Băn khoăn lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Sáng 24/5, hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), nhiều đại biểu băn khoăn việc coi dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Chỉ nộp tài liệu chứa bí mật Nhà nước vào lưu trữ sau khi giải mật

Trong buổi thảo luận, đã có 13 lượt đại biểu phát biểu góp ý cho Luật Lưu trữ.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày nêu rõ, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương với 65 điều, đã bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giải trình.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giải trình.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng" - Tổng thư ký Quốc hội nói.

Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn.

Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã rất hạn chế, dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý quy định tại Điều 18 về cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất.

Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giải trình.

Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giải trình.

Một số ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, cụ thể tài liệu lưu trữ số thời hạn tối đa là 30 tháng; tài liệu lưu trữ giấy tối đa là 5 năm, tính từ năm kết thúc công việc.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 5 năm, tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số.

Bên cạnh đó, đối với các tài liệu cần sử dụng thường xuyên do đặc thù hoạt động của các cơ quan, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tài liệu lưu trữ của ngành quốc phòng, công an, Bộ Ngoại giao do các Bộ trực tiếp quản lý.

Còn tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của một số lĩnh vực chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành có liên quan nhưng phải nộp vào lưu trữ lịch sử trong thời hạn tối đa là 30 năm kể từ năm nộp vào lưu trữ hiện hành.

Mặt khác, tài liệu chứa bí mật nhà nước chỉ được nộp vào lưu trữ lịch sử sau khi đã được giải mật.

Lý do coi dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Vấn đề khác được ông Bùi Văn Cường nêu ra, đó là có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết, không quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên điều 36 của Luật Lưu trữ hiện hành đã quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh.

Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Chính phủ trình; đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh để bảo đảm minh bạch.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho rằng, việc xác định dịch vụ lưu trữ là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được cân nhắc, xem xét. Việc ràng buộc điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ lưu trữ dường như đi ngược với quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn Hậu Giang

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn Hậu Giang

Mặt khác, cần đánh giá liệu lợi ích từ cộng đồng có bị ảnh hưởng tác động nếu không kiểm soát điều kiện của tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ lưu trữ tài liệu hay không, vì đây là yếu tố quan trọng để xác định có cần thiết phải áp dụng điều kiện kinh doanh.

Giải trình, làm rõ nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Đầu tư hiện hành không quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Nhưng Điều 36 của Luật Lưu trữ hiện hành quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh.

Bộ trưởng Trà cho hay, thực chất các hoạt động lưu trữ mang tính chuyên môn nghiệp vụ rất sâu, liên quan đến tài liệu chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân nên cần phải được bảo đảm an ninh thông tin và quản lý chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Theo đó, khi quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ thì trong nội dung thiết kế cũng phải thiết kế theo các cấp độ khác nhau cho phù hợp với thực tế, để khuyến khích và thúc đẩy được xã hội hóa cho hoạt động lưu trữ.

Nói thêm về nguồn nhân lực cho lưu trữ, những chính sách đãi ngộ... Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vẫn phải theo quy định của Chính phủ, nhưng sẽ theo phương châm, "ít nhưng tinh thông", đáp ứng được nhu cầu phát triển. Sử dụng đội ngũ lưu trữ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu.

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đề ra 6 nguyên tắc lưu trữ cơ bản, trong đó, việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước là yếu tố quan trọng và sự tham gia của cộng đồng, xã hội, công chúng nhân dân là điều tiên quyết.

Đồng thời, cần phải bảo đảm mục tiêu phát huy hiệu quả giá trị của tài liệu lưu trữ vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ lưu trữ quốc tế…

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ban-khoan-luu-tru-la-nganh-nghe-dau-tu-kinh-doanh-co-dieu-kien-192240524104508555.htm