Bài 2: Cần cơ chế đột phá để dòng vốn đến đúng nơi cần

Vốn là 'dòng máu' nuôi sống doanh nghiệp, nhưng với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, tiếp cận vốn vẫn là bài toán nan giải. Từ yêu cầu tài sản bảo đảm đến thủ tục vay phức tạp, nhiều rào cản đang khiến dòng vốn không thể đến đúng nơi cần. Trong bối cảnh hiện nay, việc tháo gỡ nút thắt tài chính cho các doanh nghiệp không chỉ là nhu cầu cấp thiết, mà còn là điều kiện tiên quyết để khu vực này bứt phá, đóng góp bền vững vào nền kinh tế.

Dòng vốn chưa đến được nơi cần nhất

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 7 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm trước, chiếm 44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 10,7%, chiếm 17,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó trong tiếp cận vốn tín dụng.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó trong tiếp cận vốn tín dụng.

Con số này cho thấy dòng tín dụng vẫn đang được phân bổ có chọn lọc, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa dù chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ nhận được chưa đầy 1/5 tổng lượng vốn cho vay toàn thị trường. Đáng chú ý, hiện có 208.992 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có dư nợ vay vốn ngân hàng, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác vẫn “đứng ngoài cuộc chơi” tín dụng, không thể tiếp cận được nguồn vốn để duy trì hoặc mở rộng hoạt động.

Nêu rõ thực trạng trong tiếp cận nguồn vốn tại Tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân”, ông Nguyễn Đức Xuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hà Thành cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay có thể được ngân hàng hỗ trợ nhiệt tình để mở tài khoản ở ngân hàng, nhưng để vay vốn thì không dễ dàng.

“Chẳng hạn, nếu công ty trúng 2-3 gói thầu cung cấp thiết bị y tế trị giá khoảng 50 tỷ đồng, nhưng vì không có vốn, chúng tôi muốn tìm đến ngân hàng. Song, do không có tài sản bảo đảm, việc tiếp cận vốn là rất khó khăn”, ông Nguyễn Đức Xuân chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đức Xuân, ngoài tài sản bảo đảm, ngân hàng có phương án khác là yêu cầu doanh nghiệp chứng minh được việc trúng thầu, nhưng việc chứng minh cũng không đơn giản bởi chủ đầu tư không thể đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp trúng thầu vay vốn. Do đó, công ty sẽ phải tìm phương án là “dựa” vào một doanh nghiệp lớn, có năng lực về kinh tế, có nghĩa là bản thân doanh nghiệp mất cơ hội phát triển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mạnh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Nhà Hà Nội cho biết, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vô cùng khó khăn vì với hoạt động liên quan đến xây dựng, đầu tư công, vốn ngân sách nhà nước thường giải ngân rất chậm. Do đó, hơn 10 năm nay, Công ty không tiếp cận được vốn ngân hàng, phải sử dụng nguồn vốn tự có và huy động từ nguồn vốn vay bên ngoài, nguồn liên doanh liên kết với đối tác khác để cùng nhau chia sẻ lợi nhuận

“Chúng tôi đã tiếp cận ngân hàng nhiều lần nhưng điều kiện cho vay với chúng tôi rất khó khăn, mặc dù công ty có tài sản bảo đảm. Khi trúng thầu công trình lớn, công trình Nhà nước, công ty sẽ chia sẻ với doanh nghiệp khác để liên doanh, liên kết, chia sẻ lợi nhuận, bảo đảm đủ về vốn. Đó là giải pháp chúng tôi khắc phục nhiều năm qua”, ông Mạnh lý giải.

Ngọn núi” án ngữ bước tiến của doanh nghiệp

Có thể thấy, tiếp cận vốn tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là “ngọn núi cao” mà hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn phải gồng mình chinh phục mỗi ngày.

Chia sẻ rõ hơn về thực trạng này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội thẳng thắn nhận định, tiếp cận vốn là một trong những điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tồn tại và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội. Ảnh: Quang Thái.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội. Ảnh: Quang Thái.

Theo ông Mạc Quốc Anh, trong thời gian qua, Hiệp hội đã tiếp nhận hàng loạt phản ánh và kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là về những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các kênh tài chính chính thức. Những rào cản này không còn là vấn đề đơn lẻ, mà đã trở thành “nỗi lo chung” cản trở sức bật của hàng vạn doanh nghiệp, những tế bào quan trọng của nền kinh tế.

Khảo sát năm 2024 của Hiệp hội cho thấy, 67% doanh nghiệp hội viên gặp khó khi tiếp cận vốn. Những nguyên nhân chính bao gồm: thiếu tài sản đảm bảo, lãi suất cao, quy trình phê duyệt phức tạp và kéo dài. Không ít doanh nghiệp chưa thể chứng minh hiệu quả kinh doanh một cách minh bạch, khoa học. Khoảng 60% chưa thực hiện kiểm toán độc lập, nhiều đơn vị vẫn dùng sổ sách kế toán thủ công. Điều này khiến ngân hàng lo ngại rủi ro tín dụng, dẫn đến từ chối cho vay hoặc giải ngân rất hạn chế.

