qua vấn đề đánh giá tác động môi trường của dự án, đại biểu cho biết không đồng tình với cơ chế đặc thù này, đồng thời đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần bổ sung yêu cầu Chính phủ phải chịu trách nhiệm tính chính xác của số liệu.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cũng lo lắng về vốn đầu tư dự án và đề nghị, cần khẳng định phương án có thể thu hút nhà đầu tư PPP để đầu tư dự án này. Các địa phương thực hiện dự án cũng có số thu ngân sách không cao, nếu phải cân đối vốn thực hiện dự án hàng nghìn tỷ đồng thì cũng không phải là việc dễ dàng. Do đó, cần có phương án khả thi hơn để bảo đảm được vốn đầu tư cho dự án này.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị cần có phương án khả thi hơn để bảo đảm được vốn đầu tư cho dự án. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị cần có phương án khả thi hơn để bảo đảm được vốn đầu tư cho dự án. Ảnh: Hạnh Nhung

Đại biểu cũng đề nghị cần có sự ủng hộ, hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải để tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc giúp cho địa phương thực hiện dự án.

Với nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng, đại biểu Đỗ Thị Lan nêu thực tế có một số dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; do đó cần dự kiến phương án hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất một cách rõ ràng, đánh giá tác động với vùng dự án đi qua phải thu hồi đất để bảo đảm tiến độ.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/bao-dam-tinh-kha-thi-trong-phan-bo-nguon-von-dau-tu-i372839/