Bàn về tự do ngôn luận và đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng
Mạng xã hội đã trở thành món ăn tinh thần của đông đảo công dân trong xã hội. Làm thế nào để tham gia mạng xã hội không bị 'ngộ độc' bởi những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, phản động? Mong muốn một không gian mạng an toàn, lành mạnh luôn là mơ ước của bao người mỗi khi nói về mạng xã hội. Mô hình 'Hội, nhóm, trang mạng xã hội hành động vì môi trường mạng Hòa Vang an toàn, lành mạnh' của Đội An ninh - Công an huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), bước đầu góp phần lành mạnh hóa môi trường mạng tại Hòa Vang, tạo góc nhìn mới về tự do ngôn luận; bảo đảm cho tự do ngôn luận, bài trừ ngôn luận tự do…
+ Kỳ đầu: Hành động vì môi trường mạng an toàn, lành mạnh
Môi trường mạng an toàn thu hút các hội, nhóm, trang mạng xã hội
Xuất phát từ việc các hội, nhóm, trang mạng xã hội ồ ạt, tràn lan, môi trường mạng có nguy cơ bị "ngộ độc" bởi các thông tin xấu, độc, Đội An ninh, Công an huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã chủ động tham mưu lãnh đạo xây dựng và đi vào hoạt động mô hình "Hội, nhóm, trang mạng xã hội hành động vì môi trường mạng Hòa Vang an toàn, lành mạnh" vào ngày 16-9-2022.
Qua thực tế công tác đấu tranh với "tin tặc" trên không gian mạng 2 năm dịch bệnh Covid-19, có nhiều hội, nhóm, trang mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và xuyên tạc các chủ trương, chính sách phòng chống dịch của thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang; đã có hàng chục trường hợp vi phạm bị nhắc nhở và xử phạt hành chính. Đội An ninh, công an huyện Hòa Vang đã rà soát các nhóm, hội, trang mạng xã hội có ảnh hưởng trên địa bàn huyện Hòa Vang; gặp gỡ, vận động 52 hội, nhóm tham gia mô hình; tham gia nhóm Zalo Quản trị viên.
Trước khi tham gia mô hình, mục đích chính của các hội, nhóm là quảng cáo mua bán hàng hóa và phê duyệt bài viết theo chế độ tự động nên không kiểm soát được nội dung các tin bài, để lọt những thông tin tiêu cực, xấu, độc. Công an huyện đã hướng dẫn các hội, nhóm đặt từ khóa tự động ngăn chặn, không phê duyệt các bài viết có nội dung xấu, độc; khi phát hiện những thông tin sai trái, xuyên tạc, các Quản trị viên chuyển ngay cho lực lượng công an huyện kịp thời vô hiệu hóa, ngăn chặn hàng nghìn tin, bài có nội dung tiêu cực trên không gian mạng, không để chúng lan truyền rộng rãi đến người dân. Từ khi triển khai mô hình đến nay, trên Fanpage của các hội, nhóm tham gia mô hình kéo, giảm triệt để các thông tin xấu, độc, tiêu cực và còn lan tỏa hàng trăm lượt thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của huyện; tiêm vaccine Covid-19; thủ đoạn lừa đảo qua mạng; cảnh báo thiên tai; triển khai định danh điện tử mức 2 cho công dân…
Mô hình đã góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh; nhìn ở một góc độ nào đó, được ví như "diễn đàn" trao đổi- giải quyết giữa người dân và cơ quan chức năng, vì thế số lượng người theo dõi, trao đổi thông tin theo hướng tích cực ngày càng tăng; nhờ đó, chất lượng thông tin bán hàng của các hội, nhóm theo đó cũng được cải thiện, giúp các hội, nhóm phấn khởi, tích cực tham gia thường xuyên hơn. Mô hình còn có ý nghĩa là "tai mắt" của dân trong thế trận an ninh, quốc phòng trên trận chiến đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trong tình hình mới.
Mô hình này đã được báo cáo điển hình tại các hội nghị về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức năm 2023. Hiện nay, Ban Chỉ đạo 35 của CATP Đà Nẵng đang xây dựng Đề án trình Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng nhân rộng trên địa bàn thành phố, nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.
Tự do ngôn luận là cái gốc của dân chủ, là thước đo sức mạnh của lòng dân
Rất sớm trong lịch sử Việt Nam, từ thời vua Trần, Hội nghị Diên Hồng là hội nghị dân chủ đầu tiên, là cuộc trưng cầu dân ý, được tổ chức năm 1284 tại kinh thành Thăng Long, do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập họp các bô lão trong cả nước trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2. Có thể nói, "Hội nghị Diên Hồng" lịch sử đã thể hiện sự quan tâm, coi trọng quyền tự do ngôn luận của vua Trần.
Kế tiếp truyền thống của "Hội nghị Diên hồng" hào hùng rất đỗi tự hào ấy, Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (ngày 9-11-1946), đã hiến định quyền tự do ngôn luận cho công dân của chúng ta sớm hơn 2 năm so với Bản Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948. Cụ thể, Điều 10, Hiến pháp năm 1946 hiến định: "Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài". Từ đó, đến nay, tự do ngôn luận luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện. Bởi, đó chính là cái gốc của dân chủ, thể hiện sức mạnh của lòng dân. Cổ nhân đã dạy, muốn biết lòng dân có mạnh hay không, cứ nhìn vào việc dân nói, để cho dân nói và lắng nghe lời nói thật của dân. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" cũng chính là lẽ đó.
Tiếp nối qua bao thế hệ, bao thời đại, tự do ngôn luận luôn được phát huy, tiếp thêm sức mạnh lòng dân như nước trong công cuộc đấu tranh, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam. Chỉ cần đơn cử một việc Chính phủ lấy ý kiến của người dân về Dự thảo Luật Đất đai (bổ sung, sửa đổi), đã có hơn 9 triệu ý kiến, hiến kế của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam…đóng góp. Điều này, thêm lần nữa cho thấy sự quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền công dân, nhất là quyền tự do ngôn luận, bảo đảm cái gốc dân chủ bền vững và sức mạnh của lòng dân như thế nào.
Ấy nhưng, các thế lực thù địch, phản động lại cố tình phủ nhận, bịa đặt những thông tin xuyên tạc về việc Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trong lúc Đảng, Nhà nước, chính quyền và toàn dân đồng lòng, dốc sức khống chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19 hiệu quả, được tổ chức Y tế thế giới và cả thế giới ghi nhận… thì các thế lực thù địch, phản động lại ra sức chống phá thành quả của chúng ta, những thông tin xấu độc, nhiễu nhương, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và các chính sách trong công tác phòng, chống dịch, khiến một số người dân bị mất phương hướng, dao động. Tại Đà Nẵng, mô hình "Hội, nhóm, trang mạng xã hội hành động vì môi trường mạng Hòa Vang an toàn, lành mạnh" của Đội An ninh, Công an huyện Hòa Vang thật sự hiệu quả; đã kịp thời đập tan âm mưu chống phá của các thế lực thù địch chống phá thành quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thật sự là liều vaccine nâng cao sức đề kháng khi tham gia môi trường mạng; tạo được môi trường mạng an toàn, lành mạnh; xây dựng được "diễn đàn" online kiểu "Dân hỏi, chính quyền trả lời".
THẾ VINH (còn nữa)