Bác sĩ liệt một cánh tay vẫn khát khao chữa bệnh cứu người

Những năm tháng tuổi trẻ, bác sĩ Thân Văn Hiền đã gắn bó với huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng để chữa bệnh, cứu giúp nhiều đồng bào thoát khỏi cửa tử.

Nhưng rồi biến cố cuộc đời dồn dập, không lâu sau ngày vợ anh Hiền mất, căn bệnh quái ác ập đến khiến anh bị tê liệt một cánh tay, đôi chân tập tễnh. Với nghị lực và khát khao chữa bệnh cứu người, anh Hiền vẫn âm thầm giúp đời theo cách riêng của mình...

Giành giật sự sống cho người bệnh

Một ngày nắng đẹp, theo dòng sông Gâm hiền hòa như dải lụa vắt ngang bờ vai mềm của cô gái Nùng trẩy hội, Trung tá Thân Văn Hiền trở về thăm lại đơn vị cũ là Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 799, Quân khu 1 ở huyện Bảo Lạc. Đang miên man dòng hoài niệm, anh Hiền giật mình bởi tiếng gọi: “Bác sĩ Hiền phải không? Em là Lương đây. Anh còn nhớ em không?” “Hà Văn Lương người dân tộc Tày ở bản Chàng Hạ, xã Hưng Thịnh từng mổ gan phải không?” Nhận ra ân nhân, anh Lương sụt sùi, cay cay khóe mắt...

Chuyện là, một buổi tối tháng 6-2003, trời tối đen như mực, nghe tin một bệnh nhân bị dao đâm vào vùng gan, đang được đưa đến Bệnh viện huyện Bảo Lạc, anh Hiền lao như “ma đuổi” ra bến sông Gâm. Tháng 6, nước thượng nguồn đổ về cuồn cuộn. Phải làm sao đây? Ở lại thì bệnh nhân nguy kịch, đi tiếp thì hiểm nguy khôn lường. Đúng lúc ấy, già Hổ chèo mảng đi qua liền gọi thêm 3 thanh niên to khỏe trong bản Nà Pằn đưa anh Hiền qua sông. Bệnh nhân là anh Hà Văn Lương đang nằm thoi thóp, quần áo bê bết máu. Anh Hiền yêu cầu đưa ngay lên bàn mổ, tiến hành hồi sức chống sốc, đếm mạch, đo huyết áp, vừa lấy máu xét nghiệm, vừa tiến hành phẫu thuật. Ca mổ kéo dài đến gần sáng. Khi bệnh nhân Lương đã qua cơn nguy kịch, bác sĩ Hiền mới làm bệnh án.

 Bác sĩ Thân Văn Hiền gặp lại anh Hà Văn Lương tại trụ sở Đoàn KT-QP 799, tháng 1-2023.

Bác sĩ Thân Văn Hiền gặp lại anh Hà Văn Lương tại trụ sở Đoàn KT-QP 799, tháng 1-2023.

Anh Hiền tâm sự: “Đó là lần đầu tiên tôi cầm dao mổ cho bệnh nhân mà chưa có bệnh án. Không phải chúng tôi không biết nguyên tắc, nhưng ở Bảo Lạc thời điểm ấy, nguyên tắc cao nhất là cứu sống được bệnh nhân nhanh nhất có thể”. Hệ thống cơ sở y tế lạc hậu, đội ngũ cán bộ thiếu, trước mỗi tình huống, các y sĩ, bác sĩ phải xử lý bằng cả lòng dũng cảm, quyết đoán, thậm chí mạo hiểm để giành giật sự sống cho người bệnh... Ví như, trường hợp một sản phụ bị suy thai, nếu chuyển ra tỉnh xa hơn trăm cây số thì không kịp. Giám đốc bệnh viện đã quyết định mổ lấy thai để cứu sản phụ; phân công anh Hiền làm phẫu thuật viên chính. Ca phẫu thuật được tiến hành khẩn trương, mổ lấy được bé gái nặng hơn 3kg. Bé không khóc. Anh Hiền liền thực hiện các động tác hỗ trợ hô hấp. Cháu bé cất tiếng khóc chào đời. Cả kíp mổ vỡ òa sung sướng.

Anh Thân Văn Hiền sinh năm 1966 tại Bắc Giang, là con út trong gia đình có 3 người con, mẹ mất khi anh còn bé. Bố anh làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Anh Hiền tâm sự: “Tôi nhìn thấy các bạn cùng trang lứa có mẹ sao mà thèm đến thế. Có lúc vì nhớ mẹ quá nên tôi ngồi khóc một mình”. Và cũng vì lời căn dặn của mẹ trước lúc ra đi: “Các con hãy cố học nghề y để cứu chữa cho mọi người”, nên anh Hiền quyết theo nghề thầy thuốc. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, anh về công tác tại Sư đoàn 338 (nay là Đoàn KT-QP 338), Quân khu 1, sau đó về Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 110 (Cục Hậu cần Quân khu 1). Năm 36 tuổi đang là phẫu thuật viên chính của Bệnh viện thì anh Hiền nhận lệnh lên đường về Đoàn KT-QP 799 làm Bệnh xá trưởng Bệnh xá quân dân y kết hợp.

