Bài 2: Sợi dây cố kết cộng đồng

Sinh hoạt lễ hội chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần người Hà Nội. Làng/phố có hội, ai nấy thu xếp việc riêng để lo hội, xem hội, với niềm tự hào, niềm tin thiêng liêng và biết ơn các bậc tiền nhân.

Vinh dự và tự hào

Từng được coi là “vựa lúa” lớn nhất của thủ đô, vào mồng 8 tháng Giêng hàng năm, làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) tổ chức lễ hội rước xôi dâng lên thành hoàng làng là Thủy Hải Long Vương. Dù nay đã đô thị hóa, Tây Mỗ không còn ruộng, nhưng trong sâu thẳm con người nơi đây vẫn tôn trọng truyền thống, mỗi dịp Tết đến Xuân về, dân làng nhớ công ơn của Thành hoàng và dâng lên ngài tấm lòng của mình qua cỗ xôi, để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Má phấn môi son, trai giả gái múa bồng, tự hào được phô diễn nét đẹp truyền thống của lễ hội làng Triều Khúc. Ảnh: Thảo Nguyên

Ông Đỗ Trọng Đức, Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử làng Tây Mỗ cho biết, phường có 6 tổ dân phố, các tổ dân phố luân phiên hàng năm làm lễ dâng xôi. Năm nay tổ dân phố Lò đảm trách lễ. Từ trước Tết, tổ dân phố đã bình chọn gia đình đủ các tiêu chí như gia đình đức độ, nền nếp, song toàn, con cháu phương trưởng, được dân làng yêu mến…

Ông Trần Đăng Hiệp, làng Tây Mỗ, vinh dự nói: “năm nay gia đình tôi được dân làng đề cử, các tiêu chí đều đạt, tổ dân phố quyết định cho làm lễ rước xôi dâng lên Thành hoàng làng; đây là niềm vui lớn đối với gia đình vì đến đời tôi mới có vinh dự ấy. Từ trước Tết gia đình đã chọn gạo thổi xôi; chuẩn bị đến ngày lễ hội, gia đình tôi mang đồ lễ từ đình về để bao sái, trang trí cho long trọng...”.

“Lễ hội là ngày hội chung của mọi người. Toàn dân vào cuộc, ai cũng hồ hởi” - ông Lê Thế Mọc - Quyền trưởng Tiểu ban tổ chức lễ hội làng Mọc - Quan Nhân (quận Thanh Xuân) khẳng định. Gia đình có nhiều thế hệ tham gia góp sức xây dựng đình làng, ông Lê Thế Mọc tiết lộ: “năm nay, dòng họ chúng tôi có cháu trưởng được chọn làm khởi chỉ trong lễ hội năm làng Mọc. Cả đời người chỉ được làm khởi chỉ một lần, vô cùng vinh dự. Sau khi dân làng chọn, người làm khởi chỉ ra đình học lễ, rồi dạy các cháu khiêng kiệu...”. Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Mọc vừa thông báo đã có người xin nhận dâng toàn bộ lẵng hoa ở đình trong, đình ngoài, trên lễ đài, và cho biết “phải đăng ký trước kẻo hết lượt, đồng thời lên danh sách để mọi người có thể cung tiến thứ khác”.

Từ bao đời nay, người Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) luôn tự hào, hãnh diện bởi chiến công và sự linh thiêng độ thế của Thành hoàng làng - Anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; đồng thời gìn giữ điệu múa bồng gắn với lễ hội truyền thống của làng. Anh Bùi Văn Hảo, thành viên Đội múa bồng cho biết: “chúng tôi rất tự hào về lịch sử địa phương mình, về điệu múa mình tham gia, về truyền thống văn hóa của Triều Khúc; chúng tôi mong muốn lưu giữ, quảng bá để điệu múa này được mọi người biết đến”.

Không chỉ những người con của làng, ông Nguyễn Đình Năng, Phó Ban Từ đình Quan Nhân cho biết, làng Quan Nhân thực tế có 49 dòng họ, sau này thêm 5 dòng họ bách tính của những con người xa xứ đến và coi đây là quê hương thứ hai. Hòa nhập với nếp sống của làng, họ tích cực đóng góp xây dựng đình và tham gia lễ hội...

