Ba bang nắm 'quyền sinh sát' trong bầu cử tổng thống Mỹ

Michigan, Wisconsin và Pennsylvania được xem là ba bang chiến trường then chốt với cả hai đảng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024.

Có một điểm chung trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và 2020: Người bước vào Nhà Trắng là người chiến thắng tại Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.

Theo dữ liệu của AdImpact, kể từ tháng 7 - thời điểm bà Kamala Harris trở thành ứng viên đảng Dân chủ, cả hai chiến dịch đang chi tiêu tiền quảng cáo nhiều nhất tại Pennsylvania, sau đó đến Michigan và Wisconsin đứng thứ tư.

Bob Shrum - chiến lược gia lâu năm cho đảng Dân chủ - nhận định Michigan, Wisconsin và Pennsylvania đóng vai trò then chốt trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ suốt một thời gian dài, vì ba bang chiến địa này hiện diện rất nhiều đặc điểm phân cực đang định hình nền chính trị Mỹ. Ông Shrum ví dụ sự khác biệt về quan điểm giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa tầng lớp tri thức và tầng lớp lao động.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác chỉ ra trong quá khứ, ba bang này thường có xu hướng dao động và bỏ phiếu giống nhau, trong khi các bang lớn khác ổn định hơn và chọn một đảng nhất định: California, New York và Illinois thường nghiêng về đảng Dân chủ, còn Texas, Florida và Ohio thường ủng hộ đảng Cộng hòa.

Theo CNN, ba bang này có nhiều đặc điểm chung tới mức chuyên gia Tad Devine gộp thành “một bang duy nhất có tên Mi-Pa-Wi”.

Rất nhiều điểm chung

So với cả nước Mỹ, ba bang đều không quá đa dạng về chủng tộc. Người da trắng chiếm 3/4 dân số Michigan và Pennsylvania và 4/5 dân số Wisconsin. Mặc dù cộng đồng người Latinh đang phát triển, người da đen vẫn là nhóm thiểu số lớn nhất. Ba bang cũng già hơn so với toàn quốc, với người cao tuổi chiếm khoảng 1/5.

Cả ba bang không có nhiều người nhập cư, chiếm khoảng 7% dân số ở Michigan và Pennsylvania và chỉ 5% ở Wisconsin, nhưng tăng trưởng nhóm thiểu số trong những năm gần đây.

Khi giáo dục dần trở thành yếu tố dự báo về lòng trung thành chính trị, ba bang có khoảng 1/3 dân số có ít nhất một bằng đại học 4 năm, thấp hơn một chút so với toàn quốc. Mi-Pa-Wi cũng là các bang sản xuất lớn trải qua tình trạng mất khá nhiều việc làm kể từ năm 2000, nhưng cũng chứng kiến số lượng việc làm tăng khoảng 20.000-30.000 kể từ ông Joe Biden nhậm chức.

Khuynh hướng tôn giáo của ba bang cũng tương đồng. Những người theo đạo Thiên chúa da trắng thường theo đảng Cộng hòa, chiếm khoảng trên 50%. Trong khi đó, những người vô thần lại là nhóm cử tri Dân chủ trung thành, chiếm khoảng 1/4 dân số.

Wisconsin

Trên lý thuyết, Wisconsin sẽ là tiểu bang “khó nhằn” nhất với đảng Dân chủ trong năm 2024. Kết quả bầu cử trong vài thập niên qua thường phản ánh thách thức về nhân khẩu học và địa lý của Wisconsin cho đảng Dân chủ.

Không chỉ vì tỷ lệ thiểu số ở Wisconsin nhỏ hơn so với 2 bang còn lại, những người da trắng không có bằng đại học - cử tri trung thành của đảng Cộng hòa thời hiện đại - chiếm tới 3/5 số phiếu bầu, so với khoảng 1/2 của Michigan và Pennsylvania.