Anh Hiền nhớ lại: “Ngay buổi chiều đầu tiên có mặt tại Đoàn KT-QP 799, đồng chí Đoàn trưởng đã chở tôi sang một khu đồi um tùm cây cối đang dựng mấy ngôi nhà tạm. Đoàn trưởng chỉ tay và bảo: “Bệnh xá quân dân y của các cậu ở đây”. Lúc này, tôi hình dung ra công việc của mình là phải tự làm nhà để ở, tự trồng rau để ăn và phải tự làm mọi thứ để cứu sống đồng bào”. Quả thật, ngay từ chuyến đi đầu tiên, anh Hiền đã cảm nhận được sự gian khó. Đường sá đi lại khó khăn, chưa có cầu cứng qua sông Gâm, lũ về khiến 4 xã biên giới bị cô lập.

Cuộc sống nghèo nàn và lạc hậu, phần lớn đồng bào di cư tự do ở Tây Nguyên về bị người xấu lợi dụng truyền đạo trái phép, nạn mê tín dị đoan hoành hành. Dân bản lúc ốm đau chỉ mời thầy mo chứ không mấy khi đi viện. Anh Hiền nhớ lại ca mổ ngày 26-5-2003 cho chị Hoàng Thị Thú, 22 tuổi, ở xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc). Chị Thú bị viêm ruột thừa vỡ mủ. Giải thích thế nào chị và gia đình cũng không đồng ý mổ vì đồng bào Mông quan niệm “có vết sẹo trên người thì khi chết không bay về trời được”. Anh Hiền quả quyết cứ tiêm thuốc gây mê cho bệnh nhân, đưa lên bàn mổ, sai đâu mình chịu. Khi bệnh nhân tỉnh lại, anh Hiền còn bộc bạch: “May mà mổ kịp đấy, không thì giờ này đã bay về trời rồi”.

Anh Hiền chia sẻ, những năm trước khi các anh lên Bảo Lạc, những bệnh nhân cấp cứu ngoại khoa như: Thai ngôi ngang, ngôi ngược, viêm ruột thừa cấp coi như không cứu được. Lúc đó, Trung tướng Đàm Đình Trại, Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 1 (sau này là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) trực tiếp gặp anh Hiền và động viên: “Không thể để đồng bào của mình chết oan uổng. Hãy đào tạo người của đồng bào mổ được cấp cứu thì Hiền mới hoàn thành nhiệm vụ”. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng lời động viên của thủ trưởng như tiếp thêm sức mạnh để anh Hiền bắt đầu đi tìm người để "truyền nghề".

Người đó là bác sĩ Lý Văn Chuyên, hiện nay là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Anh Hiền cho biết: “Tôi áp dụng phương pháp huấn luyện từ dễ đến khó. Từ những ca phẫu thuật đơn giản như: Bướu cổ, các u lành tính và triệt sản đến những ca khó đều yêu cầu anh Chuyên phải đứng mổ cùng để tiếp nhận”. Chỉ khoảng một năm sau, bác sĩ Chuyên đã có thể đứng mổ cấp cứu. Trong thời gian ở Bảo Lạc, bác sĩ Hiền và bác sĩ Chuyên đã phẫu thuật cho gần 200 người bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đó là một thành tựu từ trước tới nay chưa có ở Bảo Lạc.

Khát khao chữa bệnh giúp đời

Năm 2004, anh Hiền trở lại công tác tại Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 110. Nhưng không may, căn bệnh xuất huyết não dưới nhện bất ngờ ập đến khiến anh bị liệt cánh tay phải, đôi chân đi tập tễnh, khó nhọc. Trước đó không lâu, vợ anh đột ngột qua đời, để lại cho anh hai con thơ. Những tưởng cánh cửa hạnh phúc khép lại thì may mắn, anh gặp được chị Thân Thị Định, sinh năm 1979, ở Tăng Tiến (Việt Yên, Bắc Giang). Chị như đôi chân, đôi bàn tay thay anh chăm sóc các con, bố mẹ già và là nguồn động lực để anh sống lạc quan, có ích trong phần đời còn lại.

