Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Về đích sớm kế hoạch thu hút đầu tư

Nhờ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, Thái Nguyên hoàn thành sớm chỉ tiêu thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp năm 2024. Với kết quả này, Thái Nguyên tiếp tục khẳng định chất lượng môi trường đầu tư, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Sản xuất dây điện cao áp cho xe ô tô tại Công ty TNHH Hansol Harness Vina (Khu công nghiệp Sông Công II).

Sản xuất dây điện cao áp cho xe ô tô tại Công ty TNHH Hansol Harness Vina (Khu công nghiệp Sông Công II).

Vượt 40% kế hoạch đề ra

Năm 2024, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh được giao nhiệm vụ thu hút mới 15 dự án (DA) đầu tư. Tính đến ngày 18/10/2024, Ban đã cấp mới 21 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vượt 40% kế hoạch đề ra và bằng 77,78% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả này thể hiện sự nỗ lực quyết tâm của Ban Quản lý các KCN tỉnh cùng các sở, ban, ngành trong thực hiện công tác thu hút đầu tư, đồng thời khẳng định chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh.

Đồ họa: Thanh Hạnh

Đồ họa: Thanh Hạnh

Trong số các DA nói trên, đáng chú ý có những DA quan trọng có tổng mức đầu tư lớn và mở ra cơ hội tiếp tục thu hút thêm nhiều các DA khác như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công II, giai đoạn 2, với diện tích trên 296ha, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng do Công ty CP Viglacera Thái Nguyên làm chủ đầu tư; DA sản xuất tấm silic đơn tinh thể và pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Trina Solar Cell Việt Nam (Tập đoàn Trina Solar) với mức đầu tư trên 450 triệu USD; DA Nhà máy KHVATEC Thái Nguyên tại KCN Yên Bình có tổng vốn đăng ký 25 triệu USD…

Kết quả trên đã góp phần nâng tổng số DA được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực trong các KCN đến nay là 316 DA. Trong đó, 178 DA có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 10,6 tỷ USD và 138 DA vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 23 nghìn tỷ. Thái Nguyên cũng từ đó trở thành 1 trong số các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI từ đầu năm đến nay.

Đồng bộ các giải pháp

Để có được kết quả trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về thu hút, xúc tiến đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng hành cùng doanh nghiệp...

Cụ thể trong thu hút, xúc tiến đầu tư, Ban bám sát Quy hoạch chung của tỉnh, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường công tác thu hút, xúc tiến đầu tư vào các KCN. Minh chứng là trong 10 tháng của năm nay, Ban đã tiếp và làm việc với trên 100 nhà đầu tư đến từ các quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Thái Nguyên có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Đồ họa: Thanh Hạnh

Thái Nguyên có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Đồ họa: Thanh Hạnh

Trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Ban bám sát nhiệm vụ của UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Theo đó, Ban đã duy trì thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”; chủ động rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền. Ví dụ như thủ tục cấp giấy phép xây dựng giảm 5 ngày so với quy định (chỉ còn 15 ngày); thời gian điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm 4 ngày so với quy định (chỉ còn 6 ngày); thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được rút ngắn 7 ngày so với quy với quy định tại Luật Đầu tư (chỉ còn 8 ngày)...

Từ đầu năm đến nay, Ban đã tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc 5/6 lĩnh vực công tác theo thẩm quyền. Kết quả đã giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt trên 97%, còn lại đang trong thời gian xử lý...

Biểu đồ tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động. Đồ họa: Thanh Hạnh

Biểu đồ tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động. Đồ họa: Thanh Hạnh

Cùng với chú trọng cải cách thủ tục hành chính, Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Với phương châm “cùng đi, cùng đến, cùng hiệu quả”, Ban thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tiếp nhận và xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chế độ đối với người lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động; giải đáp kịp thời các thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp...

Ông Wu Zuo Jiang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH DBG Technology (Việt Nam) tại KCN Yên Bình (TP. Phổ Yên) - đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm thiết bị đầu cuối truyền dữ liệu, thiết bị wifi, xuất khẩu sang các thị trường Bắc Mỹ, chia sẻ: Chúng tôi lựa chọn đặt nhà máy tại Thái Nguyên là do hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông tại KCN khá tốt. Đặc biệt, chính quyền địa phương và Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ chúng tôi trong quá trình xây dựng, lắp đặt nhà xưởng, máy móc; nhờ đó, kế hoạch đi vào sản xuất của chúng tôi được đảm bảo.

Hoàng Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/ban-quan-ly-cac-khu-cong-nghiep-tinh-ve-dich-som-ke-hoach-thu-hut-dau-tu-10023de/