Bài 2: Nhiều điểm sáng nhưng vẫn còn bất cập

Chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã đang được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước. Đây là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập không chỉ đơn thuần là bài toán về tổ chức hành chính, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc củng cố và nâng cao văn hóa công vụ – một yếu tố mang tính nền tảng, quyết định chất lượng thực thi công vụ ở cơ sở.

Người dân đang làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất tại bộ phận một cửa huyện Tuyên Hóa.

Người dân đang làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất tại bộ phận một cửa huyện Tuyên Hóa.

Trong bối cảnh đó, văn hóa công vụ – thể hiện qua tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, ý thức kỷ luật, tôn trọng quy trình, chuẩn mực ứng xử... đang trở thành thước đo phản ánh rõ nét năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bởi nếu bộ máy có được tinh gọn nhưng con người không thay đổi tư duy, cách làm việc không cải tiến, thì mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ cũng khó đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hơn bao giờ hết, tại thời điểm này, văn hóa công vụ không chỉ là yêu cầu chuyên môn mà còn là thước đo phẩm chất và tinh thần phụng sự. Đây chính là thời điểm để mỗi cán bộ, công chức, viên chức thể hiện rõ năng lực, đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt là bản lĩnh chính trị – sự kiên định, vững vàng trước các thay đổi.

Với mục đích nghiên cứu thực tiễn nhằm phản ánh thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp, Tạp chí Văn hóa và Phát triển triển khai chuyên đề “Văn hóa công vụ tại các cơ quan hành chính nhà nước”, nhằm góp phần cùng UBND huyện Tuyên Hóa tuyên truyền, nâng cao văn hóa công vụ trong hoạt động công vụ, từ đó phục vụ Nhân dân trên địa bàn huyện được tốt hơn.

Tận tụy nhưng vẫn còn bất cập

Người dân đang làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Tuyên Hóa.

Người dân đang làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Tuyên Hóa.

Ngày 10/4, phóng viên (PV) đã khảo sát, ghi nhận thực tế hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận một cửa huyện Tuyên Hóa và UBND các xã, thị trấn: Đồng Lê, Phong Hóa, Mai Hóa, Tiến Hóa. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, bên cạnh những điểm sáng đáng ghi nhận, vẫn còn tồn tại hạn chế trong ứng xử, trong phương pháp giải quyết công việc cũng như sự chủ động đổi mới để hướng tới phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Theo ghi nhận, tại bộ phận một cửa huyện Tuyên Hóa, số lượng người dân đến làm thủ tục hành chính nhìn chung không nhiều. Tại đây, các cán bộ vẫn duy trì nền nếp làm việc nghiêm túc, tích cực hỗ trợ hướng dẫn người dân hoàn thiện những thủ tục cần thiết theo đúng quy định, nhằm đảm bảo quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ được thuận lợi, đúng quy trình. Tuy nhiên, có trường hợp người dân đến ngày hẹn nhận kết quả nhưng phải ra về vì cán bộ phụ trách hồ sơ vắng mặt, không bố trí người thay thế để xử lí công việc cho người dân.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trung, trú tại xã Hương Hóa cho biết: "Trước đây, trong sổ đỏ của tôi ghi theo số chứng minh nhân dân cũ. Bây giờ do chuyển sang căn cước công dân gắn chip nên tôi phải làm thủ tục chỉnh lý lại thông tin. Trong giấy hẹn ngày 10/4 đến nhận kết quả, nhưng khi đến thì lại được thông báo chưa có, bảo ngày mai quay lại. Tôi cũng không rõ lý do vì sao hôm nay chưa nhận được, chỉ nghe nói là giờ chưa được ngày mai vào lấy. Nhà tôi từ xã Hương Hóa vào đây cũng hơi xa".

Khi PV hỏi lý do vì sao cán bộ phụ trách hồ sơ lại vắng mặt thì một cán bộ đang làm việc tại đây cho biết: “Mỗi cán bộ ở đây phụ trách 3 đến 4 xã, cán bộ phụ trách hồ sơ đi đo đạc một buổi thì về chứ không phải đi nhiều ngày, phải tranh thủ thời gian chứ không là đi không kịp, hai ngày nay sếp họp, họ đang trình mà ký chưa được”.