Gắn bó đất và người

Không linh đình như lễ hội cấp vùng hay quốc gia, hội làng là sợi dây bền chặt kết nối đời sống tinh thần của cộng đồng. Những tích xưa chuyện cũ, nghi thức tôn nghiêm và giá trị thuần Việt nối đời là minh chứng cao nhất cho sự hòa hợp và phồn vinh của làng xã. Mạch ngầm ấy góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Như lời ông Lê Thế Mọc, làng Mọc - Quan Nhân cho biết: “dù gọi là phố, nhưng ở đây chúng tôi vẫn gắn bó tình làng nghĩa xóm, nhà nọ nhà kia thường sang giúp đỡ nhau. Có lẽ chính điều ấy là sợi chỉ đỏ để duy trì lễ hội 5 làng Mọc từ xưa đến giờ. Cứ theo tập tục của làng, ông bà, cha mẹ giữ nếp, con cháu tiếp nối, học tập, phát huy”.

Lễ hội giúp tất cả cùng lắng lại, trở về nơi sâu thẳm thiêng liêng để thêm khẳng định những giá trị trân quý trong mỗi con người; bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, ở Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), là một người con của dòng họ Nguyễn Mục ở đất Mọc. Đây là dòng họ được vua ban chữ “Thanh, Bạch, Môn, Phong” tức là dòng họ có danh, có đức trong làng. Bà cho biết, nhân ngày hội chính, ai ai trong dòng họ cũng đều rất phấn khởi. “Đây là dịp để nhân dân 5 làng Mọc và các làng anh em gắn kết. Cũng nhân cơ hội tổ chức lễ hội, lớp những người lớn tuổi chúng tôi truyền lại cho các con các cháu giữ truyền thống gia đình, truyền thống dòng họ, truyền thống lịch sử 5 làng Mọc”.

Ngay cả với những người tứ xứ đến sinh sống và làm việc ở Hà Nội cũng tích cực đóng góp và tham gia hội làng. Anh Mai Ngọc Thọ, làng Mọc - Quan Nhân, chia sẻ, là con rể của làng Mọc, như bao nhiêu con người tứ xứ đến đây, ở đây, anh cũng gắn bó, vui niềm vui chung, lo công việc chung của người dân nơi này. “Hội làng Mọc năm nay, tôi tham gia đội múa lân sư rồng, đoàn rước kiệu. Ấn tượng nhất là khi đoàn kiệu đi qua các đường phố, con ngõ, nhìn hai bên bà con bày đèn nhang, mâm cỗ bái vọng đức Thánh. Nhiều nhà trong số đó gốc gác từ nhiều làng quê khác đến đây làm ăn, sinh sống. Có lẽ, họ cũng như tôi, theo cách của mình, mượn ngày lễ hội mà thể hiện niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống và thêm keo sơn, gắn kết với nơi này, dù không sinh ra và lớn lên ở đó”.

Tiếng trống rộn ràng, đường phố chật lối đi nhưng ai cũng kiên nhẫn đứng sát bên đường, nhường cho đoàn rước kiệu đi qua. Có người gác lại phần công việc buổi sớm để dừng lại, chiêm bái, dõi theo, có người vui thích hòa vào dòng người theo sau kiệu rước. Dù mục đích chính là dự hội hay không, người ta vẫn muốn bắt nhịp, thả lòng thành kính để hòa cùng bầu không khí của phố phường ngày hội. Hội làng trong phố Hà Nội, vì vậy, mang hương sắc rất riêng, trở thành điểm hội tụ thiêng liêng của đất trời, lòng người. Lễ hội, cũng như giá trị truyền thống được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau như một mạch nguồn chảy mãi.

“Trong không khí mùa xuân tươi đẹp, ngay giữa phố phường đông vui nhộn nhịp, không gian mái đình làng, giếng làng vẫn cứ đọng lại mãi trong tâm hồn mỗi người. Ngày lễ hội, chúng tôi được hòa mình vào cảnh sắc làng quê xưa, nghĩ về những phong tục truyền thống, thêm yêu, thêm trân trọng, gìn giữ giá trị văn hóa quê hương”, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, làng Tây Mỗ, nói.

Thảo Nguyên - Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-2-soi-day-co-ket-cong-dong-i323634/