Bài 2: Thúc đẩy văn hóa đọc trong công nhân
Với quan điểm xuyên suốt 'ở đâu có công nhân, ở đó có điểm sinh hoạt văn hóa', các điểm sinh hoạt văn hóa đã cung cấp những tiện ích phù hợp như chỗ nghỉ ngơi, thư giãn, đọc sách... Qua đó, nâng cao kiến thức pháp luật cũng như bồi đắp đời sống tinh thần cho người lao động.
Nơi bồi đắp thêm tri thức đời sống cho công nhân
Là người có thâm niên làm tại Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long, Đông Anh) đã hơn 15 năm, chị Nguyễn Phương Thanh, bộ phận Kiểm tra chia sẻ cảm xúc vui mừng khi chứng kiến những đổi thay rõ rệt trong việc chăm lo đời sống công nhân lao động kể từ khi góc sinh hoạt văn hóa công nhân được đưa vào hoạt động.
Góc sinh hoạt văn hóa cho công nhân của Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam được bố trí nhiều tiện ích khác nhau: ti vi màn hình lớn để mọi người giải trí, nghe nhạc hay hát karaoke; phát wifi miễn phí; phòng cũng được lắp điều hòa, bố trí ghế dựa để mọi người có thể nghỉ ngơi, thư giãn, chợp mắt lúc nghỉ giữa ca; ở góc khác không gian xanh mát, dịu mắt bởi các chậu cây cảnh được bố trí đan xen...
Đặc biệt, điểm nhấn của góc sinh hoạt văn hóa công nhân chính là các tủ sách công đoàn với nhiều đầu sách cung cấp thông tin pháp luật, đời sống, kinh tế-xã hội, hoạt động Công đoàn, các chế độ chính sách với công nhân.
"Thay vì đi hỏi hoặc tra google, công nhân chúng tôi đã được tiếp cận trực tiếp những kiến thức hữu ích, cần thiết. Bằng việc cập nhật thông tin nhiều hơn, ý thức hiểu biết xã hội của chúng tôi đã được nâng lên. Đồng thời, góc nghỉ ngơi, thư giãn được bố trí hợp lý tạo không gian yên tĩnh, mát mẻ, thay từ ghế băng bằng ghế bành để chúng tôi nằm nghỉ ngơi... Tất cả đã tạo môi trường yên tĩnh để tái tạo sức lao động, bồi đắp đời sống tinh thần cho công nhân. Môi trường làm việc này khiến chúng tôi thêm yêu công việc, gắn với với công ty" - chị Thanh bày tỏ.
Cùng với việc thành lập góc sinh hoạt văn hóa công nhân tại doanh nghiệp, các cấp Công đoàn TP đã thành lập điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại cộng đồng, nơi có đông công nhân lao động sinh sống.
Tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ở thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (khánh thành tháng 7/2024), ông Nguyễn Tiến Vạn - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Mai Châu, xã Đại Mạch bày tỏ cảm kích trước sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn để nhân dân và khoảng 2.500 công nhân lao động được thụ hưởng lợi ích từ Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.
Điểm sinh hoạt văn hóa này được trang bị các dụng vụ đơn giản, sử dụng, đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của mọi lứa tuổi…
Chị Nguyễn Thị Hải, công nhân Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam (đang sinh sống trên địa bàn thôn Mai Châu, xã Đại Mạch) rất phấn khởi khi điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại địa bàn đi vào hoạt động bởi, ở đây được trang bị các dụng vụ tập luyện thể dục thể thao đáp ứng được nhu cầu của chị. "Điều này thể hiện sự quan tâm, chăm không chỉ về đời sống vật chất mà còn chăm lo cả sức khỏe cho công nhân lao động của tổ chức Công đoàn" - chị Nguyễn Thị Hải chia sẻ.
Lan tỏa văn hóa đọc trong đơn vị, doanh nghiệp
Có thể thấy, điểm nhấn của các điểm sinh hoạt, góc sinh hoạt văn hóa công nhân chính là những Tủ sách Công đoàn được trang bị khá đa dạng đầu sách, nhằm trang bị, nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật, xã hội, giải trí... cho công nhân. Dưới sự định hướng của Công đoàn các công ty, người lao động sẽ tiếp cận đúng và trúng những tài liệu, sách báo phù hợp nhu cầu. Điều này không chỉ tạo được hiệu quả cung cấp kiến thức cho công nhân lao động mà góp phần duy trì, thúc đẩy, lan tỏa văn hóa đọc đang ngày càng mai một.
Chia sẻ về những ích lợi của Tủ sách Công đoàn, anh Trần Văn Thông, công nhân Công ty TNHH TOTO Việt Nam cho rằng, Tủ sách Công đoàn không chỉ góp phần cải thiện đời sống văn hóa tinh thần mà còn giúp công nhân, người lao động tiếp cận được với những kiến thức mới, những thông tin bổ ích - nhất là kiến thức về pháp luật lao động và những chế độ, chính sách liên quan đến người lao động. Từ đó, công nhân, người lao động có thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong quan hệ lao động và thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động.
Còn chị Lê Thị Tuất, bộ phận may, Công ty TNHH Maxcore (xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa) bày tỏ sự vui mừng trước sự quan tâm của tổ chức Công đoàn khi trang bị tủ sách với các đầu sách pháp luật, văn học, kỹ năng sống... để chị tìm hiểu nâng cao hiểu biết, học hỏi và giải trí.
Điểm đáng chú ý là các Tủ sách Công đoàn được đặt tại các công ty, đơn vị đều có sự hỗ trợ của LĐLD TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, việc thành lập Tủ sách Công đoàn cho công nhân lao động thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo cho đoàn viên, công nhân lao động; đồng thời thúc đẩy văn hóa đọc cho công nhân. Bởi vậy, để Tủ sách Công đoàn vận hành có hiệu quả, công đoàn các đơn vị cần có trách nhiệm bảo quản, tuyên truyền, triển khai tới toàn thể đoàn viên công đoàn, người lao động được biết, khai thác, đọc sách, báo đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Đồng thời vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động cùng góp những cuốn sách hay của cá nhân để Tủ sách ngày càng đa dạng, lan tỏa văn hóa đọc trong đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam cho biết, với mong muốn nâng cao kiến thức pháp luật, tạo điều kiện cho công nhân có không gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, Công đoàn Công ty đã trang bị thêm các đầu sách pháp luật, sách cung cấp kiến thức về đời sống, sức khỏe, đồng thời, bổ sung cây xanh, bể cá tạo không gian, cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Ở góc sinh hoạt văn hóa công nhân, mọi người có thể tổ chức sinh nhật nhỏ theo nhóm để công nhân có địa điểm giao lưu.
Cùng với đó, góc sinh hoạt văn hóa cũng là điểm nhấn để tạo môi trường sinh hoạt cộng đồng cho công nhân trong công ty. Tại đây, công ty chia từng nhóm sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề để tạo sự tương tác, xóa đi khoảng cách, tạo môi trường làm việc thân thiện, kết nối mọi người với nhau.
(Còn nữa...)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-thuc-day-van-hoa-doc-trong-cong-nhan.html