Bài 3: Mở rộng hình thức kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT)

Xu thế tất yếu

Việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Chi phí bán hàng thấp, thị trường rộng, kiểm soát hàng hóa dễ dàng... Đây là xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng.

Tại Hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tham gia hoạt động TMĐT tại Quảng Ninh trong khuôn khổ Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2022, ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, việc phát triển sàn TMĐT là xu hướng tất yếu hiện nay, vì vậy, các địa phương cần xây dựng được cho mình một thương hiệu sàn TMĐT riêng để thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Nhiều hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại dịch vụ tham gia hoạt động thương mại điện tử được Sở Công Thương Quảng Ninh tổ chức

Nhiều hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại dịch vụ tham gia hoạt động thương mại điện tử được Sở Công Thương Quảng Ninh tổ chức

Hiện tỉnh Quảng Ninh đã có 267 sản phẩm OCOP được giới thiệu trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn. Thời gian vừa qua, hoạt động thương mại điện tử được triển khai tích cực. Các sở, ngành đã tham mưu tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021 tại Quảng Ninh; tổ chức thông tin trên 50 chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh tới các hiệp hội, doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu để chủ động đăng ký tham gia; hỗ trợ 28 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện việc phân phối hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử trong nước, như: HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An, Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh, Công ty CP Nước mắm Cái Rồng Vân Đồn, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, hộ kinh doanh cơ sở sản xuất Bảo Khang. Đến nay, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh hiện đang quảng bá, giới thiệu 383/499 sản phẩm tham gia chương trình OCOP Quảng Ninh (trong đó có 179/267 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên).

Muốn phát triển sản phẩm của mình doanh nghiệp phải đưa thông tin sản phẩm lên đa kênh, bán hàng trực tiếp trên sàn TMĐT. Thực tế, nhờ sàn TMĐTtôi đã đưa được thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng và bán rất tốt trên sàn TMĐT”- Bà Cao Hồng Vân – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV New Star, chia sẻ.

Tạo thị trường ổn định

Thay vì phương thức bán hàng truyền thống như: Mang ra chợ, bán cho thương lái… hiện người sản xuất chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh kết nối với internet có thể đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Để cung cấp sản phẩm OCOP trên các sàn TMĐT, đơn vị sản xuất chỉ cần có giấy chứng nhận, đăng ký sản phẩm, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên quan đến sản phẩm như: Hình ảnh, giá bán… Đến thời điểm này, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh được đưa lên giao dịch tại các sàn TMĐT và đã thu hút được một lượng khách hàng nhất định. Trong đó, một số sản phẩm được khách hàng trong, ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn và đặt mua nhiều như: Mắm ruốc, cá thu một nắng, nước mắm sá sùng, chè hoa vàng hay mực khô…

Nhiều hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại dịch vụ tham gia hoạt động thương mại điện tử được Sở Công Thương Quảng Ninh tổ chức

Một số sàn TMĐT lớn hiện nay như: Tiki, Lazada... có điểm ưu việt là tích hợp chức năng thanh toán online, vận chuyển giao hàng tận tay. Khách hàng có thể lựa chọn hình thức thanh toán qua thẻ, phần mềm thanh toán như: VNPT pay, COD (trả sau khi nhận hàng...) cũng như các ứng dụng ví điện tử phổ biến hiện tại. Trong các kỳ hội chợ, VNPT và các nhà cung cấp cũng đã thiết lập mã QR để khách hàng thanh toán điện tử mà không cần dùng tiền mặt. Ngoài giao hàng nhanh, sàn cũng cung cấp đầy đủ dịch vụ bởi VNPT Post và về sau có thể là Viettel Post... giúp đa dạng nguồn giao.

Ngành Công Thương Quảng Ninh đã tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho các chủ thể OCOP; mời đại diện các sàn TMĐT lớn về trao đổi, hướng dẫn cách thức để đưa sản phẩm lên sàn thuận tiện nhất; thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng an toàn, hiệu quả, chất lượng...

Được biết, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất; tăng cường hỗ trợ để đưa những sản phẩm OCOP tham gia các sàn TMĐT lớn.Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần được sớm khắc phục khi đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT như: Một số sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt có thời hạn bảo quản ngắn, không phù hợp với điều kiện vận chuyển về thời gian; một số sản phẩm thủy sản, rau củ… có điều kiện đặc thù cần bảo quản đông lạnh trong thời gian vận chuyển không thể vận chuyển qua đường bưu chính nên khó được thông qua để tham gia trên một số sàn TMĐT uy tín trong nước; việc kinh doanh một số sản phẩm rượu OCOP của tỉnh trên sàn TMĐT không được chấp nhận…

Ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu hết năm 2022, 100% các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn được phân phối trên sàn TMĐT, từ đây, người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể mua sản phẩm OCOP Quảng Ninh một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua TMĐT chiếm 10-20% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của tỉnh, đạt tốc độ tăng bình quân 15-20%; phấn đấu 40-50% số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước.

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-3-mo-rong-hinh-thuc-kinh-doanh-226759.html