Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Bí mật những ngày chuẩn bị vũ khí cho chiến dịch

Tại nhà ông Nguyễn Công Đường (SN 1948) ở ấp 58, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, các cựu chiến binh thuộc Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh lộc A đang uống trà xem tivi về màn nhào lộn của những chiến đấu cơ và ôn lại những ngày gian khổ mà anh dũng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Ông Nguyễn Công Đường (bên phải) và ông Nguyễn Minh Hùng là hai người chiến đấu ở hai chiến trường Tây Nguyên và Tây Nam, nay gặp nhau ở thành phố mang tên Bác.

Ông Nguyễn Công Đường (bên phải) và ông Nguyễn Minh Hùng là hai người chiến đấu ở hai chiến trường Tây Nguyên và Tây Nam, nay gặp nhau ở thành phố mang tên Bác.

Năm nay ông Nguyễn Công Đường đã 56 tuổi đảng, thương binh hạng 3/4, dù tuổi cao nhưng khi nói về những ngày kháng chiến thì tinh thần chiến đấu của ông vẫn hừng hực. Ông vén quần áo lên chỉ vào chân và bụng với nhiều vét sẹo, ông cho biết còn gần 30 mảnh mìn đang nằm trong người. Những mảnh nhỏ nằm trong cơ, trong thịt, việc phẫu thuật lấy ra rất khó khăn nên đành sống chung với nó. Trong chiến đấu, ông nhiều lần bị thương, có lần đạp phải mìn địch gài, ông bị đứt gân gót chân phải (gân Achilles), giờ phải đi cà nhắc, mỗi lần trái gió trở trời là đau nhức khắp người, nhất là những vết thương và phải chống nạng mới đi lại được.

Ông kể, năm 1965, lúc đấy 17 tuổi, đang học lớp 7, ông “xếp bút nghiên” xung phong đi thanh niên xung phong tham gia mở đường 15C phía Tây Thanh Hóa để bộ đội đi sang Lào vào miền Nam chiến đấu. Sau 3 năm đi thanh niên xung phong, tháng 6/1968 ông được đưa vào Sư đoàn 338 đóng quân tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Huấn luyện đến ngày 27/11/1968, ông cùng đồng đội hành quân trên đường Trường Sơn ròng rã nhiều tháng liền vào miền Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Ông hành quân trong đoàn phiên hiệu 2074 đến Tây Ninh tháng 1/1969 bị sốt rét điều trị tại đây. Sau khi khỏi sốt rét, đến tháng 9, ông được điều về Trung đoàn 88 di chuyển sang Campuchia rồi hành quân qua “cánh đồng chó ngáp” xuống Kênh 3 thuộc tỉnh Kiến Tường (nay là tỉnh Long An) vào tháng 2/1970. Đêm hôm ấy, Trung đoàn của ông hành quân qua rừng tràm Kênh Ngang thuộc tỉnh Kiến Tường, nhưng sáng sớm hôm sau thì bị lộ, địch cho máy bay bắn hỏa tiễn và ném bom làm thiệt hại nặng nề, nên đơn vị lập tức rút sang Campuchia củng cố lực lượng.

Năm 1971, Trung đoàn của ông quay về đánh Cứ điểm Chi khu Mỹ An nằm trên Lộ 30 thuộc tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp). Tiêu diệt căn cứ xong, đơn vị ông ở lại ngày hôm sau đánh chống địch càn, tiêu diệt 2 tiểu đoàn ngụy. Hai ngày sau, đơn vị của ông hành quân xuống xã Mỹ Thiện, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đánh tiêu diệt Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 của ngụy.

Ông kể: “Sau khi chống càn chiến thắng, người dân phấn khởi nấu cơm và thức ăn đem ra tiếp tế cho bộ đội. Cơm nắm, muối mè, trái cây, cứ 3 chú bộ độ 1 quả dưa hấu…, người dân trong nhà có thức ăn gì đều đem ra tiếp tế cho bộ đội”.

