Áp đặt quá nhiều kì vọng sẽ khiến chúng ta lo lắng, bất an đến suốt đời
Có rất nhiều điều trong quá khứ được khắc sâu vào tâm trí chúng ta, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên hiện tại. Điều chúng ta cần làm không phải là trách móc hay đổ lỗi, mà trước tiên là phải nhận biết và ngừng để chúng tiếp tục kéo lùi chúng ta.
Người lớn/cha mẹ luôn đúng và con phải nghe lời
Từ nhỏ chúng ta luôn được dạy phải nghe lời và ngoan ngoãn. Lớn lên chúng ta vẫn nghĩ đó là một điều làm đẹp lòng cha mẹ, nhưng không nghĩ rằng thói quen tuân thủ và nghe theo mọi thứ người lớn nói cũng có những mặt bất lợi. Không phải cứ răm rắp vâng lời là sẽ thành công, ngược lại còn biến chúng ta thành người không có chính kiến và không dám nói ra quan điểm, ý kiến, suy nghĩ riêng của mình.
Điều này có thể gây hại cho tương lai của một người, vì thói quen phục tùng và ngoan ngoãn đã được xây dựng rất kiên cố, khi gặp chuyện bất công sẽ rất khó để đứng lên bảo vệ bản thân. Nghĩa là vô tình chúng ta có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của những kẻ thao túng và hay lợi dụng.
Né tránh xung đột, thà nhịn chứ không đối đầu
Một người nên biết cách đứng lên vì chính mình. Nếu từ nhỏ chúng ta được khuyên bảo rằng không được xung đột với người khác trong mọi trường hợp, thì phản ứng đầu tiên khi đụng phải những kẻ bắt nạt là im lặng và chịu đựng.
Những người nhịn giỏi thường được xem là hòa nhã, nhưng thật ra họ rất khó để tồn tại trong môi trường cạnh tranh, dễ bị lợi dụng vì tính cả nể và thường xuyên chịu thiệt thòi vì không biết đấu tranh. Tuy nhiên, đây không phải là một cái cớ để khuyến khích xung đột. Cần phải hiểu rõ đấu tranh là tìm kiếm sự công bằng và bình đẳng, chứ không phải đánh nhau để tranh giành quyền lợi.
Phải có lương cao thì mới thành công và hạnh phúc
Nếu một người không biết mình muốn làm gì, nhiều khả năng họ sẽ chọn những phương án do cha mẹ hoặc người khác gợi ý. Thường định hướng sẽ là học lấy bằng này bằng kia để tìm được một công việc lương cao, vì đối với những người có quan điểm cũ thì mức lương sẽ là đại diện cho giá trị của một người.
Tuy nhiên những tấm bằng và mức lương lại không phải là thang đo chuẩn cho thành công và hạnh phúc. Nếu bạn lựa chọn dựa theo những gợi ý của người khác, cố gắng học lấy bằng và theo đuổi một sự nghiệp chỉ vì nó có phần trăm mang lại một mức lương cao, thì rất có thể nó sẽ trở thành một sai lầm lớn và bạn phải chịu đựng hoặc hối hận trong tương lai.
Điều cần làm là cho bản thân cơ hội để tự vạch ra kế hoạch cho cuộc đời mình.
Ở nhiều quốc gia phát triển, thanh thiếu niên được khuyến khích nghỉ một năm (gay year), hoặc nghỉ ngắn hạn (giữa lúc tốt nghiệp và đại học) để thử nghiệm và tìm kiếm điều mà họ thực sự muốn làm, ngành nghề mà họ thực sự muốn cống hiến và có đam mê.
Phải đạt điểm cao và có thành tích mới đáng tự hào
Người trẻ đang rất quen thuộc với chứng rối loạn lo âu, nhưng khi nói ra sẽ là điều gì đó vô cùng xa lạ với người lớn. Các bậc phụ huynh không thể hiểu được vì sao một đứa trẻ lại có thể lo âu nhiều đến thế, trong khi việc của chúng trong độ tuổi này chỉ đơn giản là học và phải học thật giỏi.
Đó là vì cha mẹ không biết rằng việc áp đặt và những kì vọng về thành tích học tập sẽ khiến chúng ta phải chịu đựng cảm giác lo lắng, bất an suốt thời học sinh, thậm chí suốt đời. Rất nhiều những bạn trẻ tuổi teen chia sẻ rằng các bạn muốn được yêu thương kể cả khi không có thành tích.
Về mặt thực tế, thất bại không phải điều gì đáng xấu hổ, nó dạy chúng ta cách đối phó với tình huống tiêu cực, mang lại kinh nghiệm sống quý giá và giúp tìm ra giải pháp cho những tình huống khó khăn trong tương lai. Những người đầu tiên ủng hộ chúng ta vượt qua khó khăn và thất bại sẽ trở thành tượng đài của sự động viên trong suốt hành trình trưởng thành, nên không gì tuyệt vời hơn khi những người đó chính là gia đình.