Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát… Điều đáng lo ngại là vào dịp này, các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng càng nhiều. Nhằm ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn thực phẩm và dịch bệnh, UBND tỉnh... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát… Điều đáng lo ngại là vào dịp này, các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng càng nhiều. Nhằm ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn thực phẩm và dịch bệnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 24-12-2021, về triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh và các huyện, thành phố đã tập trung xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp như tuyên truyền, phổ biến về VSATTP, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các tuyến, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng, VSATTP. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Các huyện, thành phố phát huy hệ thống Đài truyền thanh ở xã, phường, thị trấn, khu phố để tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATVSTP, làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội. Treo băng rôn, khẩu hiệu với các thông điệp đảm bảo ATTP như: “Vì sức khỏe và phát triển bền vững, hãy sản xuất ra những sản phẩm thực phẩm chất lượng, an toàn”, “Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm”, “Không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng”, “Mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm”, “Không lạm dụng rượu, bia để Tết Nhâm Dần trọn niềm vui”, “Đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe, phòng chống dịch bệnh”… Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các nhà quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về công tác ATVSTP cũng như nhận thức và ý thức của nhân dân trong lựa chọn, bảo quản, chế biến, tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông, các ngành chức năng, các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về ATTP, kiểm soát các loại thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022. Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thuộc phạm vi được phân công, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội, có yếu tố nguy cơ cao như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, các cơ sở dịch vụ ăn uống; các làng nghề chế biến thực phẩm nhằm kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; phòng ngừa, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm… Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành: Y tế, NN và PTNT, Công Thương, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 địa phương gồm: Thành phố Nam Định và các huyện: Vụ Bản, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy. Các đoàn tập trung kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022 của các địa phương; kiểm tra, đánh giá công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến pháp luật về ATTP của cơ quan chức năng. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các đoàn chú trọng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP; điều kiện ATTP của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo; lấy mẫu kiểm nghiệm... Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến lớn, nhằm phát hiện, xử lý vi phạm của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các cơ sở kinh doanh buôn bán phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc kích thích tăng trưởng; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến hàng thủy sản nhằm ngăn ngừa và hạn chế những tác nhân làm ô nhiễm sản phẩm. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra các cơ sở buôn bán, lưu thông các mặt hàng thực phẩm trên thị trường; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm VSATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội đầu năm. Phối hợp với Sở Y tế rà soát điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; kiểm tra trang thiết bị, công nghệ sản xuất các mặt hàng thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến rượu bia, nước giải khát, bánh kẹo, bột, tinh bột... kiên quyết loại bỏ những thiết bị không phù hợp, không đảm bảo vệ sinh, gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe nhân dân. Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chuẩn bị sẵn các phương án xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa tử vong do ngộ độc thực phẩm; tăng cường kiểm soát dịch bệnh COVID-19, dịch bệnh đường tiêu hóa, không để lây lan trong cộng đồng.
Đồng chí Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Riêng trong đợt kiểm tra kiểm soát ATVSTP dịp Tết toàn tỉnh đã thành lập 158 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp. Tính đến ngày 20-1-2022, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 679 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó có 606 cơ sở đạt yêu cầu về VSATTP, chiếm 89,2% tổng số cơ sở được kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện 31 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có vi phạm về VSATTP; phạt hành chính với tổng số tiền phạt 115,25 triệu đồng; yêu cầu tiêu hủy 8 loại sản phẩm. Sản phẩm tịch thu, tiêu hủy gồm: bánh kẹo quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, bánh kẹo nhập khẩu không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt; trị giá hàng hóa vi phạm 52,5 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở cơ sở sửa chữa, khắc phục, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATTP và công tác phòng chống dịch COVD-19. Đồng chí Hoàng Tiến Cường cho biết thêm: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có những thời điểm, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tạm dừng hoạt động, mức tiêu thụ giảm, hoạt động cầm chừng, song hầu hết các cơ sở đều chú ý thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSTP và phòng chống dịch COVID-19. Người tiêu dùng cũng quan tâm hơn đến việc lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc cũng như chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Để kiểm soát tốt dịch bệnh, ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng, bảo vệ an toàn cho người dân đón Tết vui xuân, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý ATTP. Cùng với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần sáng suốt lựa chọn những sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng đảm bảo chất lượng ATTP cho những ngày tết. Nên chọn mua thực phẩm ở các cửa hàng uy tín, chất lượng đảm bảo, có thương hiệu để tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm./.