Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc dịp Tết, Lễ hội Xuân
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, thị trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong toàn quốc đang diễn ra rất sôi động để phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương đã tăng cường triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng nguy cơ mất an toàn thực phẩm và xảy ra sự cố ATTP luôn diễn biến phức tạp vào dịp trước và trong tết Nguyên đán như ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại bữa ăn đông người của đám cưới/đám giỗ, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, NĐTP do vi khuẩn và độc tố, độc tố cá nóc, cóc, nấm độc, cây rừng…
Để bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu, mùa Lễ hội Xuân 2021, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý ATTP Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh chủ động, khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn tham mưu, xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai đầy đủ, đồng bộ các nội dung của Kế hoạch số 1993/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 21/12/2020 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021 trên địa bàn quản lý.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP, phòng chống dịch bệnh cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong Tết Nguyên đán Tân Sửu, mùa Lễ hội Xuân 2021. Tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm đặc biệt là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm ATTP trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm và phòng chống NĐTP.
Bên cạnh đó, tổ chức, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát ATTP đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung trên địa bàn quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (thuộc đối tượng phải cấp). Sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, NĐTP trên địa bàn.
Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.