Nhóm da trắng và lao động phổ thông ở các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn - đang dần chuyển sang đảng Cộng hòa - cũng chiếm tỷ lệ phiếu bầu lớn ở Wisconsin. Trong khi đó, đảng Dân chủ không có lợi thế lớn ở khu vực đô thị lớn nhất Wisconsin như hai bang còn lại.

Yếu tố cuối cùng khiến Wisconsin kém hấp dẫn với đảng Dân chủ là các nghiệp đoàn chỉ đại diện cho khoảng 1/2 lực lượng lao động trong khu vực tư nhân, ít hơn 2 bang còn lại.

 Michigan, Wisconsin và Pennsylvania được xem là ba bang then chốt trong bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Ảnh: New York Times.

Michigan, Wisconsin và Pennsylvania được xem là ba bang then chốt trong bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, các chiến lược gia lại coi Wisconsin là lựa chọn tốt nhất cho bà Harris và là thách thức khó nhất với ông Trump.

Lý do là bởi thành phố lớn thứ 2 Wisconsin, Madison, đang phát triển mạnh. Ngay cả hạt Dane, gồm Madison và các vùng ngoại ô, có dân số tăng nhanh hơn mọi hạt khác của Wisconsin và chuyển dần “sắc xanh”. Tỷ lệ phiếu bầu cho đảng Dân chủ tại hạt Dane tăng từ 70% năm 2016 lên 75% năm 2018 và năm 2020 (bầu tổng thống); 79% năm 2022 (bầu thống đốc) và tận 82% năm 2023 (bầu tòa án tối cao).

Một lý do khác là đảng Dân chủ duy trì được sức cạnh tranh ở những khu vực có quy mô nhỏ, trong khi tỷ lệ lớn cư dân Wisconsin sống ở các thành phố có quy mô trung bình, cao hơn so với Michigan và Pennsylvania.

Michigan

Michigan là bang ủng hộ đảng Dân chủ mạnh nhất trong ba bang suốt từ năm 2000. Hiện tại, đảng Dân chủ kiểm soát cả bốn vị trí quan trọng trong các văn phòng chính quyền cấp bang, cả hai ghế Thượng viện Mỹ, và cả hai viện của cơ quan lập pháp bang.

Năm 2024, tại Michigan đang có “nhân tố X”. Nhân tố X này chính là làn sóng phẫn nộ của cộng đồng người Mỹ gốc Arab đông đảo. Trước đây họ ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng hiện tại bất mãn với cách chính quyền Biden xử lý xung đột tại Dải Gaza. Sự bất mãn đó thậm chí còn lan rộng hơn nữa trong cử tri trẻ tuổi ở các trường đại học.

Ngoài ra, nhóm lao động trong ngành ôtô cũng lung lay trước lập trường của ông Trump, khi ứng viên đảng Cộng hòa cho rằng nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện của chính quyền Biden sẽ phá hủy việc làm trong nước.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ có lợi thế trong quan điểm ủng hộ quyền phá thai ở vùng ngoại ô cho lực lượng trí thức, đặc biệt là phụ nữ. Ngoài ra, nhiều người cũng lạc quan về khả năng thuyết phục cử tri da đen đi bỏ phiếu của bà Harris.

Pennsylvania

Với đảng Dân chủ, Pennsylvania là bang “khó chơi” nhất. Đảng Dân chủ lo ngại về nguy cơ tỷ lệ đi bỏ phiếu giảm, trong khi ông Trump có một số lợi thế trong nhóm cử tri da đen ở Philadelphia.

Đảng Cộng hòa cũng xây dựng được số lượng lớn cử tri da trắng không học đại học trung thành. Ông Trump đang chú trọng tới cộng đồng vừa và nhỏ ở Pennsylvania hơn so với hai bang còn lại, những nơi có thu nhập trung bình nằm ngoài các trung tâm đô thị, chủ yếu có cử tri là tầng lớp lao động da trắng.

Theo nhà thăm dò ý kiến của đảng Cộng hòa Patrick Ruffini, tất cả yếu tố mới lạ năm 2024 khiến Michigan là bang lợi thế của đảng Cộng hòa, mặc dù đảng Dân chủ có thế mạnh về mặt nhân khẩu học. Ông nhận định ông Trump có khả năng thắng cao nhất tại Pennsylvania, trong số ba bang.

