Bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa hè

Mùa hè, thời tiết nắng nóng dễ làm thực phẩm hư hỏng, ôi thiu tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng. Để có thực phẩm an toàn thì kinh nghiệm của mỗi người nội trợ và phát huy vai trò của cơ quan chức năng có vai trò quan trọng.

Theo kinh nghiệm của bà Nguyễn Thị Thu Hà, thôn 9, xã Trung Môn (Yên Sơn) nên chọn thực phẩm vào buổi sáng cho mỗi bữa ăn của gia đình. Khi đó, rau xanh vừa được thu hái, hàng thịt, tôm, cá cũng sẽ còn tươi ngon. Đối với bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh, bà phân loại thực phẩm, không để thức ăn sống chín lẫn lộn để tránh nhiễm khuẩn. Bà thường chú ý khâu vệ sinh tay và dụng cụ chế biến, ăn uống trong quá trình nấu nướng để mỗi thành viên trong gia đình có sức khỏe tốt nhất.

Còn chị Trần Thị Thanh Huyền, tổ 13, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, chị thường xuyên đến các cửa hàng thực phẩm sạch mua đồ. Tại các cửa hàng này, thực phẩm rất đa dạng và được bảo quản quy chuẩn, sạch sẽ, có hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên chị rất yên tâm.

Người dân lựa chọn mua sản phẩm tại cửa hàng Tâm Hương.

Anh Trần Ngọc Thăng, chủ cửa hàng cháo dinh dưỡng Ngọc Trần trên đường Nguyễn Trãi (TP Tuyên Quang) cho biết, anh thường chọn mua thực phẩm vào lúc 3 - 4h sáng tại chợ đêm để thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng, tươi, ngon. Không chỉ chú trọng khâu chọn thực phẩm, cửa hàng luôn giữ vệ sinh khi sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm và bảo đảm an toàn dịch bệnh Covid-19.

Trong mùa nắng nóng như hiện nay, rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm do nhiệt độ tăng cao làm ảnh hưởng chất lượng thực phẩm. Chưa kể tình trạng thiết bị bảo quản không đầy đủ, không đảm bảo vệ sinh, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay, hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn. Thời gian qua, mặc dù người tiêu dùng ngày càng nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm nhất là trong mùa hè nhưng vẫn còn nhiều người còn thiếu kiến thức, vẫn cố tình vi phạm các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhiều người không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, thức ăn ngay; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng… Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021, đơn vị đã thành lập 146 đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Chi cục đã kiểm tra 1.393 cơ sở, phát hiện 43 cơ sở vi phạm, xử lý phạt tiền 2 cơ sở với tổng số tiền phạt 8,8 triệu đồng, tiêu hủy sản phẩm của 1 cơ sở.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trong mùa hè, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo, người dân cần lựa chọn và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh; thực hiện ăn chín, uống sôi. Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải vệ sinh sạch sẽ, không để thực phẩm sống lẫn thức ăn chín.

Không chỉ người tiêu dùng chủ động những biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm mà tiểu thương, chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cũng phải nâng cao ý thức, trách nhiệm cung ứng những sản phẩm chất lượng, tươi ngon đến người tiêu dùng. Có những vậy mới mang đến cho mỗi người bữa ăn an toàn, tăng cường sức khỏe để làm việc có chất lượng, hiệu quả.

Bài, ảnh: Lý Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/bao-dam-an-toan-thuc-pham-trong-mua-he-145692.html