Áo tái khẳng định vẫn tiếp tục nhập khí đốt từ Nga
Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler vừa cho biết nước này sẽ không thể ngưng nhập khẩu khí đốt từ Nga, việc ngưng nhập khẩu sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Áo. Thủ tướng Áo Karl Nehammer còn cho biết không chỉ nước Áo mà cả Đức và Hungary sẽ vẫn cần đến nguồn khí đốt từ Nga.
Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler vừa cho biết, hiện tại, nước này không thể cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga. Phát biểu với báo chí, bà Leonore Gewessler nêu rõ: “Áo phụ thuộc 80% vào khí đốt của Nga. Vì thế chúng tôi không thể thực hiện lệnh cấm vận khí đốt Nga ở thời điểm hiện tại. Bản chất của các lệnh trừng phạt là để chúng ta tồn tại lâu hơn Nga và chúng tôi không thể làm điều đó mà không có khí đốt”.
Trước đó, Ngoại trưởng Áo Magnus Brunner cũng tuyên bố nước này sẽ không ủng hộ khả năng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga vì điều đó sẽ gây hại cho nước Áo nhiều hơn là cho với Nga; đồng thời, nhấn mạnh Áo không có lựa chọn nào khác vì nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt từ Nga. Thậm chí, Thủ tướng Áo Karl Nehammer còn cho biết không chỉ nước Áo mà cả Đức và Hungary sẽ vẫn cần đến nguồn khí đốt từ Nga.
Hồi đầu tháng 4, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang xem xét khả năng ngưng nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027, sau khi Chính phủ Nga yêu cầu các quốc gia “không thân thiện thanh toán” bằng đồng ruble Nga cho việc mua khí đốt nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây.
Áo đã phải kích hoạt một cơ chế quản lý khẩn cấp để quản lý nguồn cung khí đốt nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Tuy nhiên, bà Leonore Gewessler cho rằng châu Âu khó có khả năng dừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027 khi tất cả các phương án thay thế hoặc giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga đều phức tạp và cần có thời gian triển khai.
Người đứng đầu bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Alfred Kammer cảnh báo châu Âu chỉ có thể cầm cự trong sáu tháng nếu không có nguồn khí đốt từ Nga bằng các nguồn dự trữ và thay thế nhưng các tác động kinh tế từ việc ngưng nhập khẩu năng lượng từ Nga sẽ rất nghiêm trọng. IMF dự báo tổng thiệt hại nếu mất nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga đối với EU là 3% GDP, tùy thuộc vào sự khắc nghiệt của mùa Đông.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev, cho rằng châu Âu sẽ không thể tồn tại được trong một tuần nếu không có khí đốt của Nga. Hôm 22/4, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các công ty trong EU có thể mở một tài khoản tại ngân hàng Gazprombank để thanh toán tiền mua khí đốt của Nga theo một kế hoạch thanh toán mới do Nga đưa ra mà không phải tuân theo các lệnh trừng phạt của khối đối với Nga.