Cuối năm 1971, trong một trận đánh địch tại huyện Cái Bè, ông bị thương nên được đưa về đơn vị Hậu cần thuộc Tỉnh đội tỉnh Mỹ Tho (ở xã Tân Phước, huyện Châu Thành) để điều trị. Sau khi bình phục, ông được phân công phục vụ tại đơn vị hậu cần.

Đến năm 1972, ông cùng đồng đội chủ yếu đánh du kích tại các đồn bót của địch ở Bắc lộ 4 thuộc huyện Cai Lậy và Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Ông nhớ mãi cách đánh linh hoạt và thú vị có lẽ chỉ có quân đội ta mới có. Đó là buộc dây thun vào hai cây tràm, một người rút chốt quả lựu đạn và giữ chặt trong tay, một người khác ôm bụng người cầm quả lựu đạn kéo hết cỡ rồi thả quả lựu đàn cho bay vào đồn bót địch mới nổ. Rồi buộc quả đạn H12 lên máng sắt đặt trên cây Trâm hướng vào đồn bót giặc, rồi cho dây diện xuống đất và ngồi dưới gốc cây châm diện cho quả đạn bay vào đồn bót địch nổ tung mà địch không biết bắn từ đâu.

Năm 1973, quân ngụy quyền Sài Gòn lấn chiếm Ấp Bắc nên ông được đơn vị phân công tham gia đánh địch và ông bị thương nặng tại đây, được đưa về đơn vị điều trị. Cuối năm 1973, ông nhận được thông báo của đơn vị là sắp tới cán bộ lãnh đạo sẽ về họp tại Tỉnh đội Mỹ Tho chuẩn bị cho chiến dịch lớn, nên ông được cử cùng đồng đội phục vụ họp. Sau 3 ngày họp, ông được phân công đi cùng đồng chí Tỉnh đội phó là Bà 8 (lúc đấy chỉ gọi tên theo thứ) đến xã Tân bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho để làm công tác vận động dân công tải đạn, ông được phân công làm tổ trưởng tổ vận tải.

Ban đầu ông được giao phụ trách 10 người nữ dân công cùng với một nữ du kích tải đạn (vác vũ khí) từ xã Tân Bình qua sông Bảo Định, lên giữa xã Trung An và Trung Lương qua Bắc Lộ 4 để nhận vũ khí từ một đơn vị khác, sau đó đưa vũ khí về trong đêm, giấu cất tại xã Tân Bình. Khoảng cách từ điểm nhận vũ khí đến nơi cất giấu hơn 10km, tính cả đi và về khoảng hơn 20km. Hơn 10 ngày sau thì đơn vị cử một tiểu đội chuyên vận tải đạn, không sử dụng dân công địa phương nữa vì sợ bị lính chiêu hồi chỉ điểm. Việc vận chuyển vũ khí diễn ra nhiều tháng liền cho đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông cho biết, ngày 30/4/1975, tin chiến thắng nhanh chóng lan khắp nơi, không chỉ bộ đội vui mừng mà người dân cũng vui khôn xiết, nhiều người chạy đi loan tin: “Miền Nam giải phóng rồi bà con ơi!”.

Lính đặc công kể về trận đánh giải phóng Tây Nguyên và tiến về Sài Gòn

Còn ông Nguyễn Minh Hùng (SN 1952, ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), hiện ở ấp 6A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình chánh, TP Hồ Chí Minh, thuộc Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh lộc A cũng say sưa kể về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt.

Nhân dân tham gia mít tinh mừng giải phóng Mỹ Tho. (Ảnh tư liệu)

Nhân dân tham gia mít tinh mừng giải phóng Mỹ Tho. (Ảnh tư liệu)

Ông đi bộ đội năm 1972 (lúc ấy 20 tuổi) thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 61, Bộ Tư lệnh đặc công. Năm 1973, ông được chuyển về Đại đội 5, Tiểu đoàn 27, Bộ Tư lệnh đặc công, huấn luyện tại Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Tây. Năm 1974, ông cùng đồng đội được tăng cường cho chiến trường miền Nam, tham gia chiến đấu tại Tây Nguyên.