Lý giải này phần nào cho thấy áp lực công việc và khối lượng xử lý thủ tục hành chính đang đè nặng lên một số cán bộ chuyên môn. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra vấn đề trong việc phân bổ nhân lực, tổ chức công việc khoa học và giữ đúng cam kết về thời gian với người dân. Trong bối cảnh bộ máy hành chính đang tinh gọn, việc đảm bảo chất lượng phục vụ và hạn chế tối đa sự bất tiện cho người dân càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Không để tâm lý ảnh hưởng đến công việc

Ông Hoàng Vĩnh Lợi, Chủ tịch xã Phong Hóa đang hướng dẫn người dân về quy trình để thực hiện thủ tục đăng kí chuyển mục đích sử dụng đất.

Ông Hoàng Vĩnh Lợi, Chủ tịch xã Phong Hóa đang hướng dẫn người dân về quy trình để thực hiện thủ tục đăng kí chuyển mục đích sử dụng đất.

Khảo sát thực tế tại các đơn vị hành chính như UBND thị trấn Đồng Lê, UBND các xã Phong Hóa, Mai Hóa, Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) cho thấy, trước đó, khi có thông tin sáp nhập tỉnh, xã, tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức từng có phần dao động. Việc sắp xếp lại bộ máy, thay đổi vị trí việc làm, thậm chí là nguy cơ bị tinh giản, ít nhiều đã tác động đến tinh thần của đội ngũ tại cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Bích Lan, công chức Văn hóa – xã hội xã Mai Hóa cho biết: “Trước đó khi có thông tin sáp nhập, tâm lý củng có hơi hụt hẫng một tí nhưng sau đó thấy các công văn, các hướng dẫn của Chính phủ, Trung ương, lãnh đạo cơ quan thì tâm lý của anh chị em dần được ổn định, tư tưởng xác định còn một ngày làm việc củng phục vụ người dân hết mình, không phải vì sáp nhập mà sao lãng, lơ là công việc”.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Vĩnh Lợi, Chủ tịch xã Phong Hóa cũng khẳng định: "Ban đầu, khi có thông tin sáp nhập xã, tâm lý của anh em cán bộ, công chức cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ được định hướng tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ và tuyên truyền đầy đủ, tinh thần làm việc đã nhanh chóng ổn định trở lại. Các hoạt động chuyên môn không bị gián đoạn, tiến độ và chất lượng công việc vẫn được đảm bảo".

Riêng về công tác cải cách hành chính, trong năm 2023 và 2024, Phong Hóa là một trong những xã có kết quả cao trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của địa phương, ông Lợi cho biết thêm.

Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quán triệt rõ ràng về tư tưởng và nhiệm vụ, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức đã dần ổn định trở lại. Các hoạt động phục vụ người dân vẫn được triển khai đều đặn, không bị gián đoạn. Cán bộ vẫn giữ vững tinh thần trách nhiệm, thái độ tận tụy trong công việc, thể hiện rõ nét phẩm chất và bản lĩnh của người làm công vụ trong bối cảnh chuyển động của bộ máy hành chính.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch xã Mai Hóa cho biết: “Các hộ gia đình trên địa bàn xã đa số đến làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, đất đai hồ sơ rất là nhiều, người ta công chứng và làm các giấy tờ liên quan trước khi sáp nhập, ngoài ký tay thì anh em củng trực cả ngày trên máy để ký điện tử, quan điểm của lãnh đạo xã thì quán triệt đội ngũ cán bộ thì chia tách lúc nào thì chia tách, còn nhiệm vụ của mình là làm việc cho người dân, đảm bảo giờ giấc làm việc và quy chế công vụ”.

Thời điểm để đánh giá đúng năng lực, đạo đức, bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức,viên chức

Cán bộ, công chức, viên chức tại UBND xã Tiến Hóa đi làm sớm hơn giờ quy định.

Cán bộ, công chức, viên chức tại UBND xã Tiến Hóa đi làm sớm hơn giờ quy định.

