Bài thơ tình thời Nguyên được ông Tập dùng nói về quan hệ Mỹ-Trung
Bài thơ là lời của một người vợ gửi đến chồng mình khi ông muốn lấy thêm vợ lẽ, với cảm xúc mãnh liệt được thể hiện qua hình thức tự do và ngôn từ bình dân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã dùng một bài thơ tình ra đời 700 năm trước để miêu tả mối quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, trong bối cảnh hai bên vẫn chưa tìm ra lối thoát cho cuộc chiến thương mại kéo dài suốt một năm qua.
Trong một phát biểu tại Nga cách đây không lâu, ông Tập đã đề cập đến Tổng thống Mỹ Donald Trump như là "một người bạn". Nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí mô tả mối quan hệ Trung - Mỹ bằng ngôn từ lãng mạn: "Trong tôi có anh và trong anh có tôi".
Theo tác giả Wee Kek Koon, viết trên South China Morning Post, câu nói trên gợi liên tưởng đến bài thơ nổi tiếng của Quản Đạo Thăng, vợ của thi pháp gia thời nhà Nguyên Triệu Mạnh Phủ. Bài thơ nói về đời sống hôn nhân của hai vợ chồng.
Triệu Mạnh Phủ (1254-1322) là nhà thư pháp, học giả và họa sĩ nổi tiếng, người có các tác phẩm đến nay vẫn được đem ra để giảng dạy về thư pháp Trung Quốc. Trong những năm ở tuổi trung niên, ông muốn cưới thêm một hoặc hai vợ lẽ, nhưng lại quá xấu hổ để đề cập chuyện này với vợ ông, Quản Đạo Thăng.
Cuối cùng, Triệu Mạnh Phủ nghĩ ra cách viết một bài thơ để "bộc bạch nỗi niềm". Bài thơ nói về việc những học giả nổi tiếng khác trong lịch sử cũng lấy thêm thị thiếp ngoài chính thất của họ, cùng lời đề đạt:
"Có quá đáng không khi ta lấy thêm vài nàng Ngô cơ Việt nữ?
Nàng nay tuổi đã quá tứ tuần, chỉ cần làm chủ Ngọc Đường Xuân"
Không rõ phản ứng của Quản phu nhân khi nhận được đề nghị từ chồng, nhưng bà, người cũng là họa sĩ, thi nhân nổi tiếng đương thời, đã đáp lời bằng một bài thơ do mình sáng tác, có tên Ngã nông từ (tạm dịch: Bài ca thiếp và chàng).
"Chàng thiếp, thiếp chàng, nghĩa nặng tình sâu, ấm nồng như lửa
Lấy một mảnh đất sét, nặn ra chàng, nặn ra thiếp
Rồi cùng đem hai chúng ta ra đập vỡ, dùng nước trộn lẫn vào nhau
Lại nặn ra chàng, lại nặn ra thiếp
Trong người thiếp có chàng, trong người chàng có thiếp
Thiếp và chàng, sống sẽ ngủ chung một giường, chết sẽ chôn cùng cỗ quan"
Theo tác giả Wee, điều đáng chú trong trong bài thơ của Quản phu nhân là cảm xúc mãnh liệt được thể hiện qua thể thơ tự do và ngôn ngữ bình dân của một phụ nữ trung niên danh gia vọng tộc. Cảm động vì tình yêu của vợ, Triệu Mạnh Phủ đã quyết định không lấy thêm các cô gái nổi tiếng xinh đẹp dịu dàng ở vùng Ngô Việt, khu vực trong và xung quanh đồng bằng sông Dương Tử.
Lời nhắn nhủ của Quản phu nhân với chồng về tình nghĩa của họ phảng phất trong lời của ông Tập Cận Bình nói với ông Trump.
"Vẫn chưa rõ liệu những lời này liệu có giúp xóa bỏ được thù địch giữa hai nước hay không, nhưng chúng ta sẽ an lòng hơn nhiều nếu họ có thể ôm hôn và làm lành", tác giả Wee kết luận.
Tất nhiên, ông Tập cũng đang nói về vấn đề kinh tế. Trao đổi nguyên liệu và hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rất phức tạp và bất kỳ tác động nào đến một trong dòng chảy này đều sẽ gây ra phản ứng dây chuyền, không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ hay Trung Quốc mà còn đe dọa kinh tế toàn cầu.
Thông qua câu nói "Trong anh có tôi và trong tôi có anh", chủ tịch Trung Quốc còn muốn ám chỉ quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như hai người có sự liên kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời, theo tác giả Wee.
Hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp nhau trong cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Osaka, Nhật Bản, cuối tháng 6, nhằm thảo luận về một thỏa thuận có thể giúp lại cuộc chiến thương mại căng thẳng.