Bài học từ những ngày chống dịch

Sau hơn hai chục ngày yên ả, khoảng hơn một tuần qua, bắt đầu từ ca nhiễm số 17 (đêm 6-3) đến nay, dịch Covid-19 ở nước ta có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Tính đến sáng 14-3, cả nước đã có 48 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (trong đó có 16 ca đã được điều trị tích cực, cho kết quả xét nghiệm âm tính), kèm theo đó là bao nhiêu người phải chịu cảnh cách ly hoặc tự cách ly. Những gì đang diễn ra thật sự khốc liệt mà từ đó, mỗi người trong chúng ta đều có thể rút ra bài học có ích cho mình, để từ đây có cách ứng xử văn minh, nhân tính, thể hiện trách nhiệm công dân và có khả năng tự bảo vệ, sống tốt, sống an toàn hơn.

Cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày cho 60 hộ dân tại phố Trúc Bạch.

1. Tháng trước, cũng vào những ngày này, chúng ta nói nhiều về sự kiện cách ly xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), thông tin y tế liên quan tới hai cha con người Trung Quốc được điều trị hiệu quả tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như những ca bệnh do vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên được xuất viện... Khi đó Covid-19 chưa làm gì được Thủ đô nhờ giải pháp phòng, chống dịch được Chính phủ và Thành phố Hà Nội triển khai một cách chủ động, quyết liệt, hiệu quả.

Bây giờ, một tháng sau, Chính phủ và Thành phố Hà Nội vẫn thực hiện tốt phần việc của mình, phản ứng nhanh ngay cả trước những tình huống vô cùng phức tạp, như thâu đêm 6-3 đã tiến hành xác minh về cơ bản trong số hàng trăm người có tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với ca bệnh Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam - cũng chính là ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội, và tiến hành cách ly một khu vực đông dân cư nơi bệnh nhân lưu trú trước khi nhập viện.

Tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết đoán, chính xác đó tiếp tục được thể hiện trong những ngày tiếp theo, nhất là khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Thủ đô có diễn biến phức tạp hơn và tính tới cuối chiều 13-3 đã lên con số 7. Thậm chí tình thế đòi hỏi phải cách ly trên diện rộng cũng đã được tính tới kèm theo giải pháp bảo đảm cuộc sống của số người trong khu vực cần cách ly... Chặng đua F1 tại Hà Nội được hào hứng mong chờ “làm nóng” không chỉ đường đua mà cả thúc đẩy thu hút đầu tư, du lịch cũng đã bị hoãn.

Phương châm hành động “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định từ lâu. Dịch Covid-19 đã được xác định là đại dịch trên phạm vi toàn cầu - như tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới. Tình thế, hiện thực và dự báo đều cho thấy tương lai gần đầy khó khăn, đòi hỏi tinh thần đồng cam cộng khổ, sự đồng lòng tham gia phòng, chống dịch. Trách nhiệm đó không chỉ thuộc về thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, mà còn là của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân. Không có ai bị để lại sau thì cũng không có ai được quyền đứng ngoài cuộc hay vì lợi ích cá nhân mà xung khắc với lợi ích cộng đồng.

Chúng ta đã thể hiện trách nhiệm không của riêng ai đó một cách đúng đắn hay chưa?

2. Cách đây đúng một tuần, đồng nghiệp đi công tác xa về kể rằng trước khi vào nhà cô ấy đã mất bao nhiêu thời gian để khử trùng va li, quần áo, vật dụng... mang theo mình lên chuyến bay trở về Hà Nội. “Nhà có bao trẻ con!” - một câu kết cần được nhiều người nói ra vào lúc này, thể hiện trách nhiệm trước hết là với người thân, và qua đó là cộng đồng.

Cũng vào những ngày đó, một người mẹ kể chuyện con gái mình trở về từ Italia vào lúc đất nước hình chiếc ủng chưa thành tâm dịch của châu Âu như bây giờ. Con và mẹ xa cách bao ngày giờ tự cách ly dù không ai bắt làm điều đó, ngày ngày cơm nước, trò chuyện qua ô cửa kính, bất tiện nhưng yên tâm rằng mình không gây phiền lụy đến ai.

Có lẽ do “bệnh” nghề nghiệp, tôi thường quan sát những gì diễn ra quanh mình, mong rút ra ý nghĩa gì đó, như là về cách ứng xử trong “mùa” dịch Covid-19 chẳng hạn. Khoảng hai tháng qua, có rất nhiều người xứng đáng được nêu gương trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Có người quên ăn, ngủ để dẫn thông tin chính xác về dịch bệnh, cách phòng và chống từ nguồn tin cậy. Có người góp tiền của để ủng hộ lương thực, vật tư, thiết bị y tế cho bệnh viện, người dân ở những nơi bị cách ly. Có người tìm dịch thông tin từ nước ngoài để động viên cộng đồng vững tin, ủng hộ giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ Việt Nam và các tỉnh, thành phố. Có rất nhiều người hằng ngày làm tốt trách nhiệm phòng dịch cho mình và người thân, truyền thông điệp “Giữ an toàn cho cộng đồng chính là bảo vệ mình và gia đình”...