Ông nhớ lại những ngày đánh vào sân bay Hòa Bình ở Buôn Ma Thuột năm 1975, ông cùng đồng đội cả tuần nằm dưới hầm chờ lệnh tấn công, chờ mãi không thấy lệnh đánh, lúc ấy hết lương thực, đói quá nên ông cùng đồng đội lên rẫy xin thức ăn. Người dân nói rằng, sắn trồng ở đây mục đích là để bộ đội hành quân đến có cái để ăn mà đánh giặc. Vậy là sắn được bỏ vào ba lô đem về nấu ăn. Khoảng 5 - 6 ngày sau thì được lệnh đánh sân bay Hòa Bình, đồng chí tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 27 nói: “Các đồng chí sẵn sàn chiến đấu”.

Hôm ấy Tiểu đoàn 27 bộ đội đặc công đánh sân bay Hòa Bình, thấy có 4 xe tăng liên tục nã đạn vào bên trong, ông và đồng đội tưởng là xe tăng địch, nhưng nhìn kỹ thì thấy trên sườn pháo có huy hiệu xe tăng Quân Giải phóng nên mới ra dấu hiệu để không bắn nhầm. Lúc này Quân Giải phóng đánh các phía vào sân bay nên không thể biết cụ thể.

Có một điều bất ngờ trong trận đánh sân bay Hòa Bình là địch nằm dưới hầm ngầm. Sau khi tiêu diệt nhiều quân địch, tưởng chiến thắng, nhưng bất ngờ bị bắn trả từ những bao cát được dựng lên. Lúc này mới biết trong sân bay có hầm ngầm, khi quân ta tấn công, địch chui vào hầm ngầm, sau đó địch dựng những bao cát lên phản công bất ngờ về phía quân ta. Sau 3 ngày chiến đấu, Quân Giải phóng đã tiêu diệt nhiều tên địch và chiến thắng.

Ông Hùng cho biết, lúc tấn công vào hầm ngầm, quân ta bắt được 10 đại tá ngụy và nhiều quân lính. Sau đó bộ đội đặc công giao lại cho Quân đoàn 1 tiếp quản. Dự định đánh vào Đà Lạt nhưng nhận được tin dân quân du kích nổi dậy giải phóng rồi nên bộ đội đặc công cùng Quân đoàn 1 tiến xuống Sài Gòn.

Khi đến gần cầu Sông Bé (tỉnh Sông Bé cũ) vào ngày 29/4/1975, một nữ dân quân du kích chèo ghe nhỏ đến nói: “Các chú giải phóng ơi, nó treo quả mìn ngay trên cầu, các chú ra nhanh không là giật giây nổ đấy”. Khi ông cùng đồng đội chạy đến thì cầu đã bị mìn nổ làm gãy. Sau đó Quân Giải phóng cùng dân quân du kích địa phương đánh địch làm chúng thua chạy tan tác, ta bắt sống nhiều tên giặc. Ngày 30/4/1975, tỉnh Sông Bé được giải phóng, bộ đội đặc công và Quân đoàn 1 tiếp tục tiến về đánh địch ở Sài Gòn. Lúc này, bộ đội đặc công được giao nhiệm vụ đi theo bảo vệ các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương vào chỉ huy chiến đấu giải phóng Sài Gòn.

Trưa 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong niềm vui sướng vô hạn.

Năm 1976, ông làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 23, bộ đội đặc công tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tháng 12/1976, ông cùng nhiều đồng chí khác xin ra Bắc, rồi ông xin phục viên về quê Hà Tĩnh. Sau này, ông đưa gia đình vào TP Hồ Chí Minh sinh sống cho đến nay.

Sau 50 năm giải phóng, đất nước ta ngày càng được xây dựng giàu đẹp hơn, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Để có được điều đó, chúng ta mãi mãi biết ơn công lao của những người đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/bai-7-ngay-giai-phong-qua-loi-ke-cua-nhung-nguoi-tham-gia-chien-dau-i764327/