'Ba sẵn sàng' trong ký ức cựu thanh niên xung phong

'4 năm ăn ngủ cùng cầu, đường, bàn tay xếp đá chai thành từng mảng… Thế nhưng, đó là những năm tháng tự hào, vinh dự nhất và đáng sống nhất trong cuộc đời tôi', ông Nguyễn Minh Cương- người thanh niên xung phong theo tiếng gọi của phong trào 'Ba sẵn sàng' lên đường năm 1964 bồi hồi chia sẻ.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Minh Cương giữa cuộc sống đời thường.

Theo lời giới thiệu của Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Bạch Thông, chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận. Đón chúng tôi là cụ ông đã 82 tuổi, giọng nói hào sảng, bước đi nhanh nhẹn và nụ cười thường trực trên môi. Nhắc đến tuổi trẻ và cái duyên đến với mảnh đất Bắc Kạn, ông tươi cười nhớ về những tháng năm sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết.

Sinh năm 1940, quê gốc ở Mỹ Đức, Hà Tây (Hà Nội), từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giữa không khí sục sôi của các thế hệ lên đường nhập ngũ, thanh niên trẻ Nguyễn Minh Cương đã có ước mơ trở thành bộ đội. Thế nhưng cả 3 lần tình nguyện lên đường nhập ngũ đều không thành công vì cân nặng không đủ 42kg. Năm 1964, ông Cương khi ấy đã có bằng sơ cấp Sư phạm, nhưng khi nghe lời kêu gọi của phong trào “Ba sẵn sàng” đã tình nguyện lên đường.

“Hôm tập trung, tôi không có gì ngoài bộ quần áo, được phát ba lô, trang phục, nồi niêu, 21kg gạo, đường, thịt… phải đeo hết trên lưng và đi bộ ròng rã cả ngày trời. Cứ đi được khoảng 2 - 3km lại được uống nước do người dân để sẵn trên đường. Nhiều thanh niên ở thành phố và các bạn nữ chưa quen lao động chân tay thì ban đầu mệt lắm. Nhớ nhà, gian nan, vất vả, không chỉ đi bộ mà còn phải tự nấu ăn…, nhưng không ai có ý định bỏ về. Những ngày đầu chưa quen nhau còn lầm lũi đi, nhưng sau thì rôm rả lắm, mọi người chia sẻ, động viên, trêu đùa, ai cũng tự hào, vinh dự và quyết tâm, thuộc lòng các nội quy của phong trào “Ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến", ông Cương nhớ lại.

Ông cùng đoàn được phân công đến tỉnh Lào Cai làm mới và sửa chữa đường để quân ta đi qua. Công việc nghe đã thấy vất vả, nhưng ở thời điểm ấy còn gian lao và khó khăn hơn nhiều. Không có máy móc nên các thanh niên xung phong phải đào móng làm cầu, đặt cống, xếp đá… hoàn toàn bằng cuốc, xẻng, xà beng. Có những buổi nắng gắt, bụi bẩn, cũng có những ngày mưa tầm tã lội bì bõm trong bùn đất bê từng viên đá, rồi những bữa cơm thèm rau xanh phải lên rừng hái rau tàu bay, ngót rừng để cải thiện mà lạc cả đường… Dù vậy, cả đơn vị chỉ gặp khó khăn khi nhớ nhà và chia tay đồng đội lên đường nhập ngũ.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Cương bồi hồi: Đơn vị tôi có 175 người, chỉ có 5 anh con trai. Các chị em phụ nữ ban ngày cười vui, nghịch ngợm nhưng đêm lại ôm nhau khóc vì nhớ người thân… Rồi có năm chúng tôi liên hoan đưa các đồng đội “đi B”, lúc tổ chức thì hăm hở dẫn nhau đi bộ mười mấy cây số tìm mua từng quả trứng, đến khi những chiếc xe chở bạn đi thì lại rơi nước mắt. Làm việc cùng nhau, sinh hoạt tập thể nhưng chúng tôi không dám có tình cảm nam nữ, vì tinh thần ai cũng sẵn sàng lên đường nhập ngũ… Cho đến bây giờ, có lúc tôi vẫn nhớ về khung cảnh vắng lặng buồn tẻ ở Mường Khương, cả đơn vị hò nhau hát để xua đi cảm giác nhớ nhà. Vì đã hoàn thành sơ cấp Sư phạm, buổi tối tôi còn lên lớp xóa mù chữ cho người dân và đồng đội. Năm 1968, tôi được phân công về làm giao thông vận tải ở Bắc Thái, từ đó đến nay, tôi gắn bó và coi đây như quê hương thứ hai.

Phát huy tinh thần "Ba sẵn sàng", đến nay cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Cương vẫn miệt mài cống hiến và tham gia công tác xã hội với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã. Với những đóng góp của mình, ông Cương đã được Bộ Giao thông vận tải tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giao thông vận tải" vì đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giao thông vận tải Việt Nam; Giấy khen của Ban Chấp hành Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng tổ chức và hoạt động Hội./.

Bích Phượng

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202107/ky-niem-71-nam-ngay-truyen-thong-luc-luong-tnxp-1571950-1572021-ba-san-sang-trong-ky-uc-cuu-thanh-nien-xung-phong-bb20b8b/