Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí họp phiên thứ nhất
Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo (BCĐ). Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Ảnh VGP
Tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.
Công tác phòng, chống lãng phí được xem là một trong những yếu tố then chốt để gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp. Với phương thức, cách làm quyết liệt, công cuộc phòng, chống lãng phí bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, phần nào giải quyết được một số hạn chế, điểm nghẽn về lãng phí trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy lãng phí vẫn còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động... Chính vì vậy, Chính phủ đã thành lập BCĐ phòng, chống lãng phí với thành phần bao gồm thủ trưởng tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ để giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế, tạo chuyển biến mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công tác này.
Phiên họp thứ nhất BCĐ rà soát lại các công việc đã triển khai, các kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm, làm cơ sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới; nhất là việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài để sớm giải quyết dứt điểm, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế. Các thành viên BCĐ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, đang gây ra lãng phí nguồn lực của đất nước từ Trung ương cho đến địa phương, cơ sở. Đồng thời các thành viên BCĐ đề xuất dự kiến nội dung hoạt động năm 2025 của bộ, ngành và nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện và trao đổi, thảo luận phương thức nhằm tiếp tục phát huy vai trò của các BCĐ đã thành lập song hành với hoạt động của BCĐ phòng, chống lãng phí.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác phòng, chống lãng phí luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việc thực hiện phòng, chống lãng phí phải bám sát 5 phương châm: là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp; công tác phòng, chống lãng phí không giới hạn về thời gian, không gian; gắn kết chặt chẽ với việc tinh giản bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, tăng cường phân cấp, phân quyền; gắn với sự phát triển của đất nước, với mục tiêu tăng trưởng, với đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số; đi đôi với thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên BCĐ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức đi đôi với hành động trong quá trình thực hiện phòng, chống lãng phí. Tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế pháp luật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát các dự án lãng phí kéo dài, đề xuất cơ chế chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Rà soát cắt giảm các thủ tục gây ách tắc, rườm rà, tăng cường phân cấp, phân quyền. Đưa chuyển đổi số vào công tác quản lý, điều hành tại tất cả các ngành, địa phương. Rà soát công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương sao cho chặt chẽ, hiệu quả theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng quyền hạn, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện; BCĐ phòng, chống lãng phí nhanh chóng xây dựng kế hoạch công tác của BCĐ trong năm 2025…