Bài 1: Có thế mạnh nhưng...

Là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận đất đai với mọi người dân với những quy định liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện quy hoạch phân vùng, tập trung ruộng đất phục vụ hiện đại hóa trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; khuyến khích các thành phần kinh tế khai hoang, phục hóa, khai thác có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chúng ta vẫn chưa thực sự phát huy được thế mạnh một phần do sự vướng mắc từ quy định pháp luật.

Bài 2: Vướng từ những quy định pháp luật
Bài cuối: Tháo rào cản

90% đất nông nghiệp thuộc các hộ

Sản xuất nông nghiệp hiện được thực hiện dưới các hình thức phổ biến như hộ sản xuất nông nghiệp, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp… với khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông dân sản xuất nhỏ, các trang trại và 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Nhóm có quy mô sản xuất nhỏ dưới 0,2 ha chiếm khoảng 35%; nhóm có quy mô trên 2 ha chiếm khoảng 6%.

Gần đây, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn khác nhau theo cơ chế hành chính như cho thuê đất, dồn điền đổi thửa. Ở một số địa phương, chính quyền địa phương đứng ra điều hành việc tập trung đất cho các doanh nghiệp thuê; hoặc theo cơ chế dân sự (người nông dân, doanh nghiệp tự thương thảo với nhau trong khuôn khổ luật pháp quy định. Nhà nước chỉ là người đưa ra các chính sách, các quy định và bảo đảm tính hợp pháp của những thỏa thuận đó).

Đã có những cánh đồng lớn được hình thành

Đã có những cánh đồng lớn được hình thành

Thực tiễn cho thấy, chính sách đất đai hiện hành cũng như các chính sách hỗ trợ khác của các ngành, lĩnh vực có liên quan đã mở ra cơ hội, tạo cơ chế phù hợp để tập trung ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; khuyến khích các thành phần kinh tế khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích đất nông nghiệp trên nguyên tắc tuân theo quy hoạch và bảo đảm an toàn lương thực. Nhà nước cũng đề ra các chính sách cụ thể cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, vừa khuyến khích sản xuất hàng hóa vừa kiểm soát được việc chuyển mục đích sử dụng đất.

Bà Thái Thị Quỳnh Như, Viện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, kinh nghiệm đối với tập trung đất nông nghiệp để phát triển sản xuất hàng hóa tại một số nước trên thế giới cho thấy các quốc gia đều có đặc điểm chung là quản lý thông qua tác động chính sách tới sử dụng đất nông nghiệp cho phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ. Trong đó, chú trọng đến những điểm như: Nhà nước có chính sách đất đai để tạo điều kiện cho quá trình tập trung ruộng đất nhằm hình thành các mô hình trang trại có quy mô lớn hơn và hiệu quả sản xuất nông nghiệp cao hơn (Mỹ, Hà Lan); Nhà nước có các chính sách hỗ trợ về tín dụng, tài chính đối với các mô hình sử dụng đất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).

Nhưng chưa phát huy

Tất cả các cơ chế, hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất nêu trên đều nhằm tăng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả và sản lượng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều mô hình thành công nhưng cũng có nhiều mô hình chưa đem lại hiệu quả như mong muốn do sản xuất nông nghiệp luôn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên mức độ rủi ro cao. Câu chuyện “được mùa rớt giá” và tìm đầu ra cho nông sản ở những vùng chuyên canh quy mô lớn vẫn đang là vấn đề không đơn giản đối với cả người nông dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và cơ chế, chính sách về tích tụ, tập trung đất đai của Nhà nước trong Luật Đất đai năm 2013 còn nhiều bất cập, vướng mắc nên các nhà đầu tư chưa thực sự yên tâm trong quá trình thực hiện…

Khi đã tích tụ được ruộng đất thì vướng vào trình độ canh tác

Khi đã tích tụ được ruộng đất thì vướng vào trình độ canh tác

Thời gian qua, đã nhiều hình thức tập trung ruộng đất để xây dựng hợp tác xã nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ vốn để sản xuất và bao tiêu đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang gặp không ít khó khăn do trình độ canh tác của các hộ nông dân không đồng đều nên sản phẩm làm ra không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, năng suất không ổn định, trong khi doanh nghiệp lại không quyết định được chất lượng sản phẩm và quá trình sản xuất trên đất đai của nông hộ. Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi gia cầm Minh Tâm, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang Trần Văn Phúc cho hay, không tìm được đất nên buộc Hợp tác xã phải đang liên kết với 20 nhóm hộ trồng 60 ha dưa chuột trên địa bàn các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang và Chiêm Hóa. Như vậy, vì không thể tích tụ được ruộng đất, Hợp tác xã đã xoay hướng sang tích tụ sản phẩm bằng cách liên kết hợp tác sản xuất với các nhóm hộ.

Đại diện Liên minh Đất đai (Landa) Nguyễn Đức Thịnh cho biết thêm, trong khi đó, tình trạng nông dân bỏ ruộng xảy ra ở nhiều địa phương do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ có năng suất bấp bênh, lao động vất vả mà thu nhập thấp, dẫn đến nhiều vùng đất đai bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên của đất nước. Khi ruộng đất bị bỏ hoang, sản xuất nông nghiệp của nông hộ không hiệu quả thì một số cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có vốn đứng ra thu mua đất đai của nông dân nghèo, biến người nông dân trở thành lao động làm thuê ngay trên chính mảnh đất của mình.

Phạm Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/bai-1-co-the-manh-nhung--i303720/