Bàn giải pháp tăng cường quản lý tuân thủ thuế hiệu quả trong nền kinh tế số

Sáng 13/5, Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo 'Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số' nhằm trao đổi kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp quản lý tuân thủ thuế hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong thời đại công nghệ số.

Ngành Thuế chủ động triển khai quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế

Chủ trì và phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, quản lý tuân thủ thuế là phương thức quản lý thuế hiện đại giúp cơ quan thuế phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực có hạn trước bối cảnh số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, quy mô hoạt động ngày cảng lớn, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại thì cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân). Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển ngành Tài chính đến năm 2025 đã xác định cải cách thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu của cải cách thuế là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số định hướng chính của cải cách thuế bao gồm: Giảm bớt các loại thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Nâng cao tính minh bạch, công khai của hệ thống thuế.

Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, trong những năm qua, ngành Thuế đã chú trọng triển khai quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế. Trong đó, thực hiện tổ chức thu thập, xử lý dữ liệu bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành Thuế; xây dựng các Bộ chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế hỗ trợ cho công tác quản lý thuế để lựa chọn người nộp thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế và xây dựng kế hoạch kiểm tra sau hoàn; quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn của người nộp thuế phòng ngừa gian lận hóa đơn, chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

Việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn. Do vậy, đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, chất lượng của công tác quản lý thuế của cơ quan thuế tỷ lệ thuận với ý thức tuân thủ của người nộp thuế. Quản lý thuế càng tốt, tính tuân thủ càng cao thì sẽ tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

“Với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, hoạt động ngày càng phức tạp, vai trò của phân tích rủi ro quản lý tuân thủ người nộp thuế càng quan trọng. Theo đó, công tác quản lý rủi ro, tăng cường tính tuân thủ cần được tăng cường, cần được thực hiện quyết liệt”, bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), kinh tế số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Điều đó gây ra thách thức trong quản lý thuế như chuyển đổi số toàn diện ngành Thuế; kiểm soát, chống gian lận hóa đơn điện tử.

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, TS. Nguyễn Như Quỳnh cho rằng cần hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; phát triển dữ liệu số và quản lý rủi ro.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Như Quỳnh, bà Ngô Thị Thùy Linh - Phó trưởng Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho hay, quản lý tuân thủ dựa trên rủi ro bắt đầu bằng việc xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ và đủ mạnh. Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện đại sẽ hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện phương pháp quản lý thuế mới dựa trên phân tích rủi ro này. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cho phép xử lý nhanh chóng một lượng lớn các thông tin, sàng lọc hiệu quả thông tin dựa vào các tiêu chí rủi ro đã được xác định trước, và hỗ trợ việc đưa ra quyết định đối với trường hợp đánh giá là tuân thủ tốt, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ.

Để việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế được thực hiện theo lộ trình phù hợp về thời gian, nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chiến lược cải cách hành chính nói chung, chiến lược cải cách hệ thống thuế nói riêng, ngành Thuế đang xây dựng kế hoạch áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ tổng thể theo định hướng: Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tuân thủ tổng thể tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế theo nguyên tắc phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ về thuế. Đồng thời, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ khen thưởng, chế tài xử phạt rõ ràng đối với từng mức độ tuân thủ của người nộp thuế...

Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, tích cực, với nhiều ý kiến thảo luận sâu sắc, thẳng thắn, mang tính xây dựng cao oay quanh quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số. Tại Hội thảo, các đại biểu đã ghi nhận những kết quả đạt được trong việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, phân tích những ưu điểm, hạn chế của công tác quản lý tuân thủ thuế hiện nay, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, như: hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế phù hợp với nền kinh tế số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý thuế, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức nộp thuế của người dân và doanh nghiệp…

Lê Anh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ban-giai-phap-tang-cuong-quan-ly-tuan-thu-thue-hieu-qua-trong-nen-kinh-te-so.html