'Bài toán' khó ở Ðiện Biên

ĐBP - Những năm gần đây, số trẻ đến tuổi ra lớp trên địa bàn tỉnh ta tăng nhanh, làm cho quy mô lớp học không ngừng tăng theo. Bên cạnh đó, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, số lượng người làm việc trong ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh được giao giảm trung bình 1,7%/năm (tương đương giảm 329 người làm việc/năm). Nghịch lý học sinh tăng biên chế giảm, giáo viên thiếu (đặc biệt là ở khối mầm non) đang khiến cho ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh gặp nhiều khó khăn...

Tại những điểm trường cách xa trung tâm vẫn phải bố trí giáo viên đứng lớp mặc dù tỉ lệ học sinh không đạt theo quy định. Tiết học của cô trò tại Ðiểm trường Chùa Sấu, Trường Mầm non Xuân Lao, xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 cho thấy, những năm gần đây, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ðội ngũ giáo viên phổ thông cơ bản đủ về số lượng, nhưng một số vùng chưa đồng bộ về cơ cấu; giáo viên mầm non còn thiếu khá nhiều. Ðể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở cấp mầm non, năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh đã tuyển dụng 410 viên chức (370 giáo viên, 40 nhân viên) bổ sung cho các đơn vị sự nghiệp, trong đó chủ yếu là cấp học mầm non (256 giáo viên). Ðồng thời, tích cực rà soát, sắp xếp lại tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, vận động đưa học sinh từ các điểm trường lẻ về trường trung tâm, thực hiện bố trí, sắp xếp tăng số học sinh/lớp; sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên khoa học, hợp lý đảm bảo sử dụng hiệu quả biên chế được giao...

Tính đến cuối năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh quản lý 15.916 công chức, viên chức và người lao động, bao gồm: 129 biên chế công chức hành chính trong cơ quan quản lý giáo dục; 15.787 viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp (1.329 cán bộ quản lý, 11.788 giáo viên, 2.670 nhân viên). Theo định mức, năm học 2018 - 2019, tỉnh còn thiếu 1.156 giáo viên, tập trung chủ yếu ở cấp học mầm non (780 giáo viên).

Trường Mầm non Nà Bủng là một trong những trường thiếu nhiều giáo viên nhất huyện Nậm Pồ. Cô giáo Lường Thị Chim, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học 2019 - 2020, trường có 27 lớp, 763 học sinh nhưng chỉ có 30 giáo viên nên Ban giám hiệu sẽ thường xuyên phải tăng cường xuống đứng lớp (trung bình mỗi thành viên Ban giám hiệu đứng lớp 2 giờ/tuần). Căn cứ vào thực tế hiện nay thì trường cần bổ sung 21 giáo viên nữa mới đáp ứng được yêu cầu. Ðây cũng là tình trạng chung của nhiều trường mầm non trên trên địa bàn huyện.

Cô giáo Lường Thị Thu, tại điểm trường Pá Kha, Trường Mầm non Nà Bủng phụ trách lớp nhà trẻ (trẻ từ 1 - 2 tuổi) có 38 trẻ. Cô Thu chia sẻ: Công việc thường ngày của tôi là vừa giảng dạy, vừa chăm sóc trẻ (nấu ăn, tổ chức cho các cháu ăn, ngủ trưa tại lớp…) nên dù đã rất cố gắng nhưng do lớp đông mà chỉ có một mình nên khó có thể quan tâm tường tận đến từng trẻ...

Ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, riêng cấp mầm non toàn ngành có 381 cán bộ quản lý, giáo viên (25 cán bộ quản lý, 336 giáo viên), mới đảm bảo 1,1 giáo viên/lớp; trong khi theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDÐT-BNV ngày 16/3/2015 của Liên Bộ: Giáo dục và Ðào tạo - Nội vụ (gọi tắt là Thông tư số 06), quy định đối với nhóm trẻ bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ. Ðể đảm bảo tỉ lệ giáo viên theo đúng quy định, toàn huyện Nậm Pồ còn thiếu 145 giáo viên cấp mầm non. Thực tế trên khiến cho thời gian qua, việc chăm sóc, giáo dục trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Ðặc biệt là không có nhân viên nấu ăn tại các điểm trường xa trung tâm, nên các cô giáo vừa thực hiện công tác giảng dạy vừa phải chăm sóc trẻ...

Mường Ảng cũng là một trong những huyện thiếu giáo viên cấp mầm non, ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện cho biết: Số lượng, chất lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong những năm gần đây không ngừng tăng lên. Tính đến tháng 4/2019 toàn huyện có 308 cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non; trong đó, cán bộ quản lý 39 người, giáo viên 203 người, nhân viên 57 người. So với quy định tại Thông tư số 06, hiện nay toàn huyện còn thiếu 58 giáo viên. Ðể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên năm học 2019 - 2020, phòng đã xin chủ trương tuyển thêm 27 giáo viên mầm non (dự kiến đến trung tuần tháng 9/2019 tuyển đủ) cộng thêm 5 giáo viên chuyển vùng về địa bàn huyện; như vậy cơ bản đáp ứng được tình trạng thiếu hụt giáo viên trước mắt, đạt tỉ lệ 1,4 giáo viên/lớp.

Năm học 2019 - 2020 đã cận kề, từng gia đình và cả xã hội đều quan tâm đến công tác chuẩn bị cho năm học mới và ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường - ngày 5/9. Ðối với phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo và cộng đồng xã hội việc làm sao để trẻ em được đến trường trong điều kiện tốt nhất là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi nắm được, năm học mới này bên cạnh những khó khăn, thiếu thốn khác, thì chỉ tính riêng cấp học mầm non tỉnh ta vẫn thiếu hơn 1.100 giáo viên. Trong tình trạng học sinh có xu hướng tăng, biên chế chung cho ngành giáo dục và đào tạo bắt buộc phải giảm và giáo viên cấp tiểu học, mầm non thì thiếu triền miên nhiều năm liền, đây thực sự là “bài toán” khó cho giáo dục Ðiện Biên. Dù chưa nắm được chính xác con số tuyển mới giáo viên mầm non cho năm học 2019 - 2020 của tỉnh ta, song hi vọng rằng việc chăm lo cho thế hệ tương lai của quê hương, đất nước sẽ được bắt đầu từ việc quan tâm đến chất lượng, số lượng nhà giáo.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/171592/%E2%80%9Cbai-toan%E2%80%9D-kho-o-%C3%B0ien-bien