Bài 1: Kiến tạo một nền giáo dục vì con người, vì dân tộc
Lời Tòa soạn: Mới đây, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong tầm nhìn tổng thể phát triển lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội bản sắc Việt Nam, cuốn sách nhấn mạnh, 'Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu…'.Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài viết của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản xung quanh vấn đề quan trọng này.
TS. Nhị Lê
Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản
Khi đã xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu phát triển đất nước thì không thể không nói đến triết lý phát triển nó. Nghĩa là, nếu thiếu triết lý phát triển nhất định sẽ thiếu tầm viễn kiến, thiếu chiến lược phát triển và rốt cuộc nhất định thiếu… thành công.
Lịch sử thế giới xác tín: Mọi quốc gia hùng cường trên thế giới hiện nay đều lấy nền tảng giáo dục làm căn bản và thực sự đầu tư cho giáo dục và đầu tư đúng hướng. Tôi nhớ, Leibniznói: "Ai làm chủ giáo dục có thể thay đổi thế giới". Và, F.Baconcũng nói: “Tri thức là sức mạnh".Làm trái những lẽ sơ giản ấy, quốc gia rất khó phát triển.

Nguồn: ITN
Ở nước ta, vào thế kỷ XIII, nhà vua Quang Trung từng viết trong Chiếu Lập học, rằng: "Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài”.Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) từng tổng kết 5 nguy cơ dẫn đến mất nước: “Một là: Trẻ không kính già; hai là: Trò không trọng thầy; ba là: Binh kiêu tướng thoái; bốn là: Tham nhũng tràn lan; và năm là: Sĩ phu ngoảnh mặt”. Như thế, trong 5 nguy cơ suy vong ấy của quốc gia, có tới 3 nguy cơ trực tiếp thành hậu họa của đất nước, lại bắt đầu từ giáo dục.
Nói cách khác, rộng hơn và sâu hơn, từ những chỉ giáo của lịch sử, qua thực tiễn để chúng ta cùng suy nghĩ và bàn định, hy vọng thống nhất về tầm nhìn, những nguyên tắc hướng dẫn hành động về giáo dục - đào tạo, để làm tốt hơn công việc mà cả vạn gia đình tin cậy, xã hội ủy thác, mà gần một thập kỷ trước (năm 2014) Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra và gần đây lại tái khởi xướng.
Đó chính là triết lý giáo dục hiện nay, vì và cho ngày mai.
Học trò phải là trung tâm của toàn bộ công việc giáo dục
Giáo dục và kiến tạo một nền giáo dục vì con người và vì dân tộc là một vấn đề có ý nghĩa cốt tử đối với đất nước, mệnh hệ đối với mỗi gia đình và quyết định sự thành bại đối với toàn xã hội, cả hiện tại và tương lai.
Phải chăng giáo dục phổ thông bao hàm các cấp học để bắt đầu dạy và đào tạo trẻ em tập thành người và trở thành người trưởng thành ban đầu? Nhà trường là nơi đào tạo ban đầu, có tính nền móng để các em trở thành các công dân tốt cho một xã hội dân chủ chứ không phải để “khoe thành tích”, hay luyện ra những con “gà nòi” đi thi, chỉ để cung cấp cho cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động sau này. Cổ nhân ta nói: “Nhân bất học bất tri lý” (Người không học không biết nghĩa lý ở đời).
Trường học phải là nơi rất bình đẳng, mọi học sinh đều được hưởng những cơ hội ngang nhau, để trẻ em tự do phát triển cá tính tự nhiên, nguyện vọng và tài năng tiềm ẩn nảy nở. Nghĩa là những trẻ em đi học, dù có xuất thân và tố chất khác nhau, nhưng đều được hưởng không chỉ những cơ hội và yêu cầu về “đầu ra” ngang nhau mà ở đó được các em được tôn trọng, với niềm tin công bằng và sự đối xử một cách nhân văn.
Từ đó, phải chăng phương châm của công tác giáo dục mà chúng ta hành xử gồm 8 chữ:Bình đẳng - Tôn trọng - Công bằng - Kỷ cương - Niềm tin. 8 chữ này phải chăng chúng quán xuyến và xuyên suốt toàn bộ các mối quan hệ đa chiều, phức tạp và rất tinh tế, đòi hỏi rất nghiêm cách: giữa học trò với học trò, học trò với lớp, giữa học trò với thầy, cô giáo; giữa những người làm công tác giáo dục cùng nhau và với nhà trường; giữa nhà trường với gia đình học sinh; giữa học sinh - nhà trường - gia đình và xã hội, và ngược lại…?
Chẳng hạn, tuyệt đối tin trẻ. Tin rằng mỗi trẻ em đều có khả năng riêng.
Lại chẳng hạn, “đạo đức từ nhà trường = tự lực cánh sinh”, từ “thầy công bằng” đến “trò cống hiến”; giáo dục tư duy “tự lập” để học trò khởi đầu từ bậc học phổ thông mà hình thành tinh thần chủ động, kích thích tư duy phản biện, khả năng sáng tạo và hành động học tập suốt đời sau khi rời ghế nhà trường…
Ai là nhân vật trung tâm của nền giáo dục?
Một cách tự nhiên, nếu mục tiêu và phương châm của nền giáo dục phổ thông nói riêng, của toàn bộ nền giáo dục chúng ta nói chung mang đậm chất Nhân bản - Trải nghiệm - Thực tế, thì hoàn toàn có thể nói, nhân vật trung tâm của toàn bộ công tác giáo dục phổ thông ở đây là học trò?
