Bản tin 18/9: Thông tin mới nhất về vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ
Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư cầu Phong Châu trước 1/10; Các trường học thiệt hại hơn 1.200 tỷ, mất 41.500 bộ SGK do bão Yagi...
Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư cầu Phong Châu trước 1/10
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa qua đã ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Công điện nêu rõ ngày 9/9, mực nước trên sông Hồng dâng cao làm sập nhịp cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân và làm đứt gãy giao thông trên tuyến Quốc lộ 32C.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện ngày 9/9/2024 chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ sập cầu và bảo đảm hoạt động giao thông an toàn trong mùa mưa lũ, nhất là tại khu vực các tỉnh Tây Bắc Bộ.
Các trường học thiệt hại hơn 1.200 tỷ, mất 41.500 bộ SGK do bão Yagi
Mới đây, Bộ GD&ĐT thống kê về thiệt hại cơ sở vật chất và thiết bị dạy học do cơn bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu bão gây ra. Cụ thể, tổng hợp từ số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành, tính đến 16/9, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng; hư hỏng 41.564 bộ sách giáo khoa.
Cụ thể, thiệt hại về cơ sở vật chất là hơn 514 tỷ đồng, trong đó, cấp mầm non hơn 117 tỷ đồng; cấp tiểu học hơn 139 tỷ đồng; cấp THCS hơn 142 tỷ đồng; cấp THPT hơn 115 tỷ đồng.
Về trang thiết bị dạy học, mức thiệt hại khoảng hơn 745 tỷ đồng; trong đó cấp mầm non hơn 306 tỷ đồng; cấp tiểu học hơn 169 tỷ đồng; cấp THCS hơn 156 tỷ đồng; cấp THPT hơn 113 tỷ đồng.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, theo báo cáo của các địa phương, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích.
Học sinh, trẻ em tử vong gồm ở các tỉnh: Cao Bằng (6 học sinh); Lào Cai (35 học sinh, trong đó huyện Văn Bàn 1; huyện Si Ma Cai 2; huyện Bảo Yên 24; huyện Bát Xát 3; huyện Bắc Hà 5; Yên Bái (9 học sinh, trong đó huyện Lục Yên 2, Văn Chấn 1, Văn Yên 1, thành phố Yên Bái 4, THPT Hoàng Văn Thụ 1); Thái Nguyên (2 trẻ).
Ba học sinh mất tích đều do sạt lở tại Lào Cai (một học sinh lớp 5 Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Ngải Thầu và 2 trẻ Trường Mầm non A Lù).
Nhiều địa phương ghi nhận số học sinh bị thương, bao gồm: Quảng Ninh (1 học sinh tại Trường THCS Suối Khoáng - Cẩm Phả); Cao Bằng (1 học sinh lớp 2 tại Lũng Lỳ, Ca Thành); Lào Cai (6 học sinh của xã Phúc Khánh bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên).
Giáo viên bị tử vong và mất tích ở 2 tỉnh, gồm: Cao Bằng (1 thầy giáo thiệt mạng và 1 cô giáo mất tích); Yên Bái (2 giáo viên thiệt mạng do sạt lở đất).
Theo Vietnamnet với sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão lũ, để giúp các em sớm ổn định việc học tập, Bộ GDĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện việc miễn, giảm học phí và có chế độ hỗ trợ tài chính phù hợp với hoàn cảnh của từng em.
Các đơn vị cũng hướng dẫn sinh viên liên hệ với chính quyền địa phương đề nghị xác nhận trường hợp gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính để xin vay vốn tín dụng, hỗ trợ việc học tập.
Thông tin mới nhất vụ 72 học sinh nghi ngộ độc sau tiệc Trung thu
Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho biết, khoảng 18h00 ngày 15/9/2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Xín Mần có tổ chức cho học sinh toàn trường cùng ăn bữa tối gồm: Cơm trắng, trứng rán, lạc rang và canh bí đỏ.
Sau bữa ăn chính, đến 19h30, nhà trường tổ chức liên hoan Trung thu tại các lớp cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 (khoảng 300 học sinh) ,đồ ăn gồm: Kẹo, bim bim, bánh gạo, thạch rau câu, nước sinh tố trà chanh.
Sau bữa liên hoan Tết Trung thu khoảng 30 phút có một số học sinh có biểu hiện váng đầu, buồn nôn và đau bụng. Giáo viên nhà trường đã đưa các cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần khám và theo dõi, điều trị.
Theo Sức khỏe & Đời sống tính đến 10h00, ngày 17/9/2024, Bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần đã tiếp nhận 72 cháu. Trong đó có 29 cháu có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, đau đầu hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng đi ngoài, không sốt, các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng có 5 bệnh nhân có kết quả cận lâm sàng, bạch cầu tăng nhẹ, còn lại các bệnh nhân khác kết quả cận lâm sàng, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Còn lại 43 cháu không có các triệu chứng ngộ độc, chủ yếu do yếu tố tâm lý vẫn được đưa đến khám sàng lọc, theo dõi tại bệnh viện.
Sau khi tiếp nhận thông tin vụ nghi ngộ độc tại trường học, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Xín Mần xử trí, điều tra xác minh vụ nghi ngộ độc, làm việc với các thành viên BCĐ Chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện Xín Mần, đồng thời lấy mẫu thực phẩm nghi gây ngộ độc gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần sẽ tiến hành khám sàng lọc, đánh giá sức khỏe của từng học sinh, số học sinh ổn định sẽ được cho ra viện vào chiều ngày 17/9/2024.
Trúc Chi (t/h)