Bài cuối: Để lễ hội là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa

Gạn đục, khơi trong mùa lễ hôịBài cuối: Để lễ hội là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hoáLễ hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giúp thúc đẩy kinh tế, xã hội.

Bài 1: Tìm về dòng chảy văn hóa hội làng

Bài 2: Âu lo mùa lễ hội

Nhưng để làm được điều đó, cách thức tổ chức, quản lý lễ hội cần tăng cường, đảm bảo văn minh, hạn chế tiêu cực. Đồng thời, các địa phương cần khai thác các hoạt động văn hóa sáng tạo trên các lĩnh vực liên quan tới lễ hội, qua đó tăng sức hấp dẫn cho điểm đến cũng như đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm, tìm hiểu văn hóa địa phương của du khách.

Trả lễ hội về ý nghĩa nhân văn

So với trước đây, các tổ chức và quản lý lễ hội đã có nhiều tiến bộ, dần đi vào quy củ. Tuy vậy, còn khá nhiều bất cập đang nảy sinh trong quá trình tổ chức và quản lý lễ hội. Theo các chuyên gia, bất kỳ hiện tượng nào của văn hóa, bao gồm lễ hội đều có hai mặt, trong đó nổi bật là các hiện tượng tiêu cực, mê tín dị đoan luôn đi kèm.

Người dân đi lễ ở Bà Chúa Kho. Ảnh lại Tấn

Vừa qua, những hiện tượng mê tín dị đoan diễn ra khá nhiều trong xã hội, không chỉ ở ngoài cuộc sống thực mà trên cả không gian mạng như vụ việc cộng đồng bổ cau xem bói trên mạng xã hội TikTok. Trong thực tế, dư luận đã chứng kiến nhiều lễ cầu an, dâng sao giải hạn hay trước kia là những ồn ào ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) về cúng vong, cúng oan gia trái chủ.

Những hành vi tiêu cực trong lễ hội về bản chất, đều do người tham gia chưa hiểu biết thấu đáo bản chất văn hóa của lễ hội. Chính vì vậy, cốt lõi là làm tốt công tác tuyên truyền, để công chúng hiểu được những thông điệp văn hóa mà người xưa muốn truyền lại qua lễ hội. Các chương trình tuyên truyền cũng cần tổ chức thường xuyên, hiệu quả, với sự phối hợp của nhiều cơ quan và các bộ ngành, chứ không chỉ rầm rộ vào dịp đầu Xuân. Cùng với đó là các biện pháp quản lý phù hợp, linh hoạt theo sự biến đổi của thực tế đời sống.

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài

Việc tôn giáo tiếp biến văn hóa bản địa để hình thành nên những nghi lễ, phong tục riêng cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng điều cần lưu ý và phê phán là hiện tượng trục lợi tâm linh, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa xã hội. Để trục lợi tâm linh, những người có liên quan đã dùng mọi biện pháp để lôi kéo, thu hút, có hành vi tạo ra mê tín dị đoan, thậm chí là lừa đảo người dân đến thực hành nghi lễ không cần thiết.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: “Trong các môi trường di tích, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo có mối quan hệ khá gần gũi với hiện tượng này. Đó là điều kiện tốt để hiện tượng mê tín dị đoan như xem xóc thẻ, xem bói, cúng vong… nảy nở. Tôi cho rằng đó là vấn đề cần cẩn trọng để giữ gìn giá trị truyền thống, không để hiện tượng tiêu cực len lỏi vào lễ hội. Cơ quan chức năng, đặc biệt là ở địa phương, cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh, mang tính làm gương để trả lại môi trường trong lành cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Việc làm này nhất thiết cần có sự tham gia, vào cuộc của các tổ chức tôn giáo, ban quản lý các di tích, các nhà khoa học để những người trong cuộc, có hiểu biết sâu phân tích kỹ lưỡng, thuyết phục, từ đó hạn chế tối đa những biến tướng này. Từ đó, các địa phương có thể phát huy được mặt tích cực, giúp người đi lễ có tinh thần tốt, môi trường lành mạnh để phát triển văn hóa nói chung và đạo đức, nhân cách của mỗi con người nói riêng”.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, các hoạt động kinh doanh tâm linh sản sinh là điều khó tránh. Nhưng hiện tượng “kinh doanh hóa” lễ chùa mới nảy sinh, rất cần được nghiên cứu kỹ và áp dụng những biện pháp kiểm soát dựa trên Thông tư số 4 của Bộ Tài chính “hướng dẫn quản lý, thu - chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”. Theo TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, trước hết phải quản lý thật chặt các nguồn thu của hình thức kinh doanh mới này, tránh tình trạng DN lớn đầu tư, lợi dụng “góc khuất” lỏng lẻo quản lý để kiếm lợi bất minh. Thứ hai, nếu đã coi hoạt động kinh doanh tâm linh này là một ngành nghề thì bắt buộc phải đánh thuế phần thu đến từ những hoạt động kinh doanh của cơ sở tôn giáo.