Chị Định kể: “Dù biết cuộc đời không cho ai tất cả, không lấy đi của ai tất cả, chấp nhận về nghỉ chế độ khi chuyên môn đang được khẳng định, những ngày đầu anh Hiền buồn khổ lắm. Nhiều đêm, trong giấc mơ anh thấy mình đang mổ cho bệnh nhân, tỉnh dậy với cánh tay tê liệt, anh trầm ngâm đến sáng...”. Ông trời lấy đi của anh Hiền bàn tay cầm dao mổ nhưng lại tiếp thêm niềm khát vọng được chữa bệnh giúp người trong trái tim anh.

Bác sĩ Thân Văn Hiền gặp lại người dân huyện Bảo Lạc tại trụ sở Đoàn KT-QP 799, tháng 1-2023.

Bác sĩ Thân Văn Hiền gặp lại người dân huyện Bảo Lạc tại trụ sở Đoàn KT-QP 799, tháng 1-2023.

Nhưng làm gì đây với thân thể không còn lành lặn? Khi mọi sóng gió đã bình yên trở lại, anh Hiền bình tâm hơn. Nhớ lời răn dạy của đại danh y Tuệ Tĩnh: “Nam dược trị Nam nhân”, có nghĩa là dùng thuốc Việt Nam chữa bệnh cho người Việt Nam, anh Hiền nhận thấy ở nước ta cũng có rất nhiều thảo dược, nhiều loại động vật có thể dùng làm vị thuốc trị bệnh. Nhớ lại những năm tháng ở Bảo Lạc, mỗi lần đi rừng, anh Hiền đều nghiên cứu, sưu tầm các loại cây thuốc quý. Được đồng bào tin yêu, các thầy lang, bà mế “muốn làm phúc cho đời” nên tặng anh Hiền nhiều bài thuốc quý cổ truyền, tất cả đều được anh ghi chép, lưu giữ như báu vật.

Với kiến thức có hạn của mình, hằng ngày, anh Hiền đọc sách và nghiên cứu về y học cổ truyền, rồi kiên trì gõ bàn phím máy vi tính bằng tay trái để tư vấn sức khỏe cho bạn bè, người thân về cách chữa bệnh không dùng thuốc hoặc những bài thảo dược. Đặc biệt, anh Hiền có thêm cơ hội chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho nhân dân khi được giúp sức cho Công ty Cổ phần đông dược Hải Thượng do anh trai là Giáo sư, Viện sĩ Thân Văn Tài làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Đầu tháng 8-2022, các con của cụ Nguyễn Văn Sắc, sinh năm 1941 xã Việt Tiến (Việt Yên, Bắc Giang) đến hỏi chuyện nhờ anh Hiền tư vấn để chăm sóc sức khỏe cho cụ. Anh Hiền kể lại: “Thấy rằng cụ bị xơ gan cổ trướng, phù toàn thân, tràn dịch đa màng, tình trạng rất nặng, tôi khuyên cụ về dùng bài thuốc thảo mộc. Mừng thay, đến nay bụng cụ đã xẹp, hết phù, ăn ngon, ngủ tốt, hằng ngày đạp xe được 5km". Trường hợp anh Chu Bá Giáp, 56 tuổi ở Việt Yên (Bắc Giang) bị xơ gan; năm 2021, bệnh biến chứng gây vỡ tĩnh mạch thực quản, mất máu nhiều, được cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 110. Anh Giáp cho biết: “Tôi được anh Hiền tư vấn sử dụng thuốc Nam. Quá trình dùng thuốc đều được anh Hiền điều chỉnh liều lượng cùng các chế độ ăn uống. Nhờ thế mà nhiều năm nay sức khỏe tôi trở lại bình thường”...

Khát khao mang lại niềm vui cho người bệnh, nhưng khi hỏi niềm hạnh phúc của mình, anh Hiền nở nụ cười thật tươi rồi khoe tấm ảnh cậu con trai-Thượng sĩ Thân Quang Huy nối nghiệp cha, hiện đang là học viên năm thứ 6 Học viện Quân y. Các con anh chị đều trưởng thành, ngoan ngoãn. Đó là món quà lớn nhất mà anh chị nhận được sau những thăng trầm, biến cố của cuộc đời.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quốc Sự, Bí thư Chi bộ khu phố 10, phường Đáp Cầu (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), cho biết: “Vợ chồng anh Hiền, chị Định tuy cuộc sống gặp những khó khăn ban đầu song rất giàu nghị lực, sống hòa thuận, con cái trưởng thành. Đặc biệt, anh Hiền tuy bị liệt cánh tay, sức khỏe yếu nhưng luôn tận tình giúp bà con khối phố trong việc tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Với chúng tôi, anh Hiền như bác sĩ riêng của khu phố 10 vậy...”.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/bac-si-liet-mot-canh-tay-van-khat-khao-chua-benh-cuu-nguoi-785242