Áp lực giao thông tại Hà Nội ngày càng gia tăng

Thời điểm này, tình hình giao thông những ngày cuối năm trên địa bàn Hà Nội diễn biến khá phức tạp, ùn tắc kéo dài vào nhiều khung giờ, tại nhiều nút giao thông. Thực tế đã chỉ ra, hiện diện tích đất dành cho giao thông tại Hà Nội chỉ tăng 0,3%/năm, nhưng xe cá nhân lại tăng 4 - 5%/năm. Vì vậy, áp lực giao thông của Hà Nội sẽ ngày càng lớn nếu không hạn chế được các loại xe cá nhân.

Xóa điểm ùn tắc này lại phình ra điểm khác

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, tính đến tháng 12/2024, tổng chiều dài đường bộ của Thủ đô đang khai thác đạt khoảng 23.420km, bao gồm 5 tuyến cao tốc và vành đai; 11 tuyến quốc lộ; 128 đường tỉnh; 1.220 tuyến đường đô thị; 2.310 nút giao thông; 585 cầu, hầm, không tính các tuyến đường ngõ, ngách nhỏ.

Lượng phương tiện cá nhân tăng cao, trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông tại Thủ đô trở nên nhức nhối.

Lượng phương tiện cá nhân tăng cao, trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông tại Thủ đô trở nên nhức nhối.

Hiện nay, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội đạt 12,13%, tốc độ tăng bình quân 0,3%/năm; theo quy hoạch đến năm 2030 phải đạt 20 - 26% đối với đô thị trung tâm. Trong khi đó, dân số hiện nay của Hà Nội khoảng trên 8 triệu người, chưa bao gồm khoảng 1,2 - 1,5 triệu người từ các tỉnh, thành phố khác thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại Thủ đô.

Hiện mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội mới đưa vào khai thác sử dụng 21,55km, bao gồm: 13,05km thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông; 8,5km đoạn trên cao thuộc tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Mạng lưới xe buýt bao gồm 154 tuyến buýt thường (với 2.279 xe), và 1 tuyến buýt nhanh BRT. Chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đến nay đã đạt 19,5% và theo quy hoạch yêu cầu đến năm 2030 phải đạt 30 - 35%.

Trao đổi tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 13/1, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện các điểm ùn tắc mới. Nguyên nhân là do, lượng xe cá nhân tăng cao, hạ tầng chưa theo kịp với sự phát triển của đô thị, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng còn hạn chế…

Theo ông Thường, tốc độ phát triển của phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, trung bình 5%, với ô tô là 10%/năm trong vài năm gần đây, nhưng tốc độ phát triển của hạ tầng mỗi năm chỉ tăng 0,03%. Nếu không có giải pháp căn cơ, đồng bộ thì hạ tầng không bao giờ đuổi kịp tốc độ phát triển phương tiện cá nhân.

Đâu là giải pháp?

Cùng với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân cao gấp hàng chục lần chỉ số gia tăng hạ tầng, làm cho mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường, nút giao thông rất lớn. Đặc biệt là vào khung giờ cao điểm dẫn đến lưu lượng phương tiện thực tế trên nhiều tuyến đường, nút giao vượt quá lưu lượng thiết kế.

Đơn cử như đường Nguyễn Trãi có lưu lượng gấp 2,5 - 3,2 lần so với thiết kế; đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển cao gấp 4,3 - 4,9 lần; đường Lê Văn Lương cao gấp 2,7 - 3,3 lần; đường Xuân Thủy - Cầu Giấy cao gấp 2,1 - 2,6 lần; đường Láng cao gấp 1,2 - 1,8 lần; đường Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng cao gấp 1,5 - 2,4 lần.

Theo Sở GTVT Hà Nội, bằng nhiều giải pháp, năm 2024, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý được 13/33 điểm ùn tắc. Tuy nhiên, cũng trong năm 2024, Hà Nội lại phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, đưa số điểm ùn tắc hiện nay lên 36 điểm. Ngoài ra, qua rà soát, địa bàn thành phố còn trên 230 điểm có nguy cơ ùn tắc, cần phải có phương án xử lý, tránh để thành những điểm ùn tắc thường xuyên.

Việc chấp hành nghiêm các quy định về giao thông góp phần giảm thiểu ùn tắc.

Việc chấp hành nghiêm các quy định về giao thông góp phần giảm thiểu ùn tắc.

Trước bối cảnh ùn tắc đang xảy ra mỗi ngày một phức tạp và Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng các giải pháp về hạ tầng và điều tiết, phân làn luồng hợp lý tại các điểm, nút giao thông. Đặc biệt, Sở GTVT Hà Nội sẽ chú trọng phát triển hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn Thủ đô theo đúng kế hoạch đề ra…

Theo tìm hiểu, tại Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 13/1/2025 về việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025, Thành phố đặt chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu năm 2025 đạt 20% và tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND Thành phố.

Đồng thời, phấn đấu tiếp tục kiềm chế giảm tai nạn giao thông từ 5% so với năm 2024 trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tập trung giải quyết từ 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; kịp thời xử lý những điểm có nguy có phát sinh ùn tắc giao thông mới, các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường bộ.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ap-luc-giao-thong-tai-ha-noi-ngay-cang-gia-tang-183651.html