Áp lực vào trường điểm khiến học sinh Trung Quốc bị trầm cảm
Áp lực phải vào được trường điểm cùng với kỳ vọng của phụ huynh là nguyên nhân chính gây lo lắng và trầm cảm ở thanh thiếu niên Trung Quốc.
Học sinh Trung Quốc áp lực vào trường điểm
Diễn đàn Giáo dục Trung Quốc mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 21.500 học sinh trung học tại 28 tỉnh thành ở Trung Quốc. Kết quả cho thấy áp lực phải vào được trường điểm cùng với kỳ vọng của phụ huynh là nguyên nhân chính gây lo lắng và trầm cảm ở thanh thiếu niên Trung Quốc.
Cụ thể, hơn 54% học sinh được hỏi cho biết mục tiêu phải vào được trường điểm là nguyên nhân lớn nhất khiến các em lo lắng và căng thẳng, tiếp theo là kỳ vọng của phụ huynh (43%) và các kỳ thi (40%).
Ngoài ra, 59% học sinh cho biết họ chưa bao giờ trải qua lo lắng hoặc trầm cảm, 26% cho biết họ gặp các triệu chứng như vậy mỗi tuần một lần, 12% bị 2-3 lần/tuần và 3% bị 4 lần trở lên/tuần.
Gần 65% học sinh cho biết họ sẽ tìm đến bạn bè để được giúp đỡ khi gặp phải lo lắng hoặc trầm cảm và 48% cho biết họ sẽ nhờ cha mẹ giúp đỡ. Chỉ 16% cho biết họ sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ giáo viên và 10% từ các chuyên gia tâm lý.
Ông Yang Dongping, thành viên Ủy ban Cố vấn Giáo dục quốc gia, cho biết gánh nặng từ học tập và thi cử là nguyên nhân chính gây ra vấn đề tâm lý ở học sinh Trung Quốc.
Biện pháp nào giúp giảm áp lực học tập cho học sinh?
Năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách "giảm kép" nhằm giảm gánh nặng dạy thêm và bài tập về nhà cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở. Chính sách trên dựa trên mục tiêu coi trọng hạnh phúc của học sinh hơn sự thành công.
Ông Yang đề nghị tiếp tục giảm số lượng và độ khó của chương trình học cũng như các kỳ thi.
Bà Chen Mo, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc, cho biết trong số thanh thiếu niên bị trầm cảm mà bà từng tiếp xúc, 50% là học sinh đứng đầu lớp.
Theo bà Chen Mo, các em đạt điểm cao khi học ở những lớp học thấp hơn nhưng khi lớn lên, các em lại gặp nhiều cạnh tranh hơn. Do đó, học sinh dễ bị suy sụp tâm lý sau khi đáp ứng được kỳ vọng.
Li Xinying, nhà nghiên cứu tại Viện Tâm lý học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ có thể khiến con cái trở nên lo lắng và trầm cảm. Đồng thời kết quả học tập của chúng có thể trở nên tồi tệ hơn.
Bà nói thêm, nếu cha mẹ la mắng, thậm chí đánh đập con, kiểm soát quá nhiều hoặc thường xuyên chỉ trích con sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và dẫn đến các vấn đề về tâm lý.
Còn bà Fan Lirong, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Tân Hoa Vân Nam, khuyến khích trẻ em gặp vấn đề tâm lý thì nên tìm đến chuyên gia. Nếu can thiệp sớm, trẻ bị trầm cảm có thể hồi phục hoàn toàn và coi đây là một trải nghiệm trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu phớt lờ vấn đề về tâm lý của trẻ thì bệnh sẽ không thể chữa khỏi và chứng trầm cảm có thể kéo dài, thậm chí trở nên nghiêm trọng hơn.
Nguồn: China Daily