Phát huy tiềm năng, nguồn lực

Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã chỉ rõ: Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa.

Vì vậy, hạn chế, yếu kém trong hoạt động lễ hội là một thách thức tất yếu. Bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ, dân tộc nào trong môi trường hội nhập quốc tế cũng phải chấp nhận và đương đầu với những thách thức đó. Tại một số nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc, tổ chức lễ hội đã trở nên chuyên nghiệp. Ở đó, tinh thần quản trị được thực hiện một cách khoa học. Chuyên nghiệp ở đây không có nghĩa là lễ hội nào cũng giống lễ hội nào mà cần có sự phân công công việc và đi kèm với đó là trách nhiệm cụ thể.

“Hiện nay, trên thế giới có nhiều nước hình thành loại hình kinh tế di sản, bao gồm du lịch di sản, trong đó có tiểu loại hình du lịch tâm linh. Đặc thù quan trọng của loại hình này dựa trên yếu tố bảo tồn và phát huy di sản. Di sản càng cổ kính và nguyên vẹn thì càng thuận lợi cho việc tạo ra thương hiệu văn hóa và thu hút du lịch. Ở nước ta cũng có một số nơi đã tổ chức, quản lý tốt về hoạt động lễ hội cũng như vấn đề thu - chi, tiền công đức đền ông Hoàng Bảy (Lào Cai) hay đền ông Hoàng Mười (Nghệ An)” - TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng chia sẻ.

Điều đáng nói, dù cùng chung đặc trưng là sáng tạo từ dân gian, song mỗi lễ hội lại hàm chứa những giá trị và bản sắc riêng, thể hiện câu chuyện, thông điệp của cộng đồng mình. Chính những điều này góp phần mang đến tính đa dạng mà độc đáo của lễ hội - tiềm năng, nguồn lực để trở thành một sản phẩm văn hóa hấp dẫn trong ngành công nghiệp văn hóa.

Ở Việt Nam có rất nhiều sự kiện đã trở nên nổi tiếng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ví dụ: Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội carnaval Hạ Long (Quảng Ninh) hay Festival Huế... Vấn đề là phải làm sao quản lý và tổ chức các lễ hội mới một cách chuyên nghiệp để lễ hội phát huy tác dụng, lan tỏa các giá trị sang các lĩnh vực khác. Đó là sự kiện văn hóa đem lại lợi ích kinh tế cho các lĩnh vực liên quan, giúp quảng bá hình ảnh địa phương, giúp địa phương trở thành nơi đáng sống.

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn: “Để phát triển công nghiệp văn hóa một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải có tiềm năng văn hóa của dân tộc. Vì chỉ khi khai thác được vốn văn hóa mới tạo ra được bản sắc riêng có của mỗi quốc gia. Để từ đó, chúng ta có chỗ đứng trong dòng chảy văn hóa trên thế giới. Đơn cử, khi chúng ta thổi hồn văn hóa Việt Nam vào các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc... như những gì chúng ta thấy qua MV “See tình” ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã tạo nên những nét độc đáo. Từ nét riêng hình thành lên giá trị để chinh phục trái tim khán giả trên thế giới.

Cùng với đó, cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội. Để phát huy được điều này, các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng; chú trọng tuyên truyền, quảng bá cũng như xây dựng kịch bản cho hoạt động trong lễ hội bài bản, chuyên nghiệp, giàu bản sắc, tạo ra sản phẩm văn hóa lành mạnh, hấp dẫn, chất lượng… đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp văn hóa. Về lâu dài, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu xây dựng chiến lược văn hóa dài hạn cho việc phát huy giá trị di tích nói chung, lễ hội nói riêng với các sản phẩm du lịch văn hóa mang đặc trưng của vùng đất, tạo ra giá trị vật chất và làm giàu đời sống tinh thần cho công chúng, du khách.

Một số nơi tự đánh giá công tác đảm bảo an ninh, an toàn của lễ hội chưa được đảm bảo đã chủ động tạm dừng tổ chức để có các phương án tốt hơn, điển hình như hội Phết Hiền Quan. Ngoài phần hội tạm dừng, những yếu tố liên quan đời sống tâm linh luôn được tôn trọng, tạo điều kiện để người dân thực hành tín ngưỡng, các nghi lễ tâm linh tốt nhất. Một số hiện tượng đông đúc, xô đẩy do quá đông người cũng không thể tránh khỏi, tuy nhiên đó không phải là bản chất, cũng như không phải là bức tranh toàn cảnh của mùa lễ hội năm nay.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ VHTT&DL Lương Đức Thắng

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-de-le-hoi-la-nguon-luc-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa.html