Bản Di chúc của Người là mệnh lệnh thiêng liêng để xây dựng đất nước

54 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa (1969 - 2023), song bản Di chúc kết tinh sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn luôn là những chỉ dẫn quý báu để mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nỗ lực học tập, rèn luyện thường xuyên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Di chúc Bác Hồ. Ảnh: tư liệu/hochiminh.vn

Nghiêm khắc phê bình để giữ vững đoàn kết

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới truyền thống đoàn kết của Đảng, về thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, về việc giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, về sự đoàn kết của Đảng với phong trào cộng sản thế giới. Tư tưởng đoàn kết của Người trong bản Di chúc là vấn đề chiến lược, có tính lâu dài và xuyên suốt. Vấn đề cốt lõi trong tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải đoàn kết nhất trí trong Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách: “Sự đoàn kết nhất trí trong Đảng càng thêm vững chắc, bảo đảm cho Đảng ta càng thêm trong sạch, càng mạnh mẽ, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của chúng ta càng giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”.

Nhưng để niềm tin trên trở thành hiện thực, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành những điều “trước hết nói về Đảng” và yêu cầu “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Đó là “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” và đội ngũ cán bộ, đảng viên “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Đồng thời, Đảng phải bồi dưỡng thế hệ trẻ, “chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với Di chúc của Người hiện nay có ý nghĩa rất to lớn và những lời căn dặn trong bản Di chúc của Người vẫn vẹn nguyên giá trị trong thời đại hiện nay. Bài học thực tiễn đã chỉ ra rằng, trong những năm qua, mặc dù đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng công tác tự phê bình và phê bình còn hình thức, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi.

Tình trạng này cũng dẫn đến hệ quả là thời gian qua, không ít các tổ chức Đảng ở nhiều nơi đã bị xử lý vi phạm, nhiều đảng viên bị kỷ luật vì những sai phạm nghiêm trọng của mình - những sai phạm kéo dài mà không được nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, xử lý sớm. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “mục đích phê bình cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Đoàn kết không chỉ là mục đích mà còn là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Mục đích tối thượng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Trong bản Di chúc, Người cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố “con người”. Con người mà Người nói đến ở đây chính là mọi giai tầng trong xã hội - là nhân dân. Cụ thể, Bác nhấn mạnh yêu cầu phải “xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng…”. Người cũng gửi gắm điều mong mỏi: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Để nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc không phải và không thể là những lý luận, công thức có sẵn cứ thế đem ra áp dụng là có thể đi đến thành công. Thực tế, mỗi quốc gia, địa phương, vùng miền và tổ chức đều có những nét đặc thù, với nhiều thuận lợi và nhiều khó khăn khác nhau, đòi hỏi người lãnh đạo phải biết ứng biến, vận dụng sáng tạo trên điều kiện sẵn có, tạo ra những chính sách, giải pháp riêng biệt để đạt được kết quả tốt nhất.

Chỉ khi luôn tâm niệm “dân là gốc”, tất cả vì dân, cho dân và của dân thì người lãnh đạo sẽ có giải pháp sáng tạo, đúng đắn để điều hành đất nước, địa phương và tổ chức đạt được kết quả tốt nhất. Ở đâu dân còn đói, còn khổ là ở đó người lãnh đạo, người quản lý chưa hoàn thành nhiệm vụ. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Chủ nghĩa xã hội là làm cho dân được ấm no, tự do, hạnh phúc”. Như vậy, ta có thể triển khai một cách thiên biến, vạn biến chính sách, giải pháp và bằng nhiều phương pháp, nhiều phương thức, nhiều phương tiện, lực lượng khác nhau, miễn làm sao dân được ấm no, tự do, hạnh phúc thì đều là cách làm đúng đắn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dạy: “Lấy sức dân mà lo cho dân”. Đây là điều cốt lõi để công tác lãnh đạo, điều hành trong tình hình hiện nay đi đến thành công. Ở đâu người lãnh đạo biết dựa vào dân, “lấy sức dân mà lo cho dân” thì ở đó chắc chắn sẽ đạt được thành công.

Đã 78 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-2023), lịch sử dân tộc đã đi qua một chặng đường lịch sử với nhiều cung bậc, đầy vẻ vang, hiển hách và niềm tự hào. Trong thời đại hiện nay, viết tiếp trang sử vẻ vang đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới: Đó là xây dựng Tổ quốc, là làm cho dân giàu, nước mạnh. Để đạt được mục tiêu trên, phải phát triển bằng mọi cách, mọi biện pháp, mọi phương thức, mọi hình thức và bằng mọi phương tiện. Đã đến lúc chúng ta cần tháo gỡ các rào cản, trước tiên là rào cản tư duy, lấy thực tiễn làm thước đo giá trị, lấy đời sống ấm no, hạnh phúc của người dân làm thước đo và mục tiêu phấn đấu. Bởi suy cho cùng, đó cũng chính là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Xây dựng Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và làm cho “Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”.

PGS-TS LÊ QUỐC LÝ - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ban-di-chuc-cua-nguoi-la-menh-lenh-thieng-lieng-de-xay-dung-dat-nuoc-post704016.html