Khó khăn cũng đến từ chính hệ thống pháp lý và cơ chế hỗ trợ chưa đồng bộ. Khung pháp lý về bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ vốn còn manh mún, thiếu phối hợp giữa các cấp. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành từ năm 2017 nhưng đến nay, nhiều chính sách vẫn chỉ nằm trên giấy. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến cuối năm 2024 chỉ đạt 30-35% tổng vốn được cấp, con số cho thấy sự bất cập trong vận hành và điều phối giữa các cơ quan liên quan.

Ở chiều ngược lại, tâm lý e dè từ phía ngân hàng cũng là rào cản lớn. Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng và thị trường bất động sản trầm lắng, ngân hàng trở nên thận trọng hơn, ưu tiên khách hàng lớn, ít rủi ro. Chi phí vay vốn cũng là một gánh nặng đáng kể, khi lãi suất cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện dao động 9-12%/năm, cao hơn trung bình ASEAN từ 2-4 điểm phần trăm. Với doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới công nghệ hay theo đuổi mô hình xanh, đây là áp lực tài chính “ngộp thở”.

Tiếp cận vốn không chỉ là việc được vay hay không, mà là năng lực chứng minh sự minh bạch, chuyên nghiệp và đáng tin cậy với nhà băng. Nhưng để làm được điều đó, doanh nghiệp cần một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện từ chính sách, dữ liệu đến hạ tầng tài chính.

“Nếu không khơi thông kịp thời, việc tiếp cận vốn sẽ tiếp tục là lực cản lớn nhất đối với khu vực kinh tế tư nhân, nơi đang đóng góp hơn 40% GDP và tạo ra hơn 85% việc làm cho xã hội,” ông Mạc Quốc Anh cảnh báo.

Cần trợ lực từ chính sách để thoát “vòng xoáy” thiếu vốn

Trước những rào cản trên, ông Mạc Quốc Anh nhận định, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là bước đột phá chính sách quan trọng, đặc biệt với yêu cầu “hoàn thiện mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trung ương và địa phương". Đây được xem là giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp có tiềm năng nhưng thiếu tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn.

Tuy nhiên, hiện nay, các Quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương hoạt động còn rất khiêm tốn, quy mô nhỏ, cơ chế phê duyệt rườm rà, thiếu phối hợp với các ngân hàng thương mại. Do đó, ông Mạc Quốc Anh đề xuất thống nhất mô hình tổ chức Quỹ bảo lãnh tín dụng trên toàn quốc. Theo đó, cần ban hành một nghị định riêng về mô hình hoạt động của các quỹ này theo hướng trao quyền tự chủ, linh hoạt trong phê duyệt và quản lý rủi ro, đồng thời chịu sự giám sát trực tiếp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với đó, cần tăng vốn điều lệ cho các quỹ, có thể thông qua vốn đối ứng hoặc ngân sách địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp lớn bảo lãnh chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn theo hợp đồng đã ký. Chấp nhận rủi ro hợp lý, xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng, Quỹ và Nhà nước. Ứng dụng công nghệ, như AI và dữ liệu lớn trong đánh giá tín dụng và kiểm soát rủi ro. Kết nối Quỹ với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp từ các bộ ngành để tạo hệ sinh thái tín dụng đồng bộ…

“Nếu những đề xuất này được triển khai đồng bộ, chúng tôi tin rằng hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ trở thành cánh tay nối dài của chính sách tài khóa - tiền tệ, giúp khơi thông hiệu quả dòng vốn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp đang khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và hướng đến mô hình kinh tế xanh - bền vững trong thời gian tới”, ông Mạc Quốc Anh bày tỏ.

Có thể khẳng định, khoảng trống tài chính với doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá lớn. Rào cản chủ yếu do tài sản thế chấp hạn hẹp. Ngoài ra, chi phí tuân thủ cao, hồ sơ vay mất khá nhiều thời gian. Chính vì vậy, các chính sách ưu tiên tín dụng trong Nghị quyết số 68-NQ/TW có ý nghĩa như “trục xoay” để chuyển mô hình cho vay từ “thế chấp - kiểm soát” sang “dữ liệu - đồng hành”, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa giải bài toán chi phí vốn, đồng thời, thúc đẩy ngân hàng - FinTech liên kết sâu hơn.

Từ thực tiễn, cộng đồng doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều đề xuất, như: Xây dựng “Cửa sổ bảo lãnh xanh - số”, bảo lãnh tối đa 80% giá trị khoản vay cho dự án tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi số, có báo cáo đo lường ESG; Áp dụng cơ chế “bảo lãnh ngược” với doanh nghiệp dẫn dắt và tập đoàn trong nước đứng ra bảo lãnh chuỗi cung ứng cấp 2-3; Lập Quỹ dự phòng rủi ro và bảo hiểm bảo lãnh tín dụng trích 15% phí bảo lãnh vào quỹ dự phòng...

Thanh Hằng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-2-can-co-che-dot-pha-de-dong-von-den-dung-noi-can.html