Báo chí cần được tiếp cận các chính sách pháp luật từ khi soạn thảo
Các cơ quan báo chí gặp khó khăn trong việc tiếp cận từ sớm, từ xa với những chính sách trong quá trình soạn thảo.
Ngày 5/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm" Báo chí và Ngày Pháp luật Việt Nam" nhằm lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật.
Năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) nhằm lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương đóng góp thiết thực vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Buổi tọa đàm "Báo chí và Ngày Pháp luật Việt Nam" cũng nhằm lan tỏa thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Tại tọa đàm, đại diện Bộ Tư pháp đã giới thiệu mục tiêu, mục đích, kế hoạch triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam 2024 và tập trung vào tháng cao điểm 11/2024. Trong đó chú trọng lồng ghép, gắn với quán triệt, phổ biến, truyền thông sâu rộng các nội dung cốt lõi thể hiện tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật vào nội dung, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Đại diện Bộ tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan báo chí đã có những trao đổi, thảo luận về định hướng và những phương thức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 nói riêng, cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật nói chung.
Các cơ quan cũng chỉ ra những cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền chính sách pháp luật. Đặc biệt là những cách làm đổi mới và sáng tạo để hướng tới các đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc thiểu số, kiều bào ở nước ngoài, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam…
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng chỉ ra một số bất cập và đưa ra đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nổi bật là khó khăn trong việc tiếp cận từ sớm, từ xa với những chính sách trong quá trình soạn thảo, bởi lẽ, các cơ quan soạn thảo còn có sự e ngại chia sẻ thông tin với báo chí ở khâu này.
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đồng tình với việc báo chí cần được tạo điều kiện tiếp cận từ sớm, từ xa với chính sách. Theo ông Phan Hồng Nguyên, những bất cập này được được ghi nhận và có biện pháp tháo gỡ.
“Việc phối hợp giữa cơ quan báo chí truyền thông và cơ quan soạn thảo chính sách pháp luật vẫn còn sự e ngại. Thời gian qua, chúng tôi đã ghi nhận và báo cáo Thủ tướng. Sau đó, thông báo kết luận đã được gửi về các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương về bất cập này” – ông Phan Hồng Nguyên cho biết và bày tỏ tin tưởng rằng thời gian tới, sự phối hợp giữa các bên liên quan sẽ nhịp nhàng hơn.