Bám sát địa bàn, nắm vững nhiệm vụ, tổ chức thực hiện hiệu quả

Kỷ niệm 68 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1958), Tiểu đoàn Công binh 25 (tiền thân của Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3 ngày nay) được thành lập tại xã Thủy Tú (nay là xã Thủy Đường), huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Trải qua 65 năm với nhiều lần thay đổi phiên hiệu, biên chế tổ chức, địa bàn đóng quân nhưng đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù quân số ít, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu Tả Ngạn (sau này là Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3), Tiểu đoàn đã nhanh chóng kiện toàn biên chế tổ chức, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong những năm tháng ác liệt khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, rèn luyện bản lĩnh, ý chí chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi quyết tâm của Quân khu ủy: “Địch đánh phá, ta sửa ta đi, cầu phà của công binh chuẩn bị sẵn sàng đợi lệnh xuất kích”.

Khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, để phù hợp với tổ chức biên chế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngày 15-7-1976, Trung đoàn Kỹ thuật công binh hỗn hợp được cấp trên quyết định đổi tên thành Trung đoàn Công binh 513. Đến tháng 5-1989, Bộ Quốc phòng ra quyết định mở rộng tổ chức biên chế từ Trung đoàn Công binh 513 thành Lữ đoàn Công binh 513 với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), rà phá bom, mìn, vật nổ, xây dựng công trình phòng thủ trên địa bàn Quân khu 3. Thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 và Binh chủng Công binh, Lữ đoàn Công binh 513 đã tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 513 bảo đảm vượt sông bằng phà PMP 60T trong diễn tập CB-22. Ảnh: THANH NGUYỆN

Theo đó, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, bảo đảm chất lượng huấn luyện, khả năng SSCĐ không ngừng được nâng cao, tham gia hội thi, hội thao cấp Quân khu và toàn quân giành thứ hạng cao, được Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu, Bộ tư lệnh Công binh khen thưởng. Lữ đoàn tham gia thi công nhiều tuyến đường giao thông, trực tiếp xây dựng nhiều công trình quốc phòng trên đất liền và các đảo ven bờ, thi công đường tuần tra biên giới bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, an toàn, được Bộ tư lệnh Quân khu đánh giá cao.

Đơn vị tham gia rà phá, vô hiệu hóa 11.350 bom, mìn, vật nổ, tháo dỡ 10.596 chông các loại, làm sạch 3.220ha đất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc và một số tỉnh miền Trung. Lữ đoàn luôn chủ động lực lượng, phương tiện giúp nhân dân các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình khắc phục hậu quả thiên tai, sơ tán khỏi vùng lũ lụt; ứng cứu, hàn gắn kịp thời nhiều đoạn đê vỡ, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận.

Đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị hưởng ứng xây dựng mô hình “Hòm tiết kiệm vì nghĩa tình đồng đội”, nhân rộng mô hình “Tổ chiến sĩ tiết kiệm vì gia đình”, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Từ tháng 8-2018 đến thời điểm hiện tại, với sự hưởng ứng đồng lòng, nhất trí cao, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã tiết kiệm được hơn 820 triệu đồng. Trích kinh phí hỗ trợ xây nhà đồng đội, nhà tình nghĩa tặng 8 đồng chí QNCN trong đơn vị có hoàn cảnh khó khăn với trị giá 640 triệu đồng; trao tặng sổ tiết kiệm, thăm hỏi, hỗ trợ quân nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, quân nhân, thân nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày tổng số 52 lượt. Qua đó khích lệ, chia sẻ, đoàn kết và động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Ngoài ra, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất theo mô hình vườn-ao-chuồng. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, hằng năm luôn bảo đảm 60-65 đầu phương tiện, trang bị kỹ thuật với hệ số an toàn cao cho nhiệm vụ SSCĐ, bảo đảm an toàn hệ thống kho tàng và bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 513 đã viết nên truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, chủ động tiến công, kiên cường chiến thắng”. Đơn vị vinh dự được Bác Hồ về thăm dịp Tết Bính Ngọ 1966, hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng. Tiểu đoàn 25 (nay là Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới. Thành tích, chiến công của Lữ đoàn Công binh 513 góp phần tô thắm truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng” của LLVT Quân khu 3 và truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Binh chủng Công binh anh hùng.

Đại tá NGUYỄN TRỌNG TIẾN

Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bam-sat-dia-ban-nam-vung-nhiem-vu-to-chuc-thuc-hien-hieu-qua-728160