Bài 1: Giải bài toán trong các ngành công nghiệp

Các ngành công nghiệp như sản xuất thép, xi măng, năng lượng, hóa chất, thực phẩm…, vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn về phát thải

Theo báo cáo NDC năm 2022, các quá trình công nghiệp (IP) trong kiểm kê khí nhà kính BAU và các biện pháp giảm nhẹ, dự kiến đến năm 2030, lượng phát thải của IP là 140,3 triệu tấn CO2tđ, chiếm 14,4% trong tổng lượng phát thải quốc gia năm 2020. Đặc biệt, ngành năng lượng có lượng phát thải lớn nhất, chiếm 37,6% tổng lượng phát thải quốc gia.

Các nhà máy nhiệt điện gặp nhiều thách thức khi chuyển đổi năng lượng

Theo đó, để thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0”, NDC cập nhật năm 2022 đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8% và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43% so với kịch bản phát triển thông thường BAU.

Cụ thể, đối với IP, mục tiêu đóng góp không điều kiện giảm 27,9 triệu tấn CO2tđ, đóng góp có điều kiện giảm 49,8 tấn CO2tđ, với các biện pháp: Chuyển đổi, sử dụng phụ gia khoáng thiên nhiên thay thế clinker; sử dụng phụ gia là phế thải từ các ngành công nghiệp thay thế clinker; áp dụng công nghệ tốt nhất (cải tiến công nghệ BOF) để giảm phát thải N2O cho ngành hóa chất; áp dụng công nghệ tốt nhất để giảm phát thải trong ngành thép; sử dụng các môi chất lạnh thân thiện với khí hậu; thu hồi, tái chế và tiêu hủy các chất HFCs.

Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng đặt mục tiêu giảm 64,8 triệu tấn CO2tđ không có điều kiện chỉ bằng các nguồn lực tự có trong nước như: Vốn vay, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp và đầu tư của người dân; đóng góp có điều kiện khi được quốc tế hỗ trợ thêm tài chính thích hợp và đầy đủ thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại… giảm 227,0 tấn CO2tđ.

PGS.TS Nguyễn Xuân Huy - Chuyên gia năng lượng, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, có một số ngành công nghiệp chịu trách nhiệm thải một lượng lớn khí các-bon vào khí quyển gồm: Sản xuất thép, xi măng, hóa chất, nhựa và giấy. Chính phủ đã có mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng đến năm 2030. Cụ thể, mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng 10,89% trong ngành xi măng, 5 - 16,5% ngành thép, trên 10 % ngành hóa chất và 21,55 - 24,81% ngành nhựa. Những mục tiêu này rất quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon của các ngành công nghiệp ra môi trường, tuy nhiên, “phương án giảm bằng cách nào vẫn còn bế tắc" - PGS.TS Nguyễn Xuân Huy nói.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp?

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Thịnh - Phòng Kỹ thuật, Tổng công ty Xi măng Việt Nam - cho biết, chi phí sử dụng năng lượng chiếm 30 - 40% tổng giá trị sản xuất. Hiện, giá năng lượng đang cao có thể chiếm đến 50% chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, để sử dụng chất thải là nhiên liệu trong lò nung xi măng hiện nay còn vướng bởi thủ tục cấp giấy phép mất thời gian và các quy định, chính sách chưa đồng bộ, không có quy định cho việc hỗ trợ chi phí xử lý chất thải trong sản xuất xi măng... Điều này dẫn đến các đơn vị sản xuất xi măng khó tham gia đồng xử lý chất thải.

Theo ông Lương Đức Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện, đã có một số doanh nghiệp sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, tận dụng nhiệt thải lò nung phát điện, giảm chi phí năng lượng trong các khâu sản xuất. Hàm lượng clinker trong xi măng Việt Nam đã đạt mức trung bình thấp của thế giới, khoảng 70 - 75%, nên khó giảm tiếp. Với giảm năng lượng nung, có thể thực hiện bằng cách cải tạo lò, thay đổi phối liệu… Thêm vào đó, có thể đốt rác thay than đá giúp giảm phát thải, thu lại nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, chuyển đổi công nghệ làm đòn bẩy...

Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho rằng, khó khăn chính là công nghệ đốt trộn amoniac hiện nay trên thế giới chưa hoàn thiện, mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm; chưa có nhà máy nào ở Việt Nam cải tiến, thử nghiệm đồng đốt amoniac, có đánh giá về tính kinh tế, kỹ thuật và các ảnh hưởng tác động đến con người, môi trường và thiết bị. “Đó là chưa kể đến khả năng cung cấp nhiên liệu amoniac/sinh khối trong giai đoạn hiện nay của các đơn vị trong nước và trên thế giới còn hạn chế, chưa đảm bảo nguồn nguyên liệu sinh khối, ammoniac để vận hành lâu dài và ổn định…” - ông Tài Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ý kiến từ các chủ đầu tư khác như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Phát điện 1,2,3, cùng các chủ đầu tư khác đều băn khoăn về giá biomass trên thị trường cao hơn giá than. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế chính sách về hỗ trợ giá chuyển đổi cho nhà máy thực hiện đồng sinh khối, ammoniac để các nhà máy mở rộng thử nghiệm, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu lầu dài và chất lượng, hay như việc chuyển đổi nhiên liệu mới có ảnh hưởng đến công nghệ hiện hữu của nhà máy?

Một số khó khăn, vướng mắc cũng được các chủ dự án nhà máy nhiệt điện đốt than đưa ra như: Thủ tục cấp phép; chi phí đầu tư cải tạo, nâng cấp lớn; giá thành sản xuất điện sẽ có xu hướng tăng và tính hiệu quả kinh tế không cao; khả năng thu hồi vốn của dự án…

Bài 2: Lợi thế cho "người dẫn đầu"

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-giai-bai-toan-trong-cac-nganh-cong-nghiep-267272.html