Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, sáng 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương với 65 điều, bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai. Vì vậy, dự thảo luật đã quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.

Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử dự thảo luật chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử là tối đa 05 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số. Việc rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tài liệu lưu trữ sớm hơn, qua đó góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bao-dam-quyen-tiep-can-thong-tin-cua-cong-dan-trong-luat-luu-tru-sua-doi-223243.htm