Vì, chỉ có “lấy học trò làm trung tâm” thì công tác giáo dục mới có thể nhằm cân bằng và phát triển hoàn bị 3 yếu tố cần thiết để trẻ em được chuẩn bị chủ động bước vào xã hội sau này là: Tính cách cá nhân (tính cách, thái độ, các mối quan hệ, nhân cách) - Tính chuyên nghiệp (tri thức, khả năng tư duy) và Tính thực tiễn (cách thức vận dụng, khả năng sáng tạo).
Và, vì chỉ có lấy “học trò làm trung tâm”, thì các hoạt động giáo dục dù ở phương diện nào của toàn bộ công tác giáo dục mới thực sự giàu tính trải nghiệm, chia sẻ, trách nhiệm một cách nhân bản và thấm đẫm tinh thần cộng đồng và tinh thần hành động.
Nói một cách khác, học trò phải là trung tâm của toàn bộ công việc giáo dục mà tất cả phải xoay chung quanh các em, chứ không phải ngược lại, các em xoay như đèn cù thậm chí cả những gì ít liên quan tới giáo dục, chỉ là ngoại diên của công việc giáo dục.
Những ai chủ đạo làm nên nền giáo dục?
Tôi hình dung lại và tự mình đã trải nghiệm, thông thường gánh nặng thi cử được chia sẻ lên vai trước hết của thầy cô, người trực tiếp dạy các em ở trường, rồi cha mẹ, bạn bè cùng lớp của các em. Thầy cô dạy cho trẻ nghĩa vụ giúp bạn vượt khó vì đó là giá trị “đạo đức”; đồng thời, cũng là cơ hội để cả học sinh yếu tiến bộ, còn học sinh giỏi trải nghiệm và rút kinh nghiệm được nhiều điều từ người bạn của mình.
Rõ ràng: Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi. Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn.
Trách nhiệm của thầy cô với học sinh rất cao, được thể hiện thông qua môi trường học tập, thầy cô xây dựng cho trẻ trải nghiệm; mối quan hệ tương trợ của thầy cô với trẻ em ngoài giờ học; sự kết hợp giữa thầy cô với phụ huynh để giúp trẻ vượt khó khăn và phát triển toàn diện. Năng lực của thầy cô giáo được đánh giá thông qua những thành quả hiện hữu, những sáng kiến đột phá, mức độ đóng góp vì cộng đồng… của các em học sinh mà họ giảng dạy (chứ không phải chỉ ở những điểm số thuần túy). Thực tiễn luôn cho thấy: Người thầy trung bình chỉ biết nói, Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng. Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng và giáo viên của các trường học được phân bố theo các xã, huyện, thị và luân chuyển thường xuyên để bảo đảm rằng không có bất kỳ sự độc quyền nào tồn tại. Chưa kể việc phân bổ tài chính, y tế, khuyến học… từ Chính phủ, trực tiếp là chính quyền cũng rất công bằng, nhằm hình thành tư duy công bằng trong suy nghĩ của trẻ. Vì thế, “Nhà trường phải luôn luôn có chủ trương tạo cho học trò một cá tính cân đối, chớ không nên biến chúng thành một nhà chuyên môn",như nhà bác học thiên tài A. Einstein nói.
Để thực hiện triết lý này, nội dung và phương pháp giáo dục môn nghiên cứu xã hội được nhấn mạnh: học sinh làm trung tâm, thầy cô giáo là người dẫn dắt chủ đạovà nhấn mạnh giá trị trải nghiệm từ các bài học hơn là nhồi nhét kiến thức. Nếu một ông thầy mà không dạy cho học trò được việc ham muốn học tập thì chỉ là "đập búa trên sắt nguội" mà thôi.
Thử hình dung, nếu trong các lớp học, học sinh sớm được giáo viên dạy rằng “không có chân lý đúng vĩnh viễn”, thì các em sẽ khác sự thụ động và chịu trận nhồi nhét kiến thức một chiều xưa nay. Nếu các bài học thầy cô đưa ra đều được “trích nguồn”, cổ vũ các em tìm thêm nguồn thông tin, góc nhìn, phát hiện vấn đề mới, thì các em chắc chắn không thể ngồi yên, càng không thể thụ động. Ở đây,nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh; sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức nào hay bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác. Và, như thế càng rõ ràngrằng: Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học.
Đồng thời, thầy cô thường xuyên trao đổi, tư vấn cho bậc cha mẹ chủ động dạy cho con họ tính tự lập, ngay trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày; sự kết hợp giữa thầy cô với các bậc phụ huynh để giúp trẻ vượt khó khăn và phát triển toàn diện. Các bậc cha mẹ cũng được nhà trường quan tâm, tư vấn cách thức chăm sóc, phương pháp giáo dục, giúp con trẻ vượt qua khó khăn ở ngay tại nhà. Điều này giúp xóa bỏ đáng kể các sự khác biệt xuất phát từ bên ngoài nhà trường, để mọi học sinh đều có xuất phát điểm gần như nhau; hạn chế tư tưởng ganh ghét và đố kỵ hay phân biệt giai tầng xã hội xuất hiện trong đầu trẻ khi trẻ chưa đủ nhận thức. Tất cả các mối quan hệ này cốt để cho học trò hiểu rằng: Phải tôn kính thầy cô giáo dạy mình, bởi lẽ nếu cha mẹ cho ta sự sống thì chính các thầy cô giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng, tử tế. Tối thiểu là như thế!
Những ai cho và vì sự nghiệp giáo dục, căn bản nằm ở chính những chỗ đó và các mối quan hệ chủ yếu đó, nói không quá thì đã là thành công một nửa rồi!