Argentina có ngăn được cú vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử?

Argentina nợ tổng cộng 323 tỷ USD tính đến cuối năm 2019. Nếu không thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ vào đầu tháng 6, quốc gia Nam Mỹ sẽ vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử.

Theo DW, chính phủ Argentina đã không thể trả lãi trái phiếu từ tháng 2. Hồi đầu tuần, Bộ Kinh tế Argentina dự báo GDP năm nay sẽ sụt tới 6,5%, thâm hụt ngân sách lên đến 3,1% vì tác động của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Argentina - nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ Latinh - đã trượt tới bờ vực phá sản từ nhiều tháng trước khi dịch bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) bùng nổ.

Khi Tổng thống Alberto Fernandez lên nắm quyền hồi tháng 12/2019, chính phủ của ông "thừa kế" khối nợ 320 tỷ USD từ những người tiền nhiệm Mauricio Macri và Cristina Fernandez.

Nợ của Argentina ngày càng phình to vì tình hình tài chính khó khăn và đồng peso liên tục mất giá. Năm đầu 2017, 1 USD đổi được 15 peso. Hiện tại, 1 USD đổi được tới 67,15 peso.

 Người dân biểu tình vì khủng hoảng kinh tế tại thành phố Buenos Aires ngày 7/5. Ảnh: NY Times.

Người dân biểu tình vì khủng hoảng kinh tế tại thành phố Buenos Aires ngày 7/5. Ảnh: NY Times.

"Argentina thực tế đã vỡ nợ trước khi Tổng thống Fernandez nhậm chức", DW dẫn lời giáo sư Federico Foders thuộc Viện Kiel khẳng định. Nợ Argentina có thể chạm ngưỡng 45 tỷ USD/năm trong vài năm tới, tương đương 10% GDP năm 2019.

"Không có quốc gia nào trên thế giới có thể gánh được khoản nợ lớn như thế", giáo sư Foders nhấn mạnh.

Giáo sư Foders cho rằng Argentina không thể tránh được cú vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử - đồng thời là lần thứ 3 trong 20 năm qua. Năm 2001, Argentina vỡ nợ 132 tỷ USD. Sau nhiều thỏa thuận, các chủ nợ của Argentina thiệt hại 80 tỷ USD.

Lần vỡ nợ tiếp theo vào năm 2014, khi hai quỹ phòng hộ của Mỹ kiện chính phủ Argentina ra tòa ở New York đòi thanh toán nợ cũ. Tòa án buộc Argentina trả nợ, nhưng Tổng thống Cristina Fernandez từ chối. Người kế nhiệm Macri sau đó trả nợ, giúp Argentina quay trở lại thị trường vốn toàn cầu.

Do đó, các nhà đầu tư đặt niềm tin vào Tổng thống Macri. Tháng 10/2018, khi nền kinh tế Argentina bắt đầu suy thoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho chính quyền Tổng thống Macri vay tới 56,3 tỷ USD.

Ngân hàng Trung ương Argentina. Ảnh: Almeida Aveledo.

Ngân hàng Trung ương Argentina. Ảnh: Almeida Aveledo.

Trong 2 năm qua, nền kinh tế Argentina lao đao vì suy thoái, tỷ lệ lạm phát và đói nghèo tăng vọt. Và mới đây nhất là cú đòn tấn công của dịch Covid-19. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tại Argentina có 9.931 người nhiễm virus corona chủng mới, bao gồm 416 ca thiệt mạng trên toàn quốc tính đến nay.

Mới đây, chính quyền Argentina cho biết sẽ đàm phán với các chủ nợ cho tới ngày 2/6 về việc tái cơ cấu nợ nước ngoài 65 tỷ USD. Ngày 22/5 là hạn chót để chính quyền nước này trả lãi trái phiếu 500 triệu USD. Các nhà phân tích cho rằng Argentina sẽ không trả được khoản nợ này.

Hồi đầu tháng 5, một nhóm các nhà kinh tế hàng đầu thế giới - bao gồm chuyên gia từng đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz kêu gọi các chủ nợ giảm nợ cho Argentina.

Họ khẳng định đây là cách duy nhất để giúp nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh chống lại tác động của dịch Covid-19 và quay trở lại với tăng trưởng bền vững.

Bùi Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/argentina-oan-minh-duoi-nui-no-323-ty-usd-post1087481.html