Bạc Liêu: Chương trình tín dụng giảm nghèo cho vay hơn 767,2 tỷ đồng
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bạc Liêu đã triển khai cho vay các Chương trình tín dụng ưu đãi cho giảm nghèo với tổng lũy kế cho vay năm 2022 là 767.282,66 triệu đồng.
Ngày 9/3, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác giảm nghèo năm 2023 và sơ kết 10 năm thực hiện chủ trương hỗ trợ hộ nghèo.
Tại hội nghị, bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết: Qua 10 năm triển khai thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân công 4.348 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương nhận hỗ trợ, giúp đỡ 41.603 lượt hộ nghèo, với số tiền trên 137 tỷ đồng. Qua đó, đã có 41.050/41.603 hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo.
Đối với thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2022 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác giảm nghèo năm 2023, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.
Năm 2022, Bạc Liêu vận động Quỹ “Vì người nghèo - An sinh xã hội” với tổng số tiền 88,875 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai xây dựng được 644 căn nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, trị giá mỗi căn từ 30 - 50 triệu đồng, với kinh phí 22,075 tỷ đồng. Đồng thời, mua và cấp 82.371 thẻ bảo hiểm y tế, với kinh phí 66,27 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.
Để giúp các hộ nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bạc Liêu đã triển khai cho vay các Chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng được thụ hưởng chính sách giảm nghèo với tổng lũy kế cho vay năm 2022 là 767.282,66 triệu đồng, với 26.245 lượt hộ và học sinh, sinh viên, người lao động vay. Từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có vốn làm ăn, tự tạo việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2022, tỉnh Bạc Liêu còn 7.233 hộ nghèo (chiếm 3,19%) và 12.055 hộ cận nghèo (chiếm 5,32%).
Năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1% (tương đương 2.270 hộ); đồng thời, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo mới thoát nghèo; phấn đấu đào tạo nghề cho 14.000 lao động, giải quyết việc làm cho 18.500 lao động.
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành, cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thị, thành phố đã thảo luận đưa ra những ý kiến đóng góp, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện công tác giảm nghèo năm 2023.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các dự thảo Báo cáo, Kế hoạch, trình UBND tỉnh ban hành nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu đề ra đối với công tác giảm nghèo năm 2023 cũng như những năm tiếp theo. Đồng thời, đề nghị các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm tập trung thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo, trong đó, chú trọng giảm nghèo bền vững. Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu rà soát, có giải pháp hỗ trợ, đảm bảo không có hộ nghèo nào thuộc diện chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Bà Lê Thị Ái Nam đề nghị UBND tỉnh triển khai khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với công tác đào tạo nghề, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đề nghị nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nghèo, đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, để người nghèo có thu nhập ổn định. Các ngành, các cấp trong tỉnh cũng cần quan tâm công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, xem đây là một trong những giải pháp thực hiện có hiệu quả trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Dịp này, UBND tỉnh Bạc Liêu tặng bằng khen cho 10 tập thể và 20 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện công tác giảm nghèo./.