Bài 7: Thất thoát, lãng phí nhìn từ doanh nghiệp nhà nước
Nắm giữ nguồn vốn 'khủng', doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được ví như 'quả đấm thép' của nền kinh tế. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn; công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn chậm và nảy sinh nhiều bất cập, vi phạm... gây thất thoát, lãng phí vốn và tài sản nhà nước, là những vấn đề được cảnh báo nhiều năm nay song chưa hết 'nóng'.
Đầu tư, kinh doanh thua lỗ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 DNNN, trong đó có 478 doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Tại thời điểm đầu năm 2023, tổng tài sản của DNNN trên cả nước đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm 2022. Tổng giá trị vốn nhà nước đang đầu tư tại các DNNN gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm 2022.
Dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (0,8%) trong nền kinh tế nhưng các DN 100% vốn nhà nước lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trong nền kinh tế. Qua công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát cho thấy, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ và còn không ít hạn chế, bất cập gây thất thoát, lãng phí.
Kết quả kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về Báo cáo tài chính năm 2022: Công ty mẹ - Saigontourist 10/10 công ty con lỗ lũy kế 505,84 tỷ đồng; Công ty mẹ - Saigontourist 16/30 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 1.006,23 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) có 06/18 công ty liên doanh liên kết lỗ lũy kế 1.000,53 tỷ đồng.
Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2023 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, một số DN, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm tiến độ, như: các công ty thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam hiện lỗ gần 300 tỷ đồng, lợi nhuận âm 144 tỷ đồng; Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn có nguy cơ dừng hoạt động do không thống nhất được về tái cấu trúc...
Kết quả kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về Báo cáo tài chính năm 2022 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 129 đơn vị thuộc 11 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) cũng cho thấy việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các DN còn nhiều hạn chế. Trong đó, một số đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ. Một số khoản đầu tư của các TĐ, TCT vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ.
Trước đó, Báo cáo kết quả thanh tra thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đánh giá, việc thực hiện yêu cầu chi tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước tại nhiều DN chưa đạt. Việc hạch toán không đúng kết quả sản xuất, kinh doanh, không đầy đủ doanh thu, không tăng đúng chi phí hoặc chuyển giá ra nước ngoài; đầu tư ngoài ngành sai quy định, không hiệu quả… gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn của DN.
Thoái vốn và những sai phạm gây thất thoát nguồn lực
Trong khi nhiều DNNN đầu tư thua lỗ, việc thực hiện CPH, thoái vốn DNNN - một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước - cũng trong tình trạng ì ạch, trở thành “điểm nghẽn” kéo dài nhiều năm nay. Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, tiến độ CPH DN chậm, kết quả hạn chế làm lãng phí nguồn lực, vốn nhà nước; việc xử lý thoái vốn của các DNNN còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Không chỉ chậm tiến độ, kết quả thanh tra, kiểm toán chỉ ra, quá trình thực hiện CPH, thoái vốn còn để xảy ra nhiều sai phạm trong định giá tài sản, xác định giá trị DNNN; sai phạm trong việc thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Nhiều DN phải chuyển cơ quan điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.
Ngày 12/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Tín Nghĩa trong quá trình CPH từ năm 2014 đến 2016. Mới đây, Thanh tra Chính phủ cũng công bố kết luận phát hiện nhiều sai phạm trong CPH và thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Tín Nghĩa (nay là Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa) và đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; kiến nghị thu nộp số tiền hơn 15 tỷ đồng.
Năm 2025, KTNN chuyên ngành VI sẽ thực hiện kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021” tại các TĐ, TCT có kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Dự kiến năm 2026, đơn vị sẽ thực hiện kiểm toán chuyên đề "Sắp xếp lại DNNN, DN có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ". Nội dung kiểm toán rất rộng và sâu, tuy nhiên, đơn vị sẽ nỗ lực, tập trung thực hiện kiểm toán đạt chất lượng tốt vì đó là trách nhiệm đối với Ngành, với xã hội.
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo
Kết quả kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH trong nhiều năm gần đây của KTNN cũng chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh. Đơn cử, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) Công ty mẹ loại tài sản không cần dùng khỏi giá trị DN và đề nghị điều chuyển, bàn giao không đúng quy định; tại Công ty mẹ (Tổng công ty Phát điện 2 - Genco2) một số đơn vị chưa mở sổ theo dõi, định giá tài sản tại thời điểm xác định giá trị DN, lập hồ sơ kiểm kê chưa đầy đủ, lập báo cáo tài chính và xử lý tài chính trước khi xác định giá trị DN chưa đúng quy định. Qua kiểm toán, KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 17.109,65 tỷ đồng theo phương pháp tài sản và kiến nghị tăng thu NSNN 806,58 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán năm 2019, 2020 về quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần cho thấy, một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án CPH, xây dựng phương án sử dụng đất không đầy đủ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chậm hoàn thành bán cổ phần và hoàn thiện thủ tục chuyển giao sang công ty cổ phần. Đáng chú ý, việc xác định kết quả kinh doanh từ thời điểm xác định giá trị DN đến khi chuyển thành công ty cổ phần chưa chính xác. Kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại các DN 1.593,44 tỷ đồng và kiến nghị tăng thu NSNN 505,97 tỷ đồng.
Trao đổi về tình trạng trên, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể về tình hình CPH, thoái vốn nhà nước tại DN; đồng thời, sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên), Chính phủ cần làm rõ những vướng mắc trong triển khai, nếu vướng mắc xuất phát từ cơ chế, chính sách thì cần sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, CPH, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại nhà, đất của DNNN. Đồng thời, đưa ra định hướng rõ ràng để các cơ quan đại diện chủ sở hữu xây dựng kế hoạch, phương án và triển khai thực hiện CPH, thoái vốn bảo đảm phù hợp, khả thi, không thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. “Phải xử lý nghiêm những trường hợp cố ý làm chậm, vi phạm quy định về CPH, thoái vốn nhà nước tại DN dẫn đến việc triển khai không đạt được yêu cầu đề ra” - đại biểu nhấn mạnh./.