Bác sĩ Hoàng hết lòng vì người bệnh

Chia sẻ với chúng tôi về quyết định viết đơn xung phong lên làm việc nơi núi rừng biên giới, Trung úy, bác sĩ Đặng Công Hoàng, Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 337, Quân khu 4 cho biết: 'Trong đại dịch Covid-19, khi tham gia tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 337, chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tôi nung nấu ý định khi có điều kiện sẽ lên đây công tác, góp phần chăm sóc sức khỏe cho bà con.

Giờ đây, được công tác ở đơn vị, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để cùng đồng đội thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh, xây dựng bệnh xá trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân trên địa bàn”.

Gần hai năm công tác tại Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 337, có nhiều trường hợp bệnh nhân khiến bác sĩ Hoàng nhớ mãi. Bệnh nhân Hồ Thị Chưn, ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vào bệnh xá với biểu hiện đau bụng và tụt huyết áp. Qua thăm khám, bác sĩ Hoàng chẩn đoán bệnh nhân có thai ngoài tử cung, có dấu hiệu bị vỡ, phải nhanh chóng chuyển lên tuyến trên nhưng gia đình không đồng ý, một mực xin đưa bệnh nhân về nhà để mời thầy mo về cúng.

 Trung úy, bác sĩ Đặng Công Hoàng khám bệnh cho bệnh nhân.

Trung úy, bác sĩ Đặng Công Hoàng khám bệnh cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, trước sự kiên trì, khéo léo giải thích của bác sĩ Hoàng, gia đình chị Chưn đã đồng ý để kíp trực của bệnh xá dùng xe cứu thương nhanh chóng đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị ngay trong đêm để mổ cấp cứu kịp thời. Hay trường hợp anh Hồ Văn Pan, 46 tuổi ở thôn Doa Củ, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, vào ngày 6-6-2023, trong lúc tắm ở hồ nước gần nhà thì bị chuột rút dẫn đến đuối nước. Bác sĩ Hoàng và kíp cấp cứu kịp thời đến hiện trường, tiến hành đặt ống nội khí quản, sau đó nhanh chóng đưa anh về bệnh xá cấp cứu rồi chuyển lên tuyến trên. Bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: “Nếu không được bác sĩ Hoàng và kíp trực của Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 337 đặt ống nội khí quản kịp thời thì bệnh nhân Hồ Văn Pan có nguy cơ tử vong rất cao...”.

Theo bác sĩ Đặng Công Hoàng, trước đây đồng bào các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở 5 xã vùng dự án thuộc Khu KT-QP Khe Sanh mỗi khi đau ốm thường nhờ thầy mo đến cúng hoặc chữa bệnh bằng các loại lá rừng, ít đến bệnh xá, trạm y tế để khám, điều trị... Vì vậy, đội ngũ y, bác sĩ của đơn vị luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức để xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan; đồng thời tận tình, trách nhiệm, nâng cao chất lượng khám, điều trị nhằm nhận được sự tin tưởng của bà con nhân dân. Trung tá Trần Văn Hùng, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 337 cho biết: “Đồng chí Hoàng là bác sĩ được đào tạo cơ bản, có chuyên môn giỏi. Trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, bác sĩ Hoàng cũng luôn xác định tốt tư tưởng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Bài và ảnh: VÕ ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/bac-si-hoang-het-long-vi-nguoi-benh-744943