Có nhiều câu chuyện cảm động lắm. Nhưng như thế không có nghĩa những điều trái tai, gai mắt không còn. Đó không chỉ là câu chuyện về ý thức và trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch kém cỏi của một số thành viên chuyến bay “định mệnh” từ London (Vương quốc Anh) về Nội Bài (Hà Nội) vào ngày 2-3. Cũng không chỉ có một vài trường hợp tung tin giả, dẫn tin đồn vô căn cứ, tin suy diễn nhằm hạ thấp vai trò chỉ đạo chống dịch đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ Việt Nam...

Và, từ cuộc sống thường nhật, không phải ai cũng thể hiện suy nghĩ và hành động đúng, tích cực như cần phải thế trong những ngày “nước sôi lửa bỏng”. Họ đầu cơ tích trữ khẩu trang nhằm trục lợi, trốn khỏi nơi cách ly, tìm cách che giấu lịch trình di chuyển khi buộc phải thông báo điều đó, tung tin thất thiệt về sự khan hiếm hàng hóa thiết yếu, bịa đặt ca nhiễm mới, cố tình cổ xúy cách ứng xử “ta đây” coi Covid-19 không có gì đáng ngại hoặc kích động nỗi sợ hãi quá mức nhằm mục đích riêng...

3. Covid-19 cho thấy nhiều điều mà từ đó - những gì diễn ra trên thế giới và câu chuyện quanh mình - ta có thể nhìn nhận về sự sống, cách ứng xử cũng như cách phòng, chống dịch bệnh của cá nhân trong mối quan hệ với sự an nguy của cộng đồng.

Nhìn vào một hàng nước trên hè phố có những người thay nhau sử dụng chung một chiếc điếu cày, một chiếc cốc. Trong thang máy có người quen sờ tay vào nút bấm rồi rút từ trong túi ra chiếc khẩu trang đeo cho con mình. Lọ nước rửa tay khô trước cửa thang máy chung cư sao thường “khô cạn” trong khoảng thời gian dài. Chiếc khẩu trang y tế của người nhà, loại dùng một lần thôi mà sao mãi không thấy bỏ đi. Những người cao tuổi theo thói quen ra phố “hóng”, đến mức chị chủ hàng cà phê phải lên tiếng “Cụ ơi! Cụ về nhà đi cho con cháu nó nhờ!”. Những “tổ, nhóm” bỏ sức cãi nhau chí chết trên mạng xã hội khi ai đó tỏ ý “ghét” bệnh nhân - nguồn bệnh A hơn bệnh nhân B hoặc ngược lại...

Câu hỏi là tại sao? Chẳng nhẽ đó không phải là kiến thức phòng dịch, cách ứng xử thông thường mà ai cũng biết, cần phải biết?

Những gì diễn ra quanh mình thường là việc nhỏ, nhưng chuỗi liên kết sự việc thì không. Đó có thể là nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát khi vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang thể hiện sự khó lường. Nhưng ai sẽ có thẩm quyền, trách nhiệm, sự nhiệt huyết để đưa ra lời nhắc nhở khi thấy những “chuyện nhỏ” đó, thậm chí là ra quyết định chấm dứt loại hình dịch vụ, sự kiện nào đó được cho là tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với cộng đồng?

Những việc lớn đang được thực hiện rất tốt. Nhưng nguy cơ tiềm ẩn ở những nơi chẳng ai hay. Cần phải giao cho ai đó ở từng phường, xã, thị trấn thường trực nhiệm vụ bám địa bàn. Đến từng nơi, gặp gỡ những người có trách nhiệm tại địa bàn để thu nhận thông tin, tìm ra sự bất cập trong cuộc sống, những điều có thể gây cản trở nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, của thành phố Hà Nội.

Những gì nhận biết cần phải được thể hiện qua báo cáo hằng ngày, tổng hợp từng tuần kèm đề xuất giải pháp để lãnh đạo chính quyền cơ sở hình dung mình cần chỉ đạo điều gì, huy động lực lượng ra sao, có điều gì cần báo cáo, đề xuất với UBND quận, huyện, thị xã cũng như thành phố... Cán bộ cơ sở hiểu tường tận những gì đang diễn ra ở ngoài kia không chỉ giúp cấp trên tránh “đấm vào không khí”, mà còn giúp các giải pháp, chỉ lệnh phù hợp thực tế hơn, không bỏ sót yếu tố nguy cơ - dù nhỏ thôi nhưng có thể khiến nỗ lực của bao nhiêu người phút chốc xuống sông bể. Một người nhiễm SARS-CoV-2 kéo theo bao F1, F2... mà cùng với đó là tiền bạc, công sức điều tra lịch sử dịch tễ, điều trị cho bệnh nhân, huy động nhân lực phục vụ các khu cách ly...

“Mùa” Covid-19 chắc chắn là nỗi ám ảnh sau này với nhiều người. Kinh tế gặp khó khăn, du lịch chậm lại, hàng không điêu đứng... Nhiều người mất việc làm hoặc phải nghỉ làm, học sinh không được đến trường, người thân xa cách vì sợ lây bệnh cho nhau... Cuộc sống nhuốm màu ảm đạm khiến chúng ta mơ ước nhiều hơn. Mơ dịch bệnh sớm chấm dứt và cuộc sống tươi đẹp trở lại. Nhưng muốn vậy thì trước mắt phải ý thức rõ trách nhiệm góp sức mình vào việc phòng dịch, dập dịch và thể hiện điều đó bằng hành động cái đã. Bài học phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy rõ điều này.

Hoàng Ngân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/961257/bai-hoc-tu-nhung-ngay-chong-dich