Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất

Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo xứng tầm với một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Trước mắt, bảo đảm các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 'Đây là vấn đề cốt lõi để đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo' - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh tại cuộc làm việc với UBND huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An chiều 18.7.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra

Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Nguyễn Hồng Sơn cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, UBND huyện Nam Đàn đã ban hành Kế hoạch số 1557/KH-UBND ngày 12.8.2019 về triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại huyện Nam Đàn và 3 văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021, 2021 - 2022; đồng thời chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo ban hành các kế hoạch, hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm đối với từng cấp học để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại cuộc làm việc với UBND huyện Nam Đàn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại cuộc làm việc với UBND huyện Nam Đàn

Huyện cũng đã tổ chức hội nghị, hội thảo và các đợt tập huấn; tổ chức tuyên truyền về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào các cuộc họp phụ huynh của cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện. Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; xét duyệt kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của các đơn vị trường học.

Tổ chức rà soát, kiểm tra việc tiếp nhận, bảo quản và sử dụng các phòng học bộ môn, thiết bị dạy học, máy tính của các đơn vị trường học. Kịp thời chấn chỉnh việc bảo quản, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí. Kiểm tra việc triển khai công tác bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ, thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu về số lượng, chất lượng đối với giáo viên trong các trường học trên địa bàn huyện.

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, UBND huyện chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo đã triển khai rà soát và đề xuất một số nội dung về văn hóa, Lịch sử - Địa lý, Kinh tế - Xã hội... góp ý xây dựng chương trình giáo dục địa phương cấp THCS của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các trường đăng ký đủ tài liệu giáo dục địa phương cho giáo viên và học sinh sử dụng.

Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Nguyễn Hồng Sơn báo cáo với Đoàn giám sát

Về cơ sở vật chất, hiện huyện bảo đảm 1 phòng học/lớp, đăng ký các bộ thiết bị dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang bị bổ sung một số trang thiết bị dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu, tivi…, trong đó thiết bị nào cần thiết thì mua trước. “100% trường học có thư viện xanh, có thư viện trường học được đầu tư hàng tỷ đồng, qua đó góp phần phát triển văn hóa đọc trong địa phương. 100% trường tiểu học có sân bóng đá mini phục vụ hoạt động giáo dục thể chất” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn Lê Trung Sơn báo cáo.

Thừa - thiếu giáo viên cục bộ

Khẳng định chính quyền các địa phương luôn quan tâm, đồng hành với các nhà trường làm tốt công tác truyền thông về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tạo tâm thế sẵn sàng cho phụ huynh và học sinh, song Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Nguyễn Hồng Sơn cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong đó, tỷ lệ giáo viên/lớp thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp Tiểu học. Tình trạng thừa - thiếu cục bộ về giáo viên bộ môn đối với cấp THCS. Cụ thể, thừa giáo viên Văn, Toán, thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục, nhưng không tuyển được vì đã đủ biên chế.

Môn Lịch sử - Địa lý chưa bố trí được một người dạy mà phải phân thành 2 giáo viên dạy 2 phân môn Lịch sử và Địa lý; môn Khoa học tự nhiên cũng phải bố trí 3 giáo viên dạy 3 phân môn: Sinh, Hóa, Lý.

Huyện đã thực hiện biệt phái một số giáo viên THCS xuống Tiểu học giảng dạy môn học phù hợp chuyên môn nhằm xử lý số giáo viên dôi dư.

Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu

Nguồn ngân sách còn hạn chế nên việc trang bị thiết bị dạy học theo hướng hiện đại ở một số đơn vị gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng nhu tối thiểu khi triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Năm học 2022 - 2023 triển khai dạy Tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3 trở lên, nhưng một số trường còn thiếu máy vi tính…

Đoàn giám sát thăm, tặng quà Trường Tiểu học Làng Sen, huyện Nam Đàn

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, huyện sẽ chỉ đạo các nhà trường tiếp tục tiến hành rà soát thiết bị dạy học, lựa chọn những thiết bị phù hợp để tiếp tục sử dụng cho những năm học tiếp theo; xây dựng kế hoạch kinh phí mua sắm thiết bị dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ưu tiên những trang thiết bị cần thiết nhất; đồng thời kiến nghị “Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về các phòng chức năng nhỏ gọn, phù hợp với thực tế từng vùng, từng địa phương”.

Ấn tượng với truyền thống văn hóa, lịch sử; ấn tượng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Nam Đàn những năm gần đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa- Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Đoàn Giám sát- mong muốn huyện tập trung đầu tư thêm cho giáo dục - đào tạo, xứng tầm với một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Bởi nếu có nguồn nhân lực cao được đào tạo bài bản, đúng hướng, bắt đầu từ tiểu học đến THPT, sẽ có đóng góp lớn cho sự phát triển địa phương.

“Trước mắt, đầu tư tất cả các điều kiện bảo đảm cho thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ đội ngũ đến cơ sở vật chất. Đây chính là vấn đề cốt lõi để đổi mới giáo dục và đạo tạo” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/bao-dam-cac-dieu-kien-ve-doi-ngu-co-so-vat-chat-i295702/