Theo ghi nhận của PV, phần lớn người dân đều đánh giá cao tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện khi đến làm thủ tục hành chính. Chính sự nhiệt tình trong tiếp dân, giải thích cặn kẽ các bước thực hiện thủ tục, đã giúp người dân cảm thấy yên tâm và hài lòng. Một số đơn vị, khối lượng hồ sơ khá nhiều, phải làm tăng ca đến đêm để hỗ trợ cho người dân. Một số cán bộ, công chức, viên chức đi làm sớm và đúng giờ quy định.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Sơn, công chức Tư pháp – hộ tịch xã Tiến Hóa cho biết: "Xã chúng tôi là một trong những địa bàn có khối lượng hồ sơ hành chính khá lớn, một số giấy tờ như tờ khai đăng kí khai sinh, khai tử, kết hôn… thì đúng ra người dân phải viết tay nhưng để tiết kiệm thời gian hướng dẫn nhiều người và trường hợp người dân viết sai nên anh chị em hỗ trợ đánh máy. Một số ngày hồ sơ nhiều nên nhiều khi anh chị em phải làm thêm tới tận đêm để kịp giải quyết cho người dân. Theo quy định, một số thủ tục thì cần hẹn sang ngày khác, nhưng nếu có thể hỗ trợ được thì anh em cũng cố gắng hoàn thành luôn trong ngày”.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang thủ tục hành chính số hóa cũng gặp một số khó khăn ban đầu. Hệ thống phần mềm xử lý phải vận hành đúng mới thực hiện được các bước tiếp theo. Thời gian chờ xử lý khiến một số người dân chưa hiểu rõ quy trình có tâm lý cho rằng cán bộ gây khó dễ. Nhưng đến nay, đa số người dân đã nắm được quy trình và thông cảm, phối hợp tốt hơn với cán bộ trong quá trình giải quyết thủ tục, ông Sơn cho biết thêm.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, ông Hoàng Trọng Tài, Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa cho rằng: "Thời điểm này chính là lúc tốt nhất để đánh giá và sàng lọc đội ngũ cán bộ. Ai làm việc thế nào, bản lĩnh ra sao, chỉ cần nhìn vào cách họ xử lý công việc trong giai đoạn hiện tại là thấy rõ. Có người đã cống hiến lâu năm, nay kỳ vọng được bổ nhiệm, được ghi nhận; có người làm bán chuyên trách mười mấy, hai chục năm nay, đang chờ một suất biên chế. Nay sáp nhập, chắc chắn sẽ có tâm tư, dao động. Nhưng lãnh đạo xã đã quán triệt tư tưởng rõ ràng: một ngày còn hưởng lương là một ngày phải làm tròn trách nhiệm. Đây là lúc phải tập trung cao độ, rà soát công việc thật kỹ, đảm bảo chất lượng và tinh thần phục vụ cao nhất cho đến khi sáp nhập xong xuôi, mình bàn giao lại thì cũng có thể yên tâm, không để lại điều gì dang dở”.

Bà Trần Thị Huệ rất hài lòng về cách làm việc của cán bộ UBND xã Mai Hóa.

Bà Trần Thị Huệ rất hài lòng về cách làm việc của cán bộ UBND xã Mai Hóa.

Từ những chia sẻ thực tế tại cơ sở, có thể thấy văn hóa công vụ không chỉ được thể hiện qua thái độ tận tụy, tinh thần trách nhiệm trong phục vụ nhân dân, mà còn là khả năng thích ứng với những yêu cầu đổi mới của nền hành chính hiện đại. Trong bối cảnh chuyển đổi số, khi nhiều thủ tục hành chính phải thực hiện trên môi trường điện tử, cán bộ, công chức không chỉ làm đúng quy trình, mà còn phải giải thích, hướng dẫn để người dân hiểu và phối hợp thực hiện. Ở đây, văn hóa công vụ không đơn thuần là “thái độ ứng xử”, mà trở thành một năng lực chuyên môn mới, đòi hỏi sự kiên trì, linh hoạt, nhẫn nại và thấu cảm với người dân. Thực tế cũng cho thấy, khi bộ máy hành chính bước vào giai đoạn chuyển động – như sáp nhập đơn vị hành chính hay số hóa quy trình xử lý – thì chính phẩm chất nghề nghiệp, đạo đức công vụ và sự vững vàng về tư tưởng sẽ là điểm tựa quan trọng để giữ ổn định hoạt động, duy trì niềm tin nơi người dân.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bai-2-nhieu-diem-sang-trong-cong-tac-cong-vu-nhung-van-con-bat-cap-a28285.html