 Ông Trump được đánh giá là có nhiều lợi thế ở Pennsylvania. Ảnh: New York Times.

Ông Trump được đánh giá là có nhiều lợi thế ở Pennsylvania. Ảnh: New York Times.

Là người Công giáo da trắng lớn tuổi có gốc gác tại bang này, ông Ruffini cho biết ông Biden ảnh hưởng tới các khu vực phía đông Pennsylvania.

“Tôi không cho rằng Harris có thể làm được điều này. Hơn nữa, nếu vấn đề môi trường tại Pennsylvania được quan tâm hơn so với những nơi khác, Harris sẽ gặp bất lợi vì chủ đề khai thác đá phiến, trong khi Trump nhận được sự đồng cảm sau vụ ám sát hụt ở Butler”, ông phân tích.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ lại nhìn thấy khả năng bà Harris giành được nhiều phiếu bầu hơn ở vùng ngoại ô Philadelphia, với những cử tri ủng hộ quyền phá thai và tăng tỷ lệ đi bỏ phiếu nhờ nhóm cử tri da đen.

Song hành suốt chiều dài lịch sử chính trị Mỹ

Michigan và Pennsylvania đã song hành cùng nhau từ rất lâu. 76 năm kể từ năm 1856, hai bang này ủng hộ cùng một ứng viên tổng thống, cho đến năm 1932, khi ông Franklin D. Roosevelt giành chiến thắng tại Michigan và Pennsylvania vẫn trung thành với Tổng thống Herbert Hoover đương nhiệm.

8 năm sau, 1940, hai bang này lại chia rẽ lần nữa, khi ông Roosevelt dễ dàng giành chiến thắng tại Pennsylvania và Michigan nghiêng về đảng viên Cộng hòa Wendell Willkie. Sau đó, Michigan và Pennsylvania lại cùng nhau bỏ phiếu cho một ứng viên, ngoại trừ năm 1976.

Tóm lại, Michigan và Pennsylvania chỉ có 4 lần khác biệt quan điểm trong suốt 42 cuộc bầu cử tổng thống kể từ khi đảng Cộng hòa và Dân chủ thống trị hệ thống chính trị Mỹ.

Cùng với Wisconsin, bộ ba này trở thành điểm then chốt nhất quán nhất trong nền chính trị Mỹ. Michigan, Pennsylvania và Wisconsin bỏ phiếu cho cùng một ứng cử viên tổng thống trong 17/26 cuộc bầu cử kể từ năm 1920, còn ứng viên chinh phục được ba bang giành chiến thắng 15/17 kỳ này.

Trong thế kỷ qua, ứng viên tổng thống thắng tại 3 bang này nhưng vẫn thua chung cuộc là ứng viên đảng Dân chủ Al Gore năm 2000 và John Kerry năm 2004. Trong khi đó, ứng viên đảng Cộng hòa Thomas Dewey năm 1948 và ứng viên đảng Dân chủ Hubert Humphrey năm 1968 là hai người duy nhất thắng tại 2/3 bang nhưng vẫn thua cuộc.

Ngoài năm 2014, ba bang này thậm chí bầu cùng một đảng để kiểm soát chức thống đốc từ năm 1994.

Dẫu vậy, không có gì đảm bảo cả ba bang sẽ cùng nghiêng về một hướng trong tháng 11 tới. Và cũng không có gì đảm bảo ứng viên chinh phục được nhiều bang hơn sẽ thành chủ nhân Nhà Trắng. Bà Harris đối mặt với rủi ro khi thắng ở Michigan và Wisconsin nhưng vẫn thua, nếu ông Trump chiếm được lòng tin của cử tri Pennsylvania, Georgia và North Carolina.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng Mi-Pa-Wi là “chiến trường” khốc liệt và sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc bầu cử sắp tới.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-bang-nam-quyen-sinh-sat-trong-bau-cu-tong-thong-